Thực tiễn áp dụng Thông tư 15/2011 về tương trợ tư pháp
Đánh giá những khó khăn , vướng mắc về qui định của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-TANDTC ngày 15/09/2011 hướng dẫn áp dụng một số qui định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp, bà Phạm Hồ Hương – Trưởng phòng Tư pháp quốc tế - Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng; Thông tư 15/2011 ra đời đã tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn tương trợ tư pháp về dân sự khẳng định một sự chuyển biến mạnh mẽ và được xem như hành lang pháp lý quan trọng, qui định rõ ràng về trình tự, thủ tục thực hiện, xử lý kết quả tương trợ tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tiễn cho thấy TT 15/2011 cũng còn nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến quá trình tố tụng của Tòa án, dẫn đến tình trạng một loạt các vụ án bị tồn đọng , không bảo đảm được quyền lợi của các đương sự trong các vụ việc dân sự. Một trong những vướng mắc đó là chi phí trong ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự .
Hiện chưa có văn bản nào qui định về mức thu chi phí UTTP trong quá trình giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài cần tương trợ tư pháp nên Tòa án địa phương còn lúng túng. Phần lớn Tòa án tự đề ra mức thu chủ yếu là chi phí dịch thuật tài liệu và cước phí bưu điện để gửi tài liệu đến Bộ Tư pháp thực hiện việc ủy thác trong quá trình giải quyết vụ án và ủy thác bản án, quyết định sơ thẩm sau khi giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp đương sự không hợp tác trong việc thanh toán chi phí phát sinh dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện UTTP. Vấn đề chi phí trong hoạt động UTTP là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện UTTP . Ngân sách Nhà nước hạn hẹp không thể thanh toán được cho các khoản chi phí phát sinh theo yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của người dân. Đối với các chi phí phát sinh tại nước ngoài, nếu tiếp tục không thanh toán cho phía nước ngoài thì họ sẽ không thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cho phía Việt Nam.
|
Bà Phạm Hồ Hương - Vụ Pháp luật quốc tế |
Về vấn đề nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện ủy thác tư pháp, khoản 2 Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp qui định về nguyên tắc tương trợ tư pháp :” Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về TTTP thì hoạt động TTTP được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam , phù hợp với pháp luật và tập quán quán quốc tế”. Trên thực tế, đối với các trường hợp UTTP đến các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp(TTTP) thì phần lớn đều có kết quả trả lời nhưng đối với những nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định TTTP thì hầu hết không có kết quả, do đó việc đặt ra nguyên tắc có đi có lại theo TT 15/2011 là không phù hợp.
Về xử lý kết quả UTTP tại Tòa án, mặc dù Điều 15 TT 15/2011 qui định việc xử lý kết quả, nhưng vấn đề này khi áp dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập dẫn đến việc Tòa tạm đình chỉ vụ án, ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân và pháp nhân trong nước. Kết quả thực hiện các yêu cầu UTTP chưa cao đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tố tụng , đến việc giải quyết các vụ việc dân sự nói chung.
Việc chậm có kết quả thực hiện UTTP hoặc có kết quả nhưng nội dung không đúng yêu cầu dẫn đến tình trạng các Tòa án và cơ quan tư pháp dù đã hoàn thành thủ tục theo qui định đối với các đương sự ở trong nước (như lấy lời khai, thu thập tài liệu, chứng cứ…) nhưng vẫn không thể tiếp tục giải quyết vụ án vì chưa đủ các điều kiện để ra Quyết định . Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng trong nước lại để trống qui định về việc xử lý các vụ việc không có kết quả UTTP dẫn đến hậu quả là nhiều vụ việc không có hướng xử lý. Trường hợp đã xét xử thì không thể chuyển hồ sơ nếu có kháng cáo, kháng nghị . Thực trạng là các cơ quan Nhà nước phải tốn kém về nhân lực, tài lực, còn cá nhân tổ chức liên quan bức xúc vì sự chậm trễ trong xét xử.
