Thông qua Dự án, không chỉ riêng các em học sinh, cha mẹ và thầy cô cũng sẽ được tiếp thu các kiến thức về bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và bạo lực giới trong thể thao để có thể chủ động khuyến khích và hỗ trợ con em và học sinh tham gia các hoạt động tập luyện thể thao trong môi trường học tập bình đẳng, an toàn và hòa nhập.
Bóng đá và bóng rổ là 2 môn thể thao dự án chọn thí điểm cho giai đoạn này bởi đây là hai môn thể thao phổ biến được nhiều trẻ em yêu thích tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê nhanh của dự án tại 20 trường học ở Hà Nội, chỉ có 4% các em trai và 2% các em gái đang tham gia các câu lạc bộ thể thao ở trường mình.
Lý do cho thực trạng này bao gồm việc chương trình học ở trường đặt nặng các môn văn hóa, khiến các em phải học thêm ngoài giờ hoặc với các trường ngoại thành, các em phải dành thời gian giúp đỡ gia đình sau giờ học. Quan trọng hơn là định kiến giới và sự thiếu ủng hộ từ bố mẹ các em. Đa phần các trường học cũng không có đủ hệ thống cơ sở vật chất cho các môn thể thao. Cứ 10 trường được hỏi thì chỉ có 2 trường có sân bóng đá; tỷ lệ các trường có phòng thể chất và sân bóng rổ lần lượt là 50% và 35%.
Kết quả khảo sát với 382 học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên từ 5 trường THCS tại Hà Nội vào đầu năm 2019 trong khuôn khổ dự án này cho thấy 54,4% các em cho biết các không gian thể thao hiện nay là chưa an toàn hoặc ít an toàn với em gái và 63.87% không an toàn và thiếu an toàn với em trai. Ba lý do chính dẫn đến thực trạng này là rủi ro bị chấn thương khi chơi thể thao, dễ gây xích mích và các em dễ bị bắt nạt. 53% học sinh tham gia khảo sát cho biết các em không tham gia các hoạt động thể thao do các em không có kỹ năng để chơi môn thể thao đó, 41% cho biết không có thời gian do việc học tập.
60% em gái và 40% em trai cho biết các hoạt động thể thao trong trường học hiện nay là không bình đẳng. Các lý do cho đánh giá của các em là có sự phân biệt đối xử khi tham gia hoạt động thể thao, các em trai và em gái không được khuyến khích chơi các môn thể thao dựa trên giới tính của các em, hay đánh giá chủ quan về khả năng thể lực của các em. Đặc biệt, chỉ có 45,7% các em gái tham gia vào khảo sát cho biết các em cảm thấy an toàn và 40% các em gái cảm thấy được bình đẳng khi tham gia vào các hoạt động thể thao trong trường học.
Trong số 382 em tham gia khảo sát, 33% cho biết bản thân các em hoặc bạn mình đã từng trải nghiệm ít nhất một hình thức quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục khi tham gia hoạt động thể thao tại trường học, trong đó, 11% các em cho biết cả em và bạn mình đã từng bị quấy rối tình dục, 13% cho biết chỉ xảy ra với các em và 9% cho biết là chỉ xảy ra với bạn của mình.
Các hình thức phổ biến của hành vi quấy rối tình dục là huýt sáo và có các cử chỉ gợi dục (29%); đưa ra các lời bình luận có tính chất gợi dục (15%) và đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể (14,5%) và gửi tin nhắn với nội dung liên quan đến tình dục (12%). Nghiêm trọng hơn, có 6% các em cho biết đã từng bị yêu cầu đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 42% các em đã báo cáo vụ việc, trong đó 31% em trai và 48% em gái. Với các ca được báo cáo, 50% người được báo cáo “không làm gì” và chỉ có 14% kẻ quấy rối bị phạt.
Dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội” sẽ được triển khai với mục tiêu là tăng tỷ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh nữ tham gia vào các hoạt động thể thao tại trường học, cụ thể là triển khai mô hình Câu lạc bộ (CLB) thể thao Thủ lĩnh của sự thay đổi với 2 môn bóng đá và bóng rổ.
Thông qua các hoạt động của CLB này, các em sẽ được trang bị thêm kiến thức về bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, bạo lực giới trong thể thao nói riêng và trong trường học nói chung. Thành viên của các CLB không chỉ được học các kỹ năng về thể thao mà còn được trang bị kiến thức về bình đẳng giới để sau đó chính các em sẽ trở thành các tuyên truyền viên cho các bạn học sinh khác trong trường và ngoài cộng đồng.