Đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương): “Chỉ có tình yêu nghề nghiệp mạnh mẽ của những người ngày đêm trăn trở vì sự nghiệp tư pháp, vì công tác đưa pháp luật vào cuộc sống mới đem đến một sáng kiến về Ngày Pháp luật có ý nghĩa lớn lao như vậy”.
Đưa pháp luật vào nhận thức của toàn xã hội
Kể từ năm nay, ngày 09/11 hàng năm sẽ là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Thưa Bộ trưởng, ngày này có ý nghĩa như thế nào, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN?
- Ngày Pháp luật được bắt nguồn từ sáng kiến của cơ sở, hay đúng hơn là từ tình yêu nghề nghiệp mạnh mẽ của những người ngày đêm trăn trở vì sự nghiệp tư pháp, vì công tác đưa pháp luật vào cuộc sống. Vì thế, Ngày Pháp luật không đơn giản là một ngày được đều đặn tổ chức hàng năm như một dịp để kỷ niệm, để tri ân, để nhắc nhở, mà đây là ngày cao điểm trong năm để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Bước ngoặt của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)
Ngày Pháp luật là một mô hình mới để PBGDPL đã được đánh giá cao qua thực tiễn triển khai trước khi được Luật hóa. Vậy Bộ trưởng có cho rằng “việc có Ngày Pháp luật thống nhất là bước ngoặt có ý nghĩa cho công tác PBGDPL” hay không?
- Trong thời gian qua, hoạt động PBGDPL đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm và đã có kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiệu quả nhìn chung còn hạn chế, còn ít mô hình tốt có thể nhân rộng cho cả nước.
Vì vậy, Ngày Pháp luật khi được luật hóa sẽ là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, là một cách làm hay để góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan, tổ chức nhà nước đối với nhân dân, hướng tới xây dựng hình ảnh một Nhà nước gần dân, vì dân, phục vụ dân; đồng thời cũng nhắc nhở, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này được coi là một trong những tiến bộ về tư duy rất quan trọng được thể chế hóa trong Luật PBGDPL nói chung cũng như quy định về Ngày Pháp luật nói riêng. Vậy nên có thể coi từ năm 2013, công tác PBGDPL có một bước ngoặt quan trọng để bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều chuyển biến tích cực.
Ở khía cạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, Ngày Pháp luật chắc chắn cũng sẽ là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Mô hình Ngày Pháp luật cũng đã được nhiều nước thực hiện. Vậy ở nước ta, Ngày Pháp luật sẽ có những sắc thái gì đặc trưng, thưa Bộ trưởng?
- Đúng như vậy, nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để thượng tôn pháp luật, tôn vinh Hiến pháp – đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hàng năm tổ chức kỷ niệm Ngày Hiến pháp của mình (dù không phải quốc gia nào cũng công nhận Ngày Hiến pháp là ngày lễ quốc gia). Điều đó cho thấy, Hiến pháp và pháp luật cần luôn được đề cập, tôn vinh để trở thành một phần gắn bó, thiết thân của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Ở nước ta, vì có nhiều đối tượng thụ hưởng nên Ngày Pháp luật sẽ mang nhiều sắc thái khác nhau. Ví dụ như đối với toàn dân, đây là ngày tôn trọng, thượng tôn pháp luật hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Còn đối với các cơ quan xây dựng và thi hành pháp luật thì đây là ngày tạo niềm hưng phấn cho những ý tưởng pháp luật thiết thực, hiệu quả, đồng thời cũng là dịp để những người thực thi pháp luật nhìn nhận nghiêm túc những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá của xã hội về quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, tác động của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó có những hiến kế hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Dù được tổ chức dưới hình thức, quy mô nào thì Ngày Pháp luật đều sẽ hướng tới đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, phê phán, loại bỏ các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thiết lập kỷ cương văn minh của xã hội ngay từ trong nếp nghĩ, cách sống của mỗi công dân, mỗi gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một đặc trưng lớn của Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là không chỉ giới hạn là ngày 09/11 hàng năm, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, tích cực, thiết thực thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm Ngày Pháp luật từ năm 2009 |
- Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trong khi cả nước đang bước vào tuần lễ cao trào tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên thì Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân - cũng đang tập trung thảo luận để thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Sự trùng hợp có tính lịch sử ấy đem đến một ý nghĩa, một giá trị đặc biệt cho chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 “Toàn dân đoàn kết xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với tinh thần đó của Ngày Pháp luật, ngay sau khi Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ khẩn trương bắt tay vào công việc rất to lớn, đồ sộ và cũng đầy khó khăn để cụ thể hóa một cách đúng đắn, đầy đủ các quy định của Hiến pháp thành các đạo luật, trước hết là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước Trung ương và địa phương theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện quyền lực do nhân dân giao phó, cũng như các luật nhằm thực thi nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Làm luật, xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành luật, pháp luật một cách nghiêm minh, thông qua Hiến pháp phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đưa Hiến pháp (sửa đổi) đi vào cuộc sống là cách thức thiết thực nhất chúng ta học và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Và theo tôi, đó là dấu ấn sâu sắc nhất mà Ngày Pháp luật năm 2013 có thể để lại trong lòng nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!