Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…
Tuy nhiên, sau hơn 13 năm triển khai thi hành, đến nay, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả còn khoảng trống; chưa quy định hình thái hoạt động và giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng…
Đại diện Bộ Công Thương trình bày các nội dung chính của đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. |
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Với cam kết này, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Với những lý do trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thảo luận, trao đổi về các nội dung chính sách được đề xuất. Về Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bổ sung thuyết minh về chính sách thành lập Quỹ, trong đó làm rõ cơ sở pháp lý, căn cứ đề xuất thành lập Quỹ, thẩm quyền thành lập, mô hình hoạt động, nguồn kinh phí dự kiến… Đồng chí lưu ý việc thành lập Quỹ phải đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước (NSNN) và NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ ngoài NSNN theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/20202 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năng 2045.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có đề xuất dự án mới, dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng có sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn nêu trên tương ứng phát sinh yêu cầu sử dụng các vật liệu, thiết bị, máy móc… với chi phí có thể cao hơn so với việc xây dựng, cải tạo các công trình, cơ sở hạ tầng hiện nay. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ đề xuất này và có đánh giá tác động cụ thể, điều kiện chuyển tiếp đối với các dự án đang triển khai thực hiện để đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN góp ý thẩm định. |
Còn đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho biết, hiện thực trạng tiêu thụ năng lượng điện của Việt Nam vẫn ở mức cao, vì vậy dư địa để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là rất lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và đặt mục tiêu tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, cần có thể chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng an toàn, hiệu quả. Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết.
Đại diện Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, dự thảo Tờ trình đề cập đến việc bổ sung trách nhiệm của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; quy định chế tài, khen thưởng đối với người đứng đầu cơ sở năng lượng; tuy nhiên các nội dung này vẫn chưa được cụ thể hoá trong các điều khoản của dự thảo. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để cụ thể hoá đầy đủ các chính sách tại dự thảo Luật.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận phiên họp. |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô lâm về đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW và cam kết quốc tế như cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ quy định trong luật những nội dung mang tính khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định các nội dung chi tiết để kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần cân nhắc gộp chính sách 1 và 5 do có nhiều điểm trùng lặp; đồng thời rà soát tính liên quan của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu đề ra, các chính sách được đề xuất phải quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, vừa đảm bảo yếu tố kinh tế, vừa đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Do đó, Thứ trưởng đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng khung ưu đãi, tiêu chuẩn đồng bộ để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động tiếp tục nghiên cứu nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo, phát triển công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng; tính khả thi, hiệu quả, nguồn vốn duy trì và đánh giá tác động của việc thành lập Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đề nghị Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành tại phiên họp và ý kiến giải trình bổ sung của cơ quan chủ trì soạn thảo để hoàn thiện Báo cáo thẩm định.