Thu nhập trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới
Tại cuộc khảo sát tiền lương của công nhân ngành may (nơi có số lượng lao động nữ chiếm đa số) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tại 6 doanh nghiệp may gần đây, phần lớn công nhân được khảo sát cho rằng không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt, hiếm khi có thời gian đi thăm người thân hoặc bạn bè; lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái trong thời gian họ ở nhà máy… Vì lương không đủ sống nên công nhân phải làm thêm giờ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Báo cáo cũng chỉ ra, có tới 53% công nhân được khảo sát không đủ tiền trang trải chi phí khám, chữa bệnh và thuốc men.
Mặt khác, những báo cáo gần đây của cơ quan chức năng đều chỉ ra thực tế, dù công việc cùng trình độ nhưng thu nhập trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao. Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1% thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.
Theo dữ liệu Khảo sát về lực lượng lao động ở Việt Nam thì từ năm 2011-2014 nữ giới thu nhập trung bình ít hơn 3 triệu đồng (trong điều kiện một tuần làm việc 40 giờ và 52 tuần làm việc/năm) so với nam giới. Nam giới thu nhập nhiều hơn nữ giới cả trong các lĩnh vực nhà nước, ngoài nhà nước và trong các ngành nông nghiệp, phi nông nghiệp. Khoảng cách này không thay đổi trong suốt 4 năm tiến hành khảo sát.
Bình đẳng trong trả công là một trong những điều kiện tiên quyết đối với bình đẳng giới. Chỉ khi lao động nam và nữ được trả công bình đẳng thì họ mới phát huy động lực để tham gia đóng góp cũng như hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ở góc độ pháp luật về vấn đề này, Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền được trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động nam và nữ làm công việc như nhau (Điều 26). Bộ luật Lao động đưa ra nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau và yêu cầu người sử dụng lao động trả lương bình đẳng cho tất cả người lao động không phân biệt giới tính (Điều 90 Bộ luật Lao động và Điều 13 Luật Bình đẳng giới). Riêng đối với lao động nữ, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ cũng quy định rõ hơn về một số biện pháp để thúc đẩy quyền làm viêc bình đẳng của lao động nữ trong đó bao hàm cả quyền được bình đẳng trong trả công.
Cần khắc phục hạn chế pháp luật
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật hiện nay chưa đưa ra các quy định cụ thể về những vấn đề trên. Theo đánh giá của các chuyên gia, bất bình đẳng trong trả công ở Việt Nam bắt nguồn một phần từ những hạn chế của khung pháp lý về lao động hiện hành, đặc biệt đối với lao động nữ.
Đơn cử, mặc dù Bộ luật Lao động đưa ra được những nguyên tắc cơ bản là phải bảo đảm việc trả tiền lương cho người lao động một cách bình đẳng. Tuy nhiên, bộ luật này và các văn bản dưới luật lại không đưa ra các quy định cụ thể để triển khai nguyên tắc trên một cách hiệu quả, bao gồm cả cơ chế khiếu nại và áp dụng các chế tài nếu xảy ra vi phạm những nguyên tắc này. Cùng với đó là những quy định phụ nữ bị từ chối tiếp cận 77 nghề, trong đó 38 nghề bị cấm trên cơ sở giới tính, 39 nghề còn lại cấm đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Sự thiếu công bằng này sẽ hạn chế các lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của phụ nữ, cũng như sớm hạn chế sự phát triển nghề nghiệp và các cơ hội đào tạo của họ.
Do vậy, việc sửa đổi khung pháp lý hiện hành là cần thiết để tiến tới bình đẳng trong trả công tại Việt Nam. Việc sửa đổi sẽ tập trung vào các khía cạnh như: bổ sung định nghĩa và làm rõ nội hàm của khái niệm “trả công”; xây dựng các tiêu chí đánh giá, xác định “công việc có giá trị ngang nhau”; ban hành các quy định cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới trong trả công; ban hành các quy định về đào tạo và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan.
Trong đó, việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, xác định “công việc có giá trị ngang nhau” là khía cạnh rất quan trọng. “Công việc có giá trị ngang nhau” không có nghĩa là yêu cầu nam và nữ phải làm các công việc giống nhau mà thay vào đó tiền công phải được trả ngang bằng cho các công việc có giá trị ngang nhau khi phân tích các tiêu chí như trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, môi trường làm việc, trách nhiệm công việc…
Liên quan đến tiêu chí “công việc ngang bằng” thì Bộ luật Lao động hiện hành và các văn bản hướng dẫn cũng chỉ dừng lại ở “giá trị ngang nhau” và gián tiếp đề cập đến một số tiêu chí khác để trả lương như: năng suất, khối lượng, chất lượng công việc. Theo đánh giá của chuyên gia các tổ chức quốc tế như: Care, Oxfarm, ILO… thì các tiêu chí trực tiếp và gián tiếp trong Bộ luật Lao động hiện nay vẫn mang tính liệt kê thuần túy và không đầy đủ. Do vậy, muốn trả lương công bằng thì cần xác định những yếu tố cơ bản chính dựa trên các thông lệ thực tiễn như: vị trí công việc, trách nhiệm về thiết bị, tài chính, con người; chất lượng lao động; điều kiện làm việc tương đương; mức độ hoàn thành công việc…
Việc làm rõ các tiêu chí trên ở góc độ Bộ luật Lao động sẽ tạo cơ sở để các văn bản dưới luật quy định chi tiết hơn về việc thi hành.
Để tiến tới thực hiện chính sách bình đẳng trong trả công, theo bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, thì việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội để giải quyết các khuyến nghị của Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Còn theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương phải làm sao là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ. Trong đó, người lao động đều có quyền bình đẳng về trả công, không vì phân biệt giới mà có sự chênh lệch về trả công. Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Do vậy, việc sửa đổi khung pháp lý hiện hành là một bước cần thiết để tiến tới bình đẳng trong trả công tại Việt Nam.