Ngày 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và khoảng 450 đại biểu là đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước dự Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất mà tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại địa phương này.
Thủ tướng cho rằng Ninh Thuận sở hữu một tài sản, lợi thế so sánh của Việt Nam, mang vẻ đẹp Việt nhưng lại được xem như “Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Tỉnh có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được, có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc.
“Không được để tình trạng trì trệ mà phải năng động trong phát triển; không chờ đợi, ỷ lại vào cấp trên mà phải tự vươn lên. Đặc biệt là không được chậm trễ, cần năng động, quyết liệt hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng yêu cầu khi cho rằng tỉnh mới tự trang trải được 30% ngân sách còn 70% vẫn dựa vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Để thu hút các nhà đầu tư tới làm ăn lâu dài, theo Thủ tướng, phải có cam kết chính sách rõ ràng từ phía lãnh đạo tỉnh, có cam kết cụ thể đối với các nhà đầu tư như một số địa phương khác đã làm vì điều này tạo niềm tin, khích lệ rất lớn cho nhà đầu tư.
“Ninh Thuận có 2.200 DN và như vậy cứ 275 người dân thì có một DN đang hoạt động, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước, hiện cũng đã thấp rồi. Trong khi các nước phát triển như Đan Mạch, Na Uy thì 3-4 người dân đã có một DN”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng trao đổi với các nhà đầu tư dự Hội nghị |
Thủ tướng mong muốn chính quyền mọi cấp cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư về những khó khăn mà họ gặp phải để cùng họ tháo gỡ, đồng hành với DN, dẹp bỏ những rào cản phát triển, khơi thông vốn, công nghệ, thị trường, nhất là với DN khởi nghiệp, DN mới.
“Có vị tổng giám đốc nói với tôi rằng, để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất nhiều khó khăn về đền bù, tái định cư. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn có thể nếu chính quyền chúng ta mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và DN để xử lý các vấn đề cụ thể. Để vài năm thì cơ hội kinh doanh với nhà đầu tư còn đâu nữa”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Điều này có nghĩa chúng ta không chỉ mở cửa để DN và người dân khi có việc thì tìm đến mà cần có tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm thông và giải quyết triệt để. Tránh tình trạng tiếp dân, DN một cách hình thức, nói hôm trước thì hôm sau lại quên, “nói trước quên sau”.
Phải ràng buộc trách nhiệm hành động với lời nói, tạo ra chữ tín của người phục vụ nhân dân. “Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó DN tự tìm đến làm ăn, phát triển, gắn bó với địa phương mà không nhất thiết cần có những ưu đãi nặng tính kỹ thuật như ưu đãi về thuế”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh “đừng để họ bức xúc, kêu ca rồi mới chạy theo giải quyết”.
Do đó, việc tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi nhất về môi trường đầu tư là yêu cầu quan trọng. Những vấn đề gì cấp thiết thì phải tập trung giải quyết ngay để đáp ứng yêu cầu của DN. Đối với những vấn đề mang tính dài hạn, các bộ, ngành và tỉnh phải đưa vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, có lộ trình, phân công cụ thể và có kiểm tra, giám sát thực hiện.
Thủ tướng cho rằng tỉnh Ninh Thuận cần xây dựng website thu nhận ý kiến đánh giá, khuyến nghị của DN như Văn phòng Chính phủ đã làm.