Bị cáo đập bể một số thứ trong nhà, tháo một số vòi sen, vòi nước nóng lạnh bỏ trong bọc ni lon rồi mang giấu trong bụi rậm trước một trường học. Sau đó, thấy hành vi của mình là sai trái, bị cáo cầm về bỏ lại trong nhà anh chị. Bị cáo sợ không may có ai lấy mất, bị cáo lại mang tội trộm cắp. “Sau khi xảy ra sự việc, biết mình sai, nên bị cáo chở mẹ sang nhà anh chị xin lỗi, để anh chị thông cảm bỏ qua”, bị cáo khai.
Bị cáo và bị hại là anh em cọc chèo (cả hai cùng lấy hai chị em gái). Do hai bên gia đình có mâu thuẫn từ trước, bị cáo nửa đêm đột nhập vào nhà bị hại, đập vỡ cửa kính, chém nhiều nhát vào khung cửa (gây thiệt hại 9,7 triệu đồng); đập bể 4 bệ vệ sinh (thiệt hại 5,7 triệu đồng); tháo 9 vòi hoa sen cùng vòi nước nóng lạnh và một bộ khóa cửa mang đi (có giá trị 2,69 triệu).
Tòa sơ thẩm xử bị cáo tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”, phạt 9 tháng tù treo. Cho rằng cơ quan chức năng bỏ lọt tội danh “trộm cắp tài sản” và tội “hủy hoại tài sản”, bị hại kháng cáo, yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bị nghi gian lận nên phá hoại cho “hả giận”
Ngày 25/11/2016, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa phúc thẩm. Bị cáo là Hồ Duy Nhật (SN 1977, ngụ TP Huế), được tại ngoại. Bị cáo khai với HĐXX, vợ chồng chị vợ mình mua đất xây nhà, nhờ bị cáo thiết kế, xây dựng.
Bị cáo kêu thợ làm, toàn bộ vật tư, vật liệu, đều do bị cáo đứng ra mua, có hóa đơn, giấy tờ hẳn hoi. Một thời gian sau, anh chị kêu bị cáo ăn bớt ăn xén tiền vật tư, công thợ... Bị cáo giận, nói vật liệu chỗ nào không đủ, cứ kêu thợ vô tình toán lại, thiếu chỗ nào, bị cáo trả lại chỗ đó.
Bị cáo không định phá hoại tài sản của anh chị, nhưng đêm đó, bị cáo ngủ không được, cứ nghĩ đến việc anh chị xúc phạm mình, nên lòng thêm giận, mới nảy sinh hành động trên.
2h sáng hôm đó, bị cáo mang theo mác, búa, tuốc nơ vít trèo tường rào vào nhà anh chị. Bị cáo đập bể một số thứ trong nhà, tháo một số vòi sen, vòi nước nóng lạnh bỏ trong bọc ni long rồi mang giấu trong bụi rậm trước một trường học.
Sau đó, thấy hành vi của mình là sai trái, bị cáo cầm về bỏ lại trong nhà anh chị. Bị cáo sợ không may có ai lấy mất, bị cáo lại mang tội trộm cắp. “Sau khi xảy ra sự việc, biết mình sai, nên bị cáo chở mẹ sang nhà anh chị xin lỗi, để anh chị thông cảm bỏ qua”, bị cáo khai.
Tòa: “Bị cáo có ý định lấy tài sản về sử dụng không?”.
Bị cáo: “Dạ không. Chỉ muốn đập phá để anh chị không có sử dụng”.
Tòa: “Vì sao bị cáo chỉ đập một nửa, mà không đập hết?”.
Bị cáo: “Vì bị cáo thấy đập ngang đó được rồi”.
Tòa: “Vì sao bị cáo lại mang bao tay, bịt mặt?”.
Bị cáo: “Dạ để người khác không nhìn thấy”.
Bị hại kể lại, căn nhà đó ông xây dựng để cho thuê phòng trọ. Nhà xây xong, chuẩn bị cho thuê, không ngờ xảy ra chuyện, khiến ông phải mất hơn một tháng sửa sang lại. Sáng đó, thấy nhà cửa bị phá hoại tan nát, ông vô cùng hoang mang.
Hàng xóm láng giềng kéo đến hỏi thăm, bị cáo cũng tới. “Chú ấy (bị cáo – PV) còn chắp tay sau lưng, đi tới đi lui, bảo rằng “thằng mô ra tay cũng tàn nhẫn đây. Bắt được hắn mà bỏ tù cho mục xương”. Tui đâu ngờ kẻ phá hoại kia, lại chính là anh em cột chèo với mình”.
