Trước mùa lễ hội xuân 2017, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị, có các văn bản yêu cầu các địa phương, ban tổ chức các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở tín ngưỡng-tôn giáo phải chuẩn bị chu đáo nhằm hạn chế các yếu tố bạo lực và các hình ảnh phản cảm trong lễ hội. Tuy nhiên, mới chỉ đầu mùa lễ hội năm nay, dư luận đã rất bất bình trước những hình ảnh phản cảm ở một số lễ hội như hàng trăm người chen lấn, xô đẩy để cướp lộc; một phụ nữ bị đám đông vô tình cào vào mặt khi cướp lộc...
Phải chăng vẫn còn có hạn chế trong công tác quản lý lễ hội hay văn hóa của những người đi lễ hội đã xuống cấp? Báo chí đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về nội dung này.
Có người chỉ đề cao giá trị đồng tiền
Thưa ông, dường như số lượng lễ hội mỗi ngày một nhiều?
- Các lễ hội hiện nay so với các lễ hội trước khi đổi mới thì phong phú hơn nhưng cùng với sự xuất hiện nhiều lễ hội, cũng có biến tướng, do quy luật của cơ chế thị trường chi phối. Đến lễ hội, người ta đặt chữ “Lộc” và quyền cá nhân lên nhiều. Nhiều khi cá nhân của con người được đặt lên quá, nó can thiệp cả không gian chung. Hiện tượng các thanh niên đánh đập một cụ già là rất phản cảm, đi ngược với quan niệm trọng lão của người Việt.
Phải chăng căn nguyên của những hiện tượng phản cảm đó là do người đi hội bị chữ “Lộc” chi phối?
TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam |
- Theo tôi, nguyên nhân chính là chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường. Ngày xưa cha ông ta quan niệm “Phúc, Lộc, Thọ” thì ngày nay người ta chỉ đề cao giá trị đồng tiền, đề cao chữ “Lộc”, còn những cái khác thì bỏ qua. Khi thang giá trị bị đảo lộn thì con người cũng bị định hướng sai lệch, vì thế, đại đa số người ta chạy theo chữ “Lộc”.
Thứ hai là có sự thay đổi về quy mô lễ hội. Lễ hội ngày xưa chỉ là hội làng, còn bây giờ quy mô lễ hội là hội vùng, hội cả nước. Xu hướng các lễ hội kéo dài càng diễn ra mạnh nên càng phức tạp, khó quản lý.
Có người biện bạch cho việc “cướp lộc” là một tục lệ của lễ hội từ xa xưa. Ông bình luận ra sao về câu chuyện này?
- Khảo sát nhiều lễ hội truyền thống thì thấy việc ngày xưa họ tung lộc lên thì mọi người xúm vào nhặt lộc, nhưng không có cảnh tranh cướp. Ngày xưa là “hứng lộc”, ai được cái gì thì hưởng cái đó đến với mình, tự nhiên đến, chứ không phải “cướp lộc” như bây giờ. Người ta tin rằng tự nhiên như thế thì lộc đến đầy đủ. Còn bây giờ không có tự nhiên nữa thì phải tranh cướp. Sự tranh cướp này có sẵn trong tâm lý của người đi hội, vì trong xã hội đời thường thì người ta cũng chạy nhanh rồi vượt đèn đỏ… Tâm lý tranh cướp, giành giật, muốn mình được phần hơn từ cuộc sống đời thực đang tác động vào tâm lý của những người đi lễ hội.
Cha ông ta vẫn quan niệm: Lộc sẽ tự đến với ta, người may mới được lộc. Chắc chắn lộc mà người nào đã tranh cướp mới có được như vậy sẽ không bền vững. Những lộc phải tranh cướp mới có được thì người dân quan niệm là “lộc bẩn” và hành vi cướp như vậy là méo mó, phản cảm, đáng bị lên án.
Thưa ông, lễ hội ngày nay bị biến tướng phải chăng còn do sự trục lợi của các ban tổ chức?
- Lễ hội là tấm gương của xã hội. Trong cuộc sống người ta tìm mọi cách để hưởng lợi thì trong lễ hội cũng vậy. Dịch vụ phát ấn chẳng hạn, di tích nào cũng đặt ra chuyện “phát ấn” - người ta đặt ra nhiều loại ấn, ấn của ông A, ông B, ấn thơ... Điều này không đúng, đó là các “dịch vụ tâm linh” - là chuyện mua và bán, là mê tín, dị đoan, là trục lợi. Hay như chuyện đốt vàng mã, chỉ riêng tại đền Bà Chúa Kho mỗi năm dân ta đốt vàng mã tương đương 100 tỷ đồng - đó là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Quản lý lễ hội phải có nghiên cứu, dự báo
Thưa ông, các hiện tượng lộn xộn trong lễ hội có phải là do sự yếu kém trong công tác quản lý?