Về thực tiễn áp dụng TT 15/2011 trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài, ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng Phòng pháp luật quốc tế - Viện Khoa học xét xử TANDTC cho biết: Thời gian qua, trung bình mỗi năm TAND tỉnh, Thành phố thụ lý, giải quyết khoảng 3.500 – 4.000 vụ việc dân sự , hôn nhân và gia đình , kinh doanh thương mại, lao động có đương sự ở nước ngoài. Trong đó, đa số là các vụ án về tranh chấp tài sản thừa kế , quyền sở hữu tài sản, ly hôn và chia tài sản chung của vơ chồng, nuôi con, cấp dưỡng, tranh chấp về ký kết , thực hiện hợp đồng kinh doanh thương mại , hợp đồng lao động.
Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, để bảo đảm cho đương sự ở nước ngoài thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ, Tòa án phải chuyển giao,tống đạt nhiều loại văn bản của Tòa án . Do đó, TT 15/2011 có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài tại TAND cấp tỉnh. Từ đó, có thể nói rằng, TT 15/2011 đã rất thành công trong việc tạo ra một qui trình , trình tự, thủ tục thống nhất cho việc thực hiện tống đạt chuyển giao văn bản tố tụng của Tòa án ra nước ngoài, tạo ra cơ sở pháp lý cho Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án trên cơ sở kết quả thực hiện yêu cầu UTTP mà Tòa án nhận được.Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn có thể thấy rằng TT 15/2011 còn nhiều bất cập.
Cụ thể như qui trình tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài , đặc biệt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo phương thức UTTP còn phải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan. Hướng dẫn về việc xử lý kết quả thực hiện yêu cầu UTTP tại Tòa án còn chưa phù hợp; qui trình lập hồ sơ UTTP chưa bao quát được hết các vấn đề có liên quan như vấn đề về ngôn ngữ lập hồ sơ, xác định quốc tịch Việt Nam của đương sự đồng thời có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài, hoặc chưa điện tử hóa hồ sơ ủy thác trong công tác lưu trữ. Bên cạnh đó, các nguyên tắc áp dụng về có đi có lại thiếu tính khả thi, gây tác dụng ngược, dẫn đến việc chậm trễ trong việc chuyển giao, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và cản trở Tòa án giải quyết vụ việc trong thời gian luật định.
Sửa đổi Thông tư 15: Cần giảm bớt khâu trung gian, thời gian thực hiện UTTP
|
Ông Hồ Quân Chính - Cục Thi hành án Dân sự TPHCM |
Như vậy, làm sao để việc UTTP đạt kết quả tốt hơn, góp ý cho việc sửa đổi Thông tư này, phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quân Chính – Phó Phòng nghiệp vụ Cục Thi hành Dân sự TPHCM nói: Về vấn đề tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm qua, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ủy thác tư pháp rất nhiều nhưng kết quả thu về là bằng không. Nhiều hồ sơ gửi đi hàng năm, hàng tháng không có hồi âm. Điều đó cho thấy thời gian thực hiện UTTP quá lâu.
Chúng ta cần phải làm sao để trình tự, thủ tục phải nhanh gọn, bỏ bớt trung gian. Cụ thể như nên cho cơ quan có thẩm quyền tống đạt trực tiếp cho công dân ở nước ngoài, nếu không trái với pháp luật sở tại hoặc thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài mà không chuyển hồ sơ qua cơ quan trung gian là Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao. Về vấn đề ủy thác tư pháp trong thi hành án dân sự, trong TT 15/2011 chúng tôi không thấy vai trò của cơ quan thi hành ành án đâu cả, vì vậy đề nghị nên đưa Thi hành án vào Điều 7 mục “qui định cơ quan có thẩm quyền” để chúng tôi có thể đàng hoàng thực hiện việc UTTP.
|
Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến - TAND tỉnh Đồng Nai |
Về thời gian UTTP, bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến – Phó Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Án tồn của chúng tôi hiện nay có 50% là án ly hôn có yếu tố nước ngoài, những án này đa số đều chờ UTTP. Tuy nhiên qui định hiện nay về thời gian UTTP là quá lâu. Có nhiều đương sự của tôi, chỉ vì chờ UTTP để ly hôn mà cơ hội lấy chồng bị bỏ lỡ. hoặc có trường hợp một người có bạn trai, xin UTTP để ly hôn nhưng trong khi chờ được UTTP thì bị bạn trai bỏ và cô ấy phải nuôi con một mình. Đề nghị rút ngắn thời gian UTTP theo hướng một lần trong 6 tháng hoặc 2 lần, mỗi lần trong 3 tháng.
