Thế nhưng, nhiều quy định trong Thông tư bị cho là khiến nhiều doanh nghiệp, bệnh viện lo lắng vì đã không giải quyết được thực trạng đấu thầu méo mó lâu nay; mà còn gây khó khăn hơn khi đề ra nhiều “giấy phép con” trong đấu thầu, làm mất tính cạnh tranh và tăng giá thuốc.
“Danh sách ngắn” chính là “giấy phép con”
Đó là chia sẻ của một số đơn vị, bởi lẽ tại Bảng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật của mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm Thông tư 31 nói trên quy định dược liệu, vị thuốc dự thầu nếu được sản xuất bởi DN được xét duyệt trong “Danh sách ngắn” do Bộ Y tế lựa chọn thì sẽ được điểm tối đa (30 điểm). Một số DN kinh doanh dược liệu bất bình và không hiểu thế nào là “danh sách ngắn”, tiêu chí để được “lọt” vào danh sách ngắn này là gì?
Theo quy định hiện nay, DN kinh doanh dược liệu nếu đáp ứng các điều kiện cho lĩnh vực hoạt động của mình (như sơ chế, chế biến; bán buôn, bán lẻ…) đều được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và đây là “giấy phép” để DN kinh doanh và tham gia đấu thầu. Do đó, việc Bộ Y tế đưa ra thêm tiêu chí “Danh sách ngắn” đồng nghĩa với việc đẻ thêm một “giấy phép con” gây khó khăn cho đa số DN.
“Lựa chọn DN vào “Danh sách ngắn” không cần thiết vì năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu đã được xét qua các tiêu chí khác trong bảng tiêu chuẩn kỹ thuật, như về doanh số các năm gần đây, tình hình vi phạm trong đấu thầu các năm trước…”, đại diện một bệnh viện cho biết.
Một bất hợp lý khác là Thông tư 31 yêu cầu nhà thầu khi đấu thầu phải có mẫu dược liệu đối chiếu do Viện Dược liệu hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc cung cấp. Lâu nay, đơn vị dự thầu gửi mẫu dược liệu của mình cho bên mời thầu để đảm bảo rằng sẽ cung cấp dược liệu đúng như hàng mẫu, thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng mẫu và hàng cung cấp khác nhau.
Với quy định mới hiện nay, DN phải đi mua mẫu chuẩn của Viện Dược liệu và Viện Kiểm nghiệm. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, điều này lại không có nghĩa đảm bảo sẽ chấm dứt được tình trạng “mẫu một đường, hàng một nẻo” như lâu nay, mà để cho chắc chắn vẫn “cần biện pháp hậu kiểm”.
Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp thì chi phí đấu thầu sẽ đội lên rất nhiều do phải bỏ tiền mua mẫu. Điều đáng nói là, mẫu chuẩn này được mua lại từ chính các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh dược liệu trong nước vì hai đơn vị cung cấp mẫu chuẩn nói trên không thể có dược liệu vì không có chức năng nhập khẩu. DN sẽ phải mua lại chính dược liệu của mình với giá cao hơn và theo tính toán, tiền mua mẫu lên sẽ đến hàng trăm triệu cho một lần đấu thầu.
“Liệu cuối cùng có phải chi phí mua mẫu chuẩn này sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hay không, vì đây là chi phí thực DN đã bỏ ra trong quá trình đấu thầu và sẽ được cơ cấu vào giá”, đại diện một bệnh viện băn khoăn.
“Công bố trên trang thông tin điện tử” có ý nghĩa gì?
Một “giấy phép con” khác khiến nhiều người băn khoăn chính là “thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế)”. Thông tư quy định, nếu dược liệu sơ chế, chế biến được sản xuất bởi DN đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới) và việc đạt tiêu chuẩn đó được công bố trên Trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thì DN cũng được điểm cao (27 điểm).
Thế nhưng, hiện nay, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho một DN đạt tiêu chuẩn GMP-WHO là Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Cục này cũng đã đăng tải thông tin công khai những đơn vị nào đạt tiêu chuẩn trên Trang Thông tin điện tử của mình, vậy tại sao lại yêu cầu đăng lại thông tin đó tại một cục khác trong cùng Bộ Y tế, đó là Cục Quản lý Y Dược cổ truyền?
“Vả lại, thông thường, cơ quan quản lý đưa thông tin lên trang của mình để công khai, cho mọi người tham khảo và phục vụ công tác quản lý chứ không thể coi việc đăng trên trang điện tử là điều kiện bắt buộc để chấm điểm DN”, dại diện một công ty dược bày tỏ, “Trong khi đó, chưa có quy định về thời hạn, trách nhiệm khi đăng chậm làm mất cơ hội đấu thầu của DN. Do vậy, chúng tôi lo lắng tình trạng ‘xin - cho”, nhũng nhiễu trong việc đăng tải sẽ nảy sinh”.
Nhiều DN, bệnh viện lo ngại khi có hàng trăm DN kinh doanh dược liệu trên cả nước, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền lấy đâu ra nhân lực, thời gian để đi kiểm tra cho hết hoạt động chế biến để có kết quả mà công bố trên trang thông tin? Điều này sẽ dẫn đến tình trạng DN phải “mời” Cục về kiểm tra, công bố để đạt điểm cao khi đấu thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đăng trên trang thông tin điện tử, Cục chỉ cần cấp Giấy chứng nhận đạt điều kiện về hoạt động chế biến cho DN, vừa bảo đảm thủ tục đánh giá, vừa thuận tiện cho DN sử dụng khi đấu thầu.
Trong khi đấu thầu thuốc là đấu thầu từng mặt hàng nhưng Thông tư 31 lại trừ điểm DN nếu vi phạm bất cứ mặt hàng nào những năm trước. Quy định này bị cho là thiếu khách quan, bởi lẽ mặt hàng nào không đạt chất lượng năm trước thì trừ điểm chính mặt hàng đó để đỡ gây thiệt thòi cho nhà thầu. Ngoài ra, Thông tư còn cho điểm cao hơn đối với DN đã trúng thầu những năm trước tại đơn vị mời thầu. Điều này sẽ tạo lợi thế cho DN có lịch sử trúng thầu nhiều năm tại đơn vị mời thầu, những DN khác không thể nào cạnh tranh được và giá thuốc bị đội lên là điều dễ xảy ra.
Theo tính toán của các DN thì sẽ chỉ số ít các DN đạt số điểm yêu cầu theo Thông tư 31, do đó, việc đấu thầu dược liệu, vị thuốc sẽ không có tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả thanh toán của Quỹ BHYT. Đại diện một cơ sở y tế cho rằng Bộ Y tế cần lắng nghe ý kiến của các DN, bệnh viện để có điều chỉnh phù hợp.