Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng thời lượng tuyên truyền Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù là ngày nghỉ nhưng các cơ quan, đơn vị cũng tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật...
Ông Dương Quang Tương - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: “Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với mọi người dân luôn được các tổ chức đoàn thể quan tâm và coi đây là biện pháp bền vững, lâu dài trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngày Pháp luật là dịp để các địa phương mở các đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng đến với người dân; là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, nhằm cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân, công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật”.
Ông Tương cũng cho biết thêm, Ngày Pháp luật còn là dịp để những người thực thi pháp luật nhìn lại mình. Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan suốt 10 năm qua là bài học xương máu cho những người “cầm cân nảy mực”.
Cho nên, cùng với việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân thì cần làm tốt vấn đề điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Xử đúng người, đúng tội; không xảy ra oan sai sẽ góp phần tạo niềm tin để mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, Ngày Pháp luật là cơ hội để mỗi người tự soi mình, tự điều chỉnh ý thức và thái độ hành xử trong quan hệ với nhân dân sao cho xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.
Vì vậy, bên cạnh mục tiêu trước mắt là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ngày Pháp luật Việt Nam còn đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.