Chị và chồng gặp nhau khi ông sang Việt Nam kinh doanh kim cương. Thời gian đó, chị đã trải qua một lần hôn nhân và có một con gái. Hôn nhân của hai người hạnh phúc dù chênh lệch tuổi tác, chị sinh bé gái cho chồng. Nhưng quan niệm sống khác nhau khiến tình cảm vợ chồng dần phai nhạt, dẫn đến ly hôn.
Một ngày cuối tháng 6, chị một mình đến TAND Hà Nội giải quyết ly hôn với người chồng quốc tịch Mỹ. Chồng chị, ông Peter không có mặt và ủy quyền cho nữ luật sư tham gia phiên tòa.
Quyết giành quyền nuôi con, khi phiên xử mới bắt đầu, chị đã tố chồng thường xuyên mang con nhỏ đi khắp các châu lục.
Chủ tọa phải ngắt lời, để công bố đơn xin ly hôn của chị. Theo hồ sơ, chị và ông Peter kết hôn 5 năm trước. Ngay lúc con gái chung mới 7 tháng tuổi, vợ chồng đã sống ly thân. Ông Peter mang con đi khắp châu Âu, châu Mỹ, Hong Kong, Bangkok…
Từ đó đến nay, xác định tình cảm vợ chồng không còn, chị đưa đơn ly hôn và được đồng ý. Ông chấp thuận ly hôn bởi cho rằng chị có người đàn ông khác khi hai người ly thân, và đánh mắng, không thăm nom con. Ngoài ra, người chồng ngoại quốc còn tố chị không trả gần 600.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng), khoản tiền khi còn chung sống chị cầm để đầu tư các căn hộ chung cư cao cấp.
Ngay khi tòa công bố đơn ly hôn, chị phản đối, cho rằng chưa bao giờ đánh và không thăm nom con. “Ông ấy mang con tôi đi khắp châu Âu, châu Mỹ… với người đàn bà khác. Tôi nhiều lần điện thoại, gửi thư hỏi ông ấy ở đâu nhưng không bao giờ ông nói địa chỉ rõ ràng”, chị trình bày.
Thiếu phụ cho hay, khi hai người sống ly thân, có thỏa thuận việc ông để chị thăm nom con. Ban đầu, chồng chị thực hiện nên chị có cơ hội gặp con. Tuy nhiên, Noel năm 2016 và Tết Dương lịch 2017, chị không biết chồng con ở đâu. Chị đã hoảng sợ gửi thư, điện thoại cho chồng, nhưng 10 cuộc gọi thì chỉ một lần ông nghe.
Theo chị, năm 2014 vợ chồng có kế hoạch cùng nhau đoàn tụ ở Mỹ nhưng sau đó ông thất hứa. “Ông ấy mang con tôi đi xa nhưng không bao giờ tạo điều kiện để một người mẹ như tôi được thăm nom cháu”, chị trình bày và cho hay chồng không quan tâm đến cảm xúc của mình. Chị thừa nhận, khi sinh con xong, do bị stress nên có to tiếng. Ông đã phản đối cách ứng xử đó, cho rằng chị là người mẹ không tốt và mang con đi khi bé gái mới 7 tháng tuổi.
“Vậy ông Peter hiện nay thu nhập thế nào?”, tòa hỏi. Chị cho biết, chồng là thương nhân buôn bán kim cương nên rất giàu. Tuy nhiên, chị không đồng ý để chồng nuôi con vì “ông ấy quá già, đã 75 tuổi”. Năm 2016, chị sang thăm con thấy bé gần 5 tuổi mà chỉ được 11 kg nên rất xót xa. “Ông ấy còn dự định sang châu Phi định cư, khiến tôi rất lo lắng cho con”, chị nói.
“Nếu chị nuôi con, chị yêu cầu như thế nào, vì chị cho rằng ông ấy yêu con nên không quan tâm đến tiền bạc?”, tòa hỏi. “Tôi chỉ yêu cầu ông ấy đóng tiền cho con tôi học ở một trường tốt nhất tại Việt Nam với mức phí khoảng 20.000 USD một năm”, chị trình bày.
Đề cập đến khoản tiền gần 600.000 USD ông đòi, chị phủ nhận. Theo chị, vợ chồng không có tài sản chung gì. Các căn hộ chung cư là việc kinh doanh riêng của chị, không liên quan đến chồng. Chị sẵn sàng "đi đến cùng" khi ông cho rằng chị cầm số tiền đó.
Luật sư được ủy quyền cho rằng chị đã vi phạm chế độ hôn nhân khi quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Việc này ảnh hưởng không tốt đến con chung của hai người. Ông Peter chăm nom con gái từ lúc nhỏ, đi bất cứ đâu cũng mang theo. “Ông Peter hoàn toàn có khả năng chăm sóc con nên tôi đề nghị tòa để cháu ở với bố”, nữ luật sư đề nghị.
“Tôi không đồng ý với ý kiến luật sư. Con tôi là con gái, ở với mẹ là tốt hơn nhiều về phát triển”, chị phản đối và cho rằng chồng đi lại nhiều nước sẽ không tốt cho phát triển về thể chất và học tập của con. Là một người mẹ, chị muốn con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn học hành.
Cuối phiên xử, tòa đã chấp thuận để chị ly hôn với chồng. Về quyền nuôi con, tòa xét thấy bé gái có những phát triển tâm sinh lý cần được người mẹ chia sẻ, hướng dẫn nên đồng ý để chị chăm sóc.