Thử lý giải nguyên nhân một số lễ hội biến tướng

Cảnh chen lấn trong lễ hội đền Trần
Cảnh chen lấn trong lễ hội đền Trần
(PLO) -Đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, vào mùa lễ hội thì dư luận lại rộ lên ca thán về tình trạng bát nháo, phi văn hóa, thương mại hóa trong lễ hội. 
 

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn phải kêu lên là “nước tôi dân tôi, sao mà nhiều sắc màu cung bậc thế!”. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh điểm qua một số hiện tượng: “Hội văn nghệ gì đó Quảng Ninh chế tạo một cái ấn thừa kế Tao đàn Hồng Đức ba láp cũng tổ chức lễ khai ấn, khai bút tung tóe. Văn nghệ sỹ thế đấy. Đá gà cờ bạc ở hội chùa Lim. Văn hóa truyền thống thế đấy. Tranh cướp giành giật lộc thánh trong các lễ hội. Tín ngưỡng thế đấy. Một nhà sư phát lộc Phật như rắc cơm nguội cho cá. Tâm linh thế đấy.…”.

Không chỉ báo chí dư luận mà chính ngành văn hóa, các ban tổ chức lễ hội cũng nhiều lần lên tiếng hứa hẹn cải tiến tổ chức, bảo đảm văn minh, xử lý nghiêm. Nhưng ngược lại với những lời hứa hẹn ấy, tình trạng bát nháo, thương mại hóa không giảm mà cứ tăng lên với những biến tướng ngày càng dị hợm hơn. Vì sao như vậy?  

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) là người đầu tiên lên tiếng “giải thiêng” lá ấn đền Trần từ bảy năm trước, nhưng đến nay Khai ấn Đền Trần vẫn là một trong những lễ hội lớn bậc nhất miền Bắc, thu hút nhiều nghìn người tham gia.

Các vua Trần không hề khai ấn?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho rằng: “Tôi quê gốc Nam Định, cháu ngoại họ Trần, từng nhiều năm sống trong chùa Phổ Minh ngay cạnh đó, nhưng tôi không hề biết có cái gọi là Lễ Khai ấn Đền Trần Tức Mặc. Tôi đã đọc sách sử, nghiên cứu kỹ lưỡng mới đi đến khẳng định đó là một xuyên tạc lịch sử, mạo danh việc phục hồi lễ hội truyền thống”. 

Tiến sĩ Kiên cho rằng, không có một tư liệu lịch sử nào (từ chính sử đến thư tịch cổ) ghi nhận về cái gọi là Lễ Khai ấn thời Trần như một số báo đưa tin là: “…Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước...”. 

Ngược lại, chính sử chỉ chép việc vua Trần Anh Tông từng ban tước hơi nhiều, bị vua cha là Thượng hoàng Nhân Tông sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?”.

Các ấn bằng gỗ ở nhiều đền thờ đức thánh Trần đã được tiến sĩ Nguyễn Công Việt (tác giả cuốn sách Ấn chương Việt Nam) phân loại là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Cuối đời, khi lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo Vương tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh. Muốn lập đền/điện thờ để thờ phụng và hành nghề đạo sĩ thì phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú. “Tôi tạm gọi chung các ấn loại này là ấn phù thủy”, nhà nghiên cứu này nói.

Việc khai ấn và phát bản in ấn “Trần miếu tự điển” (Tôn miếu của nhà Trần từ xưa) chỉ là chuyện riêng của các nhà đền hương Tức Mặc, dưới thời Nguyễn, để chống lại, giảm đi tác hại của việc đâu đâu cũng nhận là đền Chân Truyền thờ Đức Hưng Đạo Đại vương: "Từ thực tế bịa tạc của các ấn được sử dụng, xin nói thẳng rằng: Các lễ khai ấn này có rất ít ý nghĩa văn hoá, tất cả đều nhằm mục tiêu thương mại". 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy (Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia) cho rằng: “Nghi lễ này hoàn toàn mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, nó không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời Trần xưa trong dịp trước khi nghỉ Tết và sau khi hết Tết trở lại công việc bình thường đầu năm. Vì nhiều lý do, nhiều ý nghĩa mới đã được gán cho nó sau này làm di sản bị biến dạng”.

Doanh thu bạc tỉ nên liên tục “phát triển”?

Tiến Nguyễn Hồng Kiên đã đánh giá: “Rõ ràng Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) đã cực kỳ thành công về mặt thương mại. Chính Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công bố với báo chí: “Hàng năm lễ hội khai ấn mang về cho Nam Định khoảng 10 tỷ đồng”. Phải chăng đó là lý do khiến nhiều nơi khác học theo và lễ hội này được phát sinh lan tràn ở nhiều nơi?”.

Đền Trần Thương ở Hà Nam cũng đã tổ chức “Lễ phát lương” dù "Lễ hội đền Trần Thương" đã được "Địa chí Hà Nam" chép kỹ là không hề có cái gì liên quan đến khai ấn. Khu Văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng có lễ Khai bút khai ấn. “Lý lịch” của lễ khai ấn ở đây rất không rõ ràng. Ấn gỗ đẽo mới năm 2014 thì sai cả tên. 

Cao trào khai ấn còn được sinh sôi ở khu di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng Long. Vì bất chấp lịch sử nên việc phục chế ấn từ mẫu chữ khắc trên 2 mảnh gỗ mỏng chưa đến 1 cm đã gây nhiều tranh luận. Mặc cho giới nghiên cứu còn bất đồng, một lễ khai ấn (thử nghiệm) đã được tổ chức năm ngoái.  

