Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi kiểm tra, đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1.544 người trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (đạt 5,4%) và bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp. Tỉnh đã thành lập mới 02 đơn vị và thực hiện việc sáp nhập, giải thể 57 cơ quan. Sau khi sáp nhập các đơn vị, số lượng lãnh đạo quản lý giảm 53 chức lãnh đạo (cấp trưởng: 50 chức danh; cấp phó: 3 chức danh).
Báo cáo tình hình công vụ tại địa phương, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, “Đối với tinh giản biên chế theo chỉ tiêu 10%, nếu không tinh giản khối sự nghiệp y tế và giáo dục thì khó đảm bảo chỉ tiêu.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bố trí đầy đủ nhân sự đối với khối sự nghiệp giáo dục và y tế, như vậy, không những khó tinh giản mà còn có thể tăng biên chế. Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cũng có nhiều văn bản không phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời”.
Ghi nhận tình hình và nêu ra một số hạn chế của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ để phấn đấu hết năm 2019 phải thanh tra, kiểm tra 100% các đơn vị; khắc phục những hạn chế theo các kết luận của các cơ quan Trung ương; chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho Đại hội Đảng sắp tới.
Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo rà soát biên chế, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, tinh giản biên chế theo quy định. Trong thời gian tới, UBND tỉnh đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế viên chức. Duy trì công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất để giải quyết tốt khiếu nại, kiến nghị của của công dân góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.