Phát biểu tại hội nghị, ông Kengo Ishida, Giám đốc Trung tâm giảm thiểu Cacbon khu vực châu Á - Cục Môi trường TP Kitakyushu cho biết, bắt đầu từ tháng 11/2015, dự án chạy thử nghiệm xe buýt điện (EV bus) chạy bằng điện năng từ năng lượng mặt trời tại đảo Cát Bà được triển khai với cơ chế đối tác Nhật Bản hỗ trợ xe, kỹ thuật lắp ráp và vận hành, Cty TNHH Thương mại Quốc Hưng chịu trách nhiệm về bến bãi, nhân lực và tổ chức vận hành. Đến nay, hoạt động đăng ký, đăng kiểm đã hoàn thiện, xe buýt đã sẵn sàng đi vào hoạt động, phục vụ người dân và du khách trên đảo.
Phân tích về hiệu quả và lợi ích của xe buýt điện, ông Kengo Ishida khẳng định đây là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường do không sử dụng xăng dẫn đến không phát sinh khí thải. “Mặt khác, do xe sử dụng năng lượng có thể tái sinh là năng lượng mặt trời để phát điện và nạp điện nên không làm phát sinh khí CO2. Đồng thời, đây cũng là loại thân xe buýt có trọng lượng nhẹ nhất trên thế giới, sử dụng phương thức thay pin nên có thể chạy liên tục ở khoảng cách dài”, ông Kengo Ishia chia sẻ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trên huyện đảo Cát Bà, đường giao thông có đặc điểm đèo dốc và nhiều khúc cua, nên việc đưa xe buýt điện vào thử nghiệm phải bảo đảm các điều kiện riêng về pin, thân xe. Hệ thống phát điện năng lượng mặt trời phải có biện pháp khắc phục điều kiện hơi mặn trong không khí do địa hình giáp biển.
Bà Vũ Thị Bích Liên, đại diện Cty TNHH Thương mại Quốc Hưng cho biết, thời gian thử nghiệm, Cty Quốc Hưng sẽ triển khai chạy 01 xe buýt với tần suất 4 chuyến/ngày, tuyến số 13 với chiều dài 28km, tuyến số 14 với chiều dài 24,5km. Trong quá trình thí điểm, hoạt động xe buýt điện trên đảo không phải nhằm mục đích kinh doanh mà là giải pháp ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường và miễn phí với người dân, du khách đi xe.
Theo phân tích của đối tác Nhật Bản, áp dụng xe buýt điện tạo hiệu quả giảm phát thải khí CO2 nhờ thay thế nhiêu liệu bằng phát điện từ năng lượng mặt trời. Theo đó, nếu chạy thử nghiệm trên tuyến 13, 14 ở Cát Bà với 250km/ngày, hiệu quả giảm thải CO2 mỗi xe buýt điện mang lại tổng cộng là 1.027 tấn CO2/năm.
Lãnh đạo TP Hải Phòng và TPKitakyushu cắt băng khai trương xe buýt điện |
Nằm trong giai đoạn đầu dự án triển khai còn nhiều khó khăn, bà Liên mong muốn DN được UBND TP Hải Phòng hỗ trợ miễn phí đường bộ trong thời gian thử nghiệm, được tạo kiện cho DN có mặt bằng đỗ xe và được hỗ trợ từ Nhật Bản theo cơ chế JCM (cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải cácbon thấp).
Dự kiến, năm 2018 dự án sẽ triển khai áp dụng mới 10 xe buýt, đến năm 2020 sẽ nâng số lượng xe mới lên 40. Đại diện DN cho biết, mỗi chiếc xe buýt điện có trị giá lên tới 8 tỷ đồng và hệ thống năng lượng mặt trời và thiết bị đồng bộ đi kèm phục vụ cho chiếc xe có trị giá 11 tỷ đồng.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn khẳng định đây là một trong những dự án quan trọng của TP Hải Phòng. Ông Sơn đề nghị Cty Quốc Hưng nhanh chóng áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là đào tạo nhân sự có đủ trình độ để vận hành loại hình vận tải mới này.
Thời gian tới, TP Kitakuyshu sẽ tiếp tục hợp tác tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh TP Hải Phòng và phổ cập xe bus điện EV tại đảo Cát Bà.