Về UTTP thông qua Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao hoặc cơ quan thực hiện UTTP chuyển trực tiếp cho Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thì thực sự chúng tôi cũng không biết nước nào có Cơ quan đại diện ngoại giao, nơi nào có Lãnh sự quán? Ngoài ra, về kết quả UTTP, thời gian qua Tòa Đồng Nai cũng thực hiện UTTP tuy nhiên kết quả đa phần là không có hồi âm. Vậy, nếu không có hồi âm thì xử lý như thế nào? Nếu đã tống đạt hợp lệ 2 lần nên chăng không cần UTTP nữa?
Ông Lê Mạnh Hùng bổ sung: TT 15/2011 cần sửa đổi theo hướng giảm khâu trung gian trong việc thực hiện yêu cầu UTTP cho công dân VN ở nước ngoài, theo đó các TAND cấp tỉnh sẽ gửi hồ sơ cho Cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài đồng thời cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài cũng sẽ gửi thông báo kết quả thực hiện yêu cầu UTTP đến cho TAND cấp tỉnh nơi đã gửi yêu cầu UTTP. Đưa ra khỏi TT 15/2011 về việc xử lý kết quả thực hiện UTTP, sửa đổi việc xác định ngôn ngữ lập hồ sơ ủy thác, xác định quốc tịch hữu hiệu của đương sự, xác định lại người có thẩm quyền ký hồ sơ UTTP, sửa đổi việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo hướng Tòa án không cần phải có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ UTTP về dân sự.
Ngoài ra, đại diện Cục Thi hành án Bình Thuận góp ý nên giảm bớt số lượng hồ sơ để tránh tốn kém cho đương sự đồng thời có mức thu phí cụ thể để các cơ quan thực hiện UTTP áp dụng.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng hội thảo đã thảo luận 6 vấn đề về nội dung và môt vấn đề về kỹ thuật với tinh thần làm việc khẩn trương và trách nhiệm. Cụ thể, về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, chúng ta nhất trí cao là cần có sự hoàn thiện thực tiễn hiện nay. Đây là đầu vào rất quan trọng để nhóm soạn thảo xây dựng văn bản sát với thực tế.
Đồng hành với việc sửa TT 15/2011 cần sửa Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Thi hành án dân sự với những qui định cụ thể liên quan đến vấn đề này. Chúng ta cũng cần rà soát lại toàn bộ qui trình để biết hồ sơ đang nằm ở đâu, vướng ở khâu nào cũng như xem xét lại thẩm quyền của cơ quan thi hành án trong việc thực hiện UTTP như Cục THADS TPHCM đã đề cập. Liên quan đến việc tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ có cách để tống đạt trực tiếp có sự tham gia của cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài.
Về việc để cho Quận, Huyện trực tiếp gửi yêu cầu UTTP hay không, mong muốn của chúng ta cũng rất là cao đối với thẩm phán và chấp hành viên, tuy nhiên để thực hiện được điều đó cũng cần rà soát lại. Về việc thu nộp chi phí, Tòa án cần định ra mức phí và nêu trong Quyết định để đương sự thực hiện về sau. Trách nhiệm của đương sự là phải nộp trực tiếp với cơ quan thu số tiền đó, khoản nào rõ thì nộp ngay, loại chưa rõ được như phí lấy lời khai, thu thập chứng cứ thì đương sự phải tạm ứng.. Nói chung, chúng ta phải làm sao để dễ thực hiện, tránh phát sinh...