Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 6

(PLO) - Sáng nay (23/6), tại Thủ đô Nay Pyi Taw đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (ACMECS-6) với sự tham dự của Tổng thống Myanmar Thain Sein; Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong; Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. 
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện giữa năm quốc gia và thúc đẩy hợp tác ACMECS vì lợi ích của nhân dân năm nước, vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực. 
Các nhà Lãnh đạo đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2013-2015, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa năm nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), phát triển du lịch xanh, và hợp tác nông nghiệp. 
Định hướng cho hợp tác thời gian tới, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới, tận dụng các cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do đem lại. 
Tám lĩnh vực hợp tác ưu tiên được xác định gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; nông nghiệp; hợp tác công nghiệp và năng lượng; kết nối giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; và hợp tác về môi trường. 
Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp và các đối tác phát triển trong thực hiện Kế hoạch hành động. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất của Việt Nam về nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS. 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS và nhấn mạnh tiềm năng của hợp tác giữa năm nước. “Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế năm nước chúng ta đều đang khởi sắc, tăng trưởng tích cực và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á. Tôi cũng hài lòng nhận thấy quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước thành viên đang ngày càng mở rộng. Điều này cho thấy hợp tác ACMECS có cơ sở vững chắc để phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.  
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong những năm qua, các nước thành viên ACMECS đã tích cực thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, tận dụng các mạng lưới giao thông hiện có và các hành lang kinh tế như Hành Lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); thực hiện nhiều chính sách tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch tại tiểu vùng như mô hình kiểm tra một cửa, một lần dừng tại cặp cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cứng, nổi bật là việc hoàn thành cây cầu hữu nghị qua sông Mekong giữa Lào và Myanmar, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đường liên kết giữa năm nước. 
“Thành tựu đạt được là đáng ghi nhận, nhưng để đạt được các mục tiêu của Tuyên bố Bagan, ACMECS cần điều chỉnh để có thể phát huy tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên. Tôi đề nghị Hội nghị giao các Bộ trưởng và quan chức cao cấp rà soát tổng thể về hợp tác ACMECS, đánh giá thực chất mặt được và chưa được, từ đó đề xuất hướng cải tiến cả về phương thức hoạt động cũng như nội dung hợp tác của ACMECS. Nguyên tắc chỉ đạo là hợp tác thật trọng tâm, không dàn trải, chỉ thúc đẩy những lĩnh vực mà ACMECS có thế mạnh, và cơ cấu hoạt động tinh gọn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.   
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ACMECS đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực gồm hợp tác về nông nghiệp; tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại biên giới; và hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Ayeyawad, Chao Phraya, Mekong.
“Để ACMECS hoạt động hiệu quả, chúng ta cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác ACMECS, tăng cường đối thoại giữa Hội đồng kinh doanh ACMECS với đại diện Chính phủ nhằm bảo đảm kênh thông tin xuyên suốt và tính thiết thực của hợp tác ACMECS. Nhân dịp này, tôi một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ACMECS triển khai các chương trình hợp tác chung vì sự phát triển bền vững, vì hòa bình và thịnh vượng của các nước ACMECS” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. 
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ACMECS đã thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch hành động ACMECS 2016 - 2018 và nhất trí tổ chức HNCC ACMECS 7 tại Việt Nam cùng thời gian tổ chức HNCC bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức bên lề hai hội nghị này một diễn đàn đối thoại chính sách kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mekong. 
Cũng trong ngày 23/6, các nhà Lãnh đạo đã có buổi đối thoại với đại diện khu vực doanh nghiệp ACMECS. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp của khu vực doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội của các nước ACMECS và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS, chủ động đưa ra các sáng kiến và đóng góp ý kiến cho các hoạt động hợp tác. 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập quốc tế toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.