Có mấy vấn đề không nhỏ từ sự việc bị coi là “nhỏ” này mà chúng tôi rút ra và xin trao đổi như sau:
Thứ nhất, môi trường kinh doanh ở nước ta quá thiếu an toàn, rủi ro cho người dân là rất lớn. Có rất nhiều lý do không thực sự chính đáng để các cơ quan thực thi pháp luật, nếu được trao vào tay những người không có tâm sáng, xử lý người dân. Đa phần những trường hợp đó, người dân dù oan ức cũng đành chịu, không mấy trường hợp có sự “may mắn” như ông Tấn - chủ quán cafe “Xin Chào”.
Nói ông “may mắn” vì bi kịch của gia đình ông - đang lúc đỉnh điểm thì gặp một nhà báo có tâm, dũng cảm phanh phui sự thật. Do vậy, khi công luận lên tiếng, sự đồng cảm của xã hội là rất cao và tất yếu, “chuyện nhỏ bằng móng tay” theo quan niệm của vị Phó Giám đốc, trở thành chuyện lớn của toàn xã hội.
Thứ hai, sự chỉ đạo rõ ràng, nhanh nhạy của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, của Viện trưởng VKSND tối cao được nhân dân chờ đợi và đánh giá cao. Người dân rất cần những chỉ đạo cụ thể như vậy chứ không phải là những ý tưởng cao xa, chung chung, mơ hồ. Việc cụ thể nhưng thể hiện cái tâm của lãnh đạo với nhân dân, thể hiện cảm xúc chứ không phải là vô cảm trước diễn biến thực tế của đời sống thường nhật.
Thứ ba, phát ngôn “ chuyện nhỏ bằng cái móng tay” của ông Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh có thể là sự bột phát trong lúc cao hứng (và ông đã có một số phát ngôn tương tự như vậy ngay cả khi còn là đại biểu Quốc hội), nhưng nó lại gián tiếp gửi một “thông điệp” gây bức xúc cho xã hội: số phận một người dân, đằng sau họ là cả một gia đình, mẹ già, con cái học hành, tại sao lại là “chuyện nhỏ”.
Hành vi lạm quyền của cán bộ dưới quyền ông đẩy cả một gia đình có nguy cơ tan nát, tại sao lại là “chuyện nhỏ”? Thế thì chuyện gì mới là chuyện lớn đây? Phát ngôn của ông có phải là quan niệm phổ biến của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền không? Liệu những ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và kể cả ông Tấn, đã phải là điển hình cho mặt tiêu cực của công lý trong xã hội ta hay chưa? Dư luận quan tâm là ở cái lý đó.
Thứ tư, quyền lực nếu được trao vào tay những cán bộ không có tri thức và không có tâm thì sự nguy hại cho xã hội là rất lớn. Trường hợp Đại tá Nguyễn Văn Quý – người chịu trách nhiệm trong việc khởi tố hình sự ông Tấn, như ông Quý trình bày, là do nóng vội, nhận thức pháp luật chưa chuẩn, cứ tạm tin là vậy. Rõ ràng, việc bổ nhiệm ông ở vị trí Trưởng Công an một huyện thuộc thành phố lớn nhất nước là có vấn đề.
Một cán bộ không cần phải có trình độ cao siêu gì, cũng hiểu rằng, việc người dân kinh doanh quán café để nuôi gia đình, dù chưa có đăng ký, nguy hại gì cho xã hội mà phải đẩy người ta vào vòng lao lý. Trước đây cũng đã có một viên Thiếu tướng, với lý do tương tự, đã phải ra Tòa nhận mức án cảnh cáo do cố tình để cho cấp dưới cung cấp các thông tin thổi phồng, bịa đặt về một vụ án. Ở đây, chính là vấn đề cái tâm của cán bộ.
Nói “thông điệp lớn từ một việc bị xác định là nhỏ” như tiêu đề bài báo là ở các phân tích như trên.