Người xưa vẫn có câu “Tả tơi xem hội”. Nhưng chúng ta không thể quản lý theo lối bị động, để xảy ra quá nhiều lộn xộn tại các lễ hội. Hiện nay chúng ta không dự báo tình hình, mà cứ thấy gì không được rồi chạy theo để xử lý. Chúng ta cần có giải pháp tổng thể, trong đó có chế tài thật nghiêm khắc và có những người thực thi chế tài đó. Chẳng hạn nếu người ta đi đổ rác, đi vệ sinh không theo quy định mà không có người phạt thì có đề ra mức phạt là 1 triệu, 5 triệu, thậm chí 10 triệu đồng cũng không có tác dụng gì.
Việc dự báo tình hình đó sẽ cần những cách thức để chúng ta chủ động xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra và ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc tại các lễ hội, đúng không thưa ông?
- Chúng ta phải dự báo là có thể xảy ra rất nhiều tình trạng như thế và phải ngăn chặn những biến tướng của hiện tượng mua thần, bán thánh. Ví dụ như chuyện khắc thêm ấn, bán thêm nhiều vật thiêng, rồi chuyện hái lộc..., chúng ta phải dự báo được và có giải pháp ngăn chặn việc đó.
Có thể lúc đầu người dân không đồng ý, nhưng nếu chúng ta thuyết phục cộng đồng cùng đồng lòng thì chúng ta sẽ làm được.
Có người cho rằng, lễ hội là của dân, phải trả lại cho người dân. Hiện nay, các cơ quan quản lý tham gia vào lễ hội nhiều quá. Ông cho rằng nhận định này đúng với thực tế?
- Điều này không chính xác. Quy mô của lễ hội phát triển mạnh, không chỉ là hội làng mà là hội tỉnh, hội vùng, hàng vạn, hàng triệu người đến lễ hội. Lúc đó phải có cơ quan quản lý nhà nước can thiệp, chứ nếu tất cả trả lại lễ hội cho dân thì sẽ “vỡ hội” ngay. Nhưng chúng ta cũng cần phải xác định là Nhà nước quản lý đến đâu, còn cộng đồng quản lý đến đâu, nghĩa là cũng cần phân cấp cho cộng đồng.
Lễ hội trước kia được tổ chức là nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc “mở cõi, lập quốc”, các vị có công với dân, với nước hoặc thể hiện khát vọng mưa thuận, gió hòa, “quốc thái, dân an”. Bây giờ, nhiều lễ hội được phục dựng lại để nhằm kiếm tiền của người đi lễ, để trục lợi. Vậy các nhà nghiên cứu cần phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Ta nhìn nhận vấn đề này là khách quan, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì người ta không chỉ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an nữa mà người ta chuyển sang chữ “Lộc”. Chữ “Lộc” của đời thường chuyển vào tâm thế của người đi lễ hội nên ai cũng đòi có “lộc”. Đó là nguyện vọng thái quá. Nhà quản lý phải nhìn thấy điều này để có các giải pháp phòng ngừa. Nhưng bảo là cấm hoàn toàn các lễ hội để không thể xảy ra những hiện tượng đó thì... rất khó.
Vậy theo ông, cách nào để chúng ta có thể đưa lễ hội dân gian trở lại với ý nghĩa tốt đẹp của nó, đồng thời phù hợp với đời sống hiện đại?
- Trước hết, cần phải có nghiên cứu về vấn đề này một cách toàn diện với sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nhân học, xã hội học, văn hóa học, dân tộc học. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghe sự tư vấn của các nhà khoa học, chứ không phải theo kinh nghiệm. Thứ ba, chúng ta cần phải tổng kết thực tiễn trong những năm đổi mới vừa qua chúng ta đã xử lý vấn đề này sao cho có hiệu quả. Tóm lại là chúng ta phải có giải pháp tổng thể, nhưng trước hết cần nghiên cứu thấu đáo, chứ không nên làm vội vã theo kiểu cứu hỏa, thấy đâu cháy thì dập thật nhanh nhưng không khéo nó lại bùng chỗ khác.