Nhà bị cáo nằm kế nhà bị hại, lại có gắn camera. Ngày trước, vợ bị cáo với con của bị hại rất thân thiết nhau. Vợ bị cáo lắp camera trong nhà, có cho cháu mật khẩu để vào kiểm tra camera.
Khi vụ án xảy ra, kẻ gây án hầu như chẳng để lại dấu vết gì ở hiện trường, nên con bị hại vào mạng internet, kiểm tra camera nhà dì, mới phát hiện cùng thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo ở trong nhà mình, mang găng tay, đeo khẩu trang, cầm thêm các dụng cụ gây án.
Camera còn cho thấy cảnh bị cáo leo qua tường rào nhà bị hại. Bị hại lần nữa đi báo án. Cơ quan chức năng sau đó đã phá được vụ án.
Anh em “nội chiến”
Bị hại kể, từ ngày bị cáo Nhật vào làm rể trong gia đình nhà vợ ông, khiến nhà vợ ông mấy phen xào xáo, không yên ổn được. Gia đình vợ ông có 6 anh chị em, nhưng chia thành hai phe. Người em út là vợ bị cáo, cùng một người anh ở xa quê đứng chung “chiến tuyến”; vợ ông cùng ba anh chị em khác đứng về một “chiến tuyến”.
Tại phiên tòa, 4 anh chị em vợ của bị cáo tỏ ra bức xúc, không tiếc lời tố cáo Nhật. Họ cho rằng, bị cáo vào làm rể trong nhà mình, khiến gia đình họ tan nát. “Hắn (bị cáo- PV) từng có vợ và hai con, nhưng bỏ vợ để cưới em gái tui.
Vợ cũ hắn lên khóc với mẹ tui, bảo ngày trước hắn nói với vợ, em tui giàu lắm, để hắn “đào mỏ” mang tiền về nuôi vợ con. Ai dè tiền bạc không thấy, toàn về đánh đập vợ con, rồi đòi li dị. Vợ cũ hắn nhờ mẹ tui khuyên hắn trở về với gia đình, nhưng bà bảo “chuyện của tụi bây, tau không biết””, chị vợ bị cáo kể.
Người này cho rằng, từ ngày bị cáo vào nhà, liền tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt tài sản trong nhà, bày “kế ly gián” khiến người mẹ gần đất xa trời của bà cũng về ở nhà con rể. “Mẹ tui về ở bên đó, vợ chồng hắn không cho tụi tui qua lại thăm nom. Hắn còn bảo mẹ tui viết giấy từ con.
“Phe” tụi tui 17 người, 4 đứa con trai gái, cùng với 4 dâu rể, và 9 đứa cháu đứa nào đứa nấy như búp măng, vậy mà bà đành đoạn “bỏ”, để theo hai vợ chồng con rể, cùng 1 đứa cháu ngoại và đứa con trai cả”, người này kể.
Vẫn lời người chị: “Cha tui mất, mồ còn chưa xanh cỏ, bà nghe lời con rể làm giấy bán nhà. 4 anh em tui không đồng ý, muốn giữ lại nhà để thờ ông bà, cha mẹ. Kiện tới kiện lui, giờ đã lên tận trung ương”.
Anh vợ bị cáo lại kể, em trai ông nghe lời bị cáo với em gái, nên cũng về chung một phe: “Vừa rồi em trai tui về nước, ghé qua đòi khóa lại nhà thờ. Tụi tui không chịu, vì còn phải lui tới để thắp hương cho cha. Rứa là em trai tui đánh tui, tui phản kháng lại. Ổng đang làm hồ sơ kiện tui ra tòa đó”. Người này bảo, vụ việc ra tòa hôm nay, chẳng qua như một giọt nước tràn ly.
Tòa tuyên bị cáo Nhật chỉ phạm 1 tội, mức án 9 tháng tù giam |
Có bỏ lọt tội phạm?
Tại phiên tòa, bị hại yêu cầu phải truy tố bị cáo thêm tội danh “trộm cắp tài sản” và “hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, việc bị cáo tháo vòi hoa sen, vòi nóng lạnh và khóa cửa, mục đích là để bị hại không sử dụng được, chứ không có ý chiếm đoạt.
Nhật cũng không đưa số tài sản trên đi tiêu thụ, không làm hư hỏng và đã mang tài sản trên đến để lại trong phòng khách nhà bị hại. Do đó, bị cáo không phạm tội trộm cắp.
Bị hại tỏ vẻ không phục, nên hỏi lại: “Viện kiểm sát nói lấy tài sản của người khác mà đem trả là không phải tội trộm cắp. Vậy ngày mai tôi vào nhà các vị lấy tài sản mang đi. Rồi vài ngày sau đem trả, vậy là không mang tội trộm cắp hay sao?”.
Với tội “hủy hoại tài sản”, kiểm sát viên cũng giải thích với bị hại, hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu không gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ có thể truy tố tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”. “Không phải 20 triệu, mà chỉ cần 2 triệu, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, cũng bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản”.
Nhưng nếu không gây hậu quả nghiêm trọng, thì dù là 20 triệu, cũng chỉ bị truy tố về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói làm hỏng 4 bệ cầu là gây hậu quả nghiêm trọng cả”, vị này cho hay.
Mặc dù có luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, nhưng có vẻ “không phục” những gì viện kiểm sát giải thích, nên bị hại liên tục đối đáp. Theo ông này, “hủy hoại tài sản” là hành vi làm hư hỏng hoàn toàn tài sản, khiến tài sản mất giá trị sử dụng hoàn toàn; còn “làm hư hỏng tài sản” là hành vi làm tài sản hư hỏng một phần, nhưng có thể sửa chữa để tái sử dụng, nó chỉ khiến tài sản giảm đi giá trị sử dụng, nhưng không cần phải vứt bỏ.
“Các bệ cầu nhà tôi vừa lắp ráp, bị cáo đập bể, phải thay mới hoàn toàn, nếu không phải là hủy hoại tài sản thì là gì? Nhà tôi xây xong, chuẩn bị cho thuê, bị cáo vào đập phá, khiến tôi phải mất cả tháng để sửa chữa, không buôn bán gì được, gây tổn thất nặng nề về kinh tế. Nếu như vậy vẫn không xem là gây hậu quả nghiêm trọng, vậy như thế nào mới xem là gây hậu quả nghiêm trọng?”.
Luật sư Lê Văn Lập (Văn phòng luật sư Vĩnh Thái, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, cũng cho rằng cơ quan tố tụng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, khi không truy tố bị cáo Nhật hai tội danh “trộm cắp tài sản” và tội “hủy hoại tài sản”.
Theo luật sư, bị cáo Nhật nửa đêm vượt tường vào nhà người khác, có hành vi lén lút chiếm hữu tài sản có giá trị 2,69 triệu đồng của người khác; ngay tại thời điểm bị cáo mang những tang vật nói trên ra khỏi nhà của bị hại đã có đầy đủ dấu hiệu phạm tội “trộm cắp tài sản”, được quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự. “Việc bị cáo ném số tài sản này vào lại nhà bị hại vào hai ngày sau, chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả khi đã hoàn thành tội trộm cắp”, Luật sư Lập nói.
Chỉ phạm 1 tội
Vẫn lời luật sư, theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự, quy định về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, nói rõ: ““Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng…”.
Do đó, những trường hợp thiệt hại 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn bị truy tố. Chứ hoàn toàn không phải như viện kiểm sát giải thích, phải gây hậu quả nghiêm trọng mới truy tố tội danh này. Trường hợp của bị cáo Nhật, thiệt hại là 5,7 triệu đồng, hoàn toàn đủ căn cứ để truy tố tội “hủy hoại tài sản””.
Luật sư cũng cho rằng lời khai của bị cáo Nhật không thống nhất. Lúc đầu bị cáo thừa nhận mình “lấy trộm”, thừa nhận “hành vi lấy trộm tài sản của người khác là phạm pháp”… Tuy nhiên, sau đó Nhật phản cung, cho rằng mình mất bình tĩnh, nên khai không đúng sự thật.
Bị cáo sau đó khai mình lấy tài sản của bị hại rồi đem vứt, chứ không có ý chiếm đoạt. “Đâu là lời khai thật của bị cáo, cần phải làm rõ. Việc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo để định tội là chưa thỏa đáng”, luật sư Lập nêu ý kiến.
Tuy nhiên kiểm sát viên cho rằng, tội danh đã được viện kiểm sát kết luận, nên sẽ không tranh luận tại tòa, để không mất thời gian của HĐXX.
Sau khi nghị án, HĐXX bác bỏ một phần kháng cáo của bị hại, sửa một phần bản án. Tòa tuyên bị cáo Nhật phạm tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”, phải chịu mức án 9 tháng tù giam.
Tòa tan, vợ chồng bị cáo rẽ về phía tay trái, “phe” bị hại đi về hướng tay phải. Chị vợ bị cáo còn nói vọng theo bóng lưng vợ chồng bị cáo, vẻ chì chiết em gái: “Hắn mà còn theo thằng đó, chỉ có chết sớm thôi. Hắn là em gái tui, nhưng giờ trong lòng tụi , chỉ có giận, chứ không còn thương chi hết”.