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, xã hội đang có tâm lý đám đông rất khó lý giải. Ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn. Tôn giáo tín ngưỡng thì đang có rất nhiều lệch lạc. Đơn cử là chuyện quảng cáo bán các món chay giả thịt, thậm chí có cả hướng dẫn cách làm tiết canh chay.

Các chùa thường xuyên tổ chức “dâng sao giải hạn”, dù rõ ràng việc cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, không phải là văn hóa Phật giáo. Các tệ nạn nói trên sinh ra bởi cả hai nguyên nhân: Tâm lý hám danh lợi và khủng hoảng lòng tin. 

Làm sao xây dựng văn hóa tâm linh đích thực?

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng lý giải sâu về tâm lý đám đông như sau: “Một số người giàu lên bất thường, thì một số người sẽ bắt đầu tin rằng với sự trợ giúp của thần linh, họ cũng sẽ trở thành giàu có giống như vậy.

Người ta sẽ nghĩ những kẻ đó có sự trợ giúp của thần linh, họ chỉ may mắn thôi. Vậy thì hãy cầu mong sự may mắn chứ đừng cầu mong tài năng. Còn nếu trong xã hội mà cơ hội phát triển được dành cho những người có năng lực thì chuyện đó sẽ giảm xuống”.

“Ném tiền vào Phật bắt Phật phải phù hộ cho mình thể hiện mong muốn rằng mình sẽ thành công bất chấp mình là ai, bất chấp việc mình thực hiện hành vi như thế nào. Lễ hội phản ánh những trăn trở đang diễn ra trong xã hội. Phản ánh quan điểm của một số người dân với xã hội, rằng họ không thể thành đạt chỉ với tài năng mà phải nhờ vào một sức mạnh siêu nhiên nào đó. Một số người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung không tin rằng có tài là sẽ thành công. Quan điểm chung là “âm phù dương trợ”.

Thần linh, tổ tiên, ông táo, thần tài sẽ phù hộ cho mình.  Thậm chí, có câu đối ghi: "Thành công trong học vấn phần lớn là do âm chất". Tức là phúc đức ông bà, phúc ấm tổ tiên để lại đóng phần quan trọng trong thành công hơn tài năng”. 

Thông tin trung thực hướng dẫn người ta nhận thức đúng sự thật lịch sử văn hóa là vai trò quan trọng, là cuộc chiến của giới trí thức chân chính giải ảo cho công chúng. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho rằng:

“Giải ảo các huyền tích mới được sáng tác là chuyện không dễ dàng của ngày một ngày hai. Nhất là khi những điều đó đã được tuyên truyền dưới chiêu bài phục dựng lễ hội truyền thống. Đây đó, vẫn có những nhà nghiên cứu, những cơ quan nghiên cứu và quản lý tiếp tục nguỵ biện, chống chế, bênh vực cho lễ khai ấn”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Việc quản lý và tổ chức thực hành tín ngưỡng này cần được trả về cho cộng đồng, cho nhà đền; chắc chắn đó không phải là việc của các cơ quan nhà nước, lại càng không phải là việc của các vị lãnh đạo”. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên đề nghị cụ thể hơn: “Tôi cho rằng các quan chức trung ương và cấp tỉnh có đến các lễ khai ấn nói riêng và lễ hội dân gian nói chung thì nên đến với tư cách cá nhân, chỉ nên tham dự, chứ hoàn toàn không nên trực tiếp đứng đóng ấn”.

Hiến kế “giải ảo” mê tín

Ở góc độ rộng hơn về xã hội, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng đã liên hệ so sánh, thời trung cổ ở châu Âu, chức năng của lễ hội na ná như xã hội như hiện nay. Lễ hội tạo sự gắn kết trong cộng đồng, gắn kết với con người với thần linh và các lực lượng siêu nhiên. Lễ hội cung cấp cho công chúng cơ hội bộc lộ ước mơ giúp họ cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa. Thậm chí, có những lễ hội đảo ngược tầng lớp, người nghèo có quyền la hét, chế giễu người giàu. Lễ hội thể hiện ước nguyện thâm sâu nhất trong con người. 

Trong khi đó văn minh vật chất đàn áp điều đó. Đến thế kỷ XVIII, thời kỳ Khai minh bắt đầu, các triết gia mới phát triển tư duy mới, coi trọng lý tính. Mọi việc bắt đầu thay đổi từ đó. Họ nhấn mạnh vai trò lý tính và sự độc lập của cá nhân. Vai trò của lễ hội mờ nhạt dần, vai trò cá nhân mới quan trọng. Cá nhân có thể quyết định mọi thứ. Tôi phải làm sao chứng tỏ tôi là cá nhân độc đáo. Sáng tạo cá nhân được đề cao hơn là tính gắn kết cộng đồng.

Như vậy, muốn lễ hội thật sự văn hóa, không bát nháo, không buôn thần bán thánh, không thể chỉ đơn thuần là cải tiến hoạt động của bản thân lễ hội mà cần có tầm nhìn và biện pháp rộng hơn là chấn chỉnh, cải biến xã hội căn cơ hơn từ tư duy quản lý đến tư duy lối sống của cộng đồng để người dân có thể tự tin vào khả năng của mình vào sự công bằng xã hội. Khi ai cũng tin rằng họ có thể thăng tiến, sống sung túc bằng chính khả năng lao động của mình thì chẳng ai dại gì bỏ tiền, bỏ công, bỏ cả nhân phẩm để buôn thần bán thánh.

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, CCHC là quá trình liên tục, càng làm càng lộ ra những bất cập, cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của Nhân dân. (Ảnh: VGP)

Cải cách hành chính, khơi thông các nguồn lực cho phát triển

(PLVN) -  Chiều 15/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ngày 15/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ của các ngành

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo.