Sau một cú vấp ngã đầu đời của nó, nó càng thấm lời mẹ dạy rằng “ra đời khôn ăn người, dại người ăn” nên tạo cho mình bản tính hiếu thắng, quyết hơn thua. Điều ấy khiến nó phải trả giá, cuộc đời nó ngả nghiêng, trầy trật. Để rồi qua mỗi lần như thế, nó không nhận ra sai lầm để cải biến mà lại tiếp tục bước vào con đường mịt mờ, đen tối hơn.
Sau bao năm vật vã trong trường đời, nó nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều, cả tuổi thanh xuân tới nhân cách và tâm hồn, một cái giá quá đắt. Cuối cùng, nó đã tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời, trở về vòng tay của gia đình. Dù cuộc sống không phải hoàn toàn trọn vẹn nhưng ít nhất cũng bình yên với nó. Thế mới thấy, quay đầu là bờ, không bao giờ là muộn.
Tuổi thơ bên sới bạc
Lan là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em ở thị trấn giáp ranh giữa hai tỉnh Quảnh Ninh và thành phố Hải Phòng. Gia đình nó sống trong một căn nhà tạm bợ chân cầu sông Chanh, nối liền thị trấn Quảng Yên với đảo Hà Nam, hòn đảo của Việt kiều. Nhà nhỏ nhưng chia làm ba ngăn, phía bên ngoài bày hàng nước chè, vài chai nước ngọt và ít bánh kẹo phục vụ khách qua đường vãng lai.
Căn nhà chỉ có một lối vào độc đạo, phía dưới luôn đỗ một con thuyền gỗ ở mặt giáp sông. Bố thiết kế ngôi nhà này có mục đích của riêng ông. Nhìn từ xa, ngôi nhà nằm ở vị trí thật yên ả, nhưng phải bước chân qua cánh cửa mới hiểu thật sự điều gì đang diễn ra sau ngôi nhà kín bưng đó.
Sau bao năm lăn lộn khắp chiếu bạc các tỉnh thành phía Bắc, cuộc sống gắn liền với đỏ đen, được mất, bố nó tích lũy cho mình được vốn liếng kinh nghiệm về cách tổ chức chiếu bạc, sóc đĩa và chẳng thiếu chút nghề liên quan đến đỏ đen bịp bợm. Thua tha nhiều cho ông cái kinh nghiệm phải trả giá bằng tiền, nhà và cả máu, đơn giản là “thằng chơi dù đỏ đến mấy thì cuối cùng vẫn là thằng mất, chỉ có thằng làm là được tất cả”.
Vì thế, bố nó quyết định trở về quê nhà mở chiếu bạc, đứng ra tổ chức địa điểm và thu hồ, thu phế phục vụ cho các con bạc sát phạt nhau. Căn nhà được dựng lên với mục đích đó. Hàng ngày, hai chị em nó thay nhau ngồi bán nước trước cửa, mẹ ngồi làm nhiệm vụ cảnh giới từ đầu đường rẽ lên cầu. Khách tới quán liên hệ với bố và được đưa vào gian trong hoặc xuống tàu gỗ neo sát nhà ngồi chắn cạ, phỏm phảnh, lắm lúc còn cả sóc đĩa sát phạt.
Căn nhà ọp ẹp khung tre, ván ép nhưng luôn nhộn nhịp khách khứa ra vào đánh bạc, Lan cùng chị vừa cảnh giới vừa làm chân sai vặt, hàng ngày cũng kiếm được đồng ra đồng vào của khách tới chơi.
Thời điểm đó, trò chơi điện tử từ Trung Quốc đã bắt đầu du nhập về Việt Nam, cả thị trấn chỉ có hai quán điện tử mở ra phục vụ đám trẻ con. Cứ lúc rảnh rỗi là Lan trốn nhà bỏ ra quán điện tử ngồi chơi nhờ tiền riêng kiếm được từ đám cờ bạc tới nhà.
Ngay từ bé, cuộc sống của chị em nó đã vô cùng thoải mái theo cái cách đường chợ. Ngay ngôn từ, lời nói phát ra khỏi miệng đã tùy tiện chẳng có sự uốn nắn, điều đó được học từ chính cha mẹ và đám khách bạc hay tới nhà. Những câu chửi thề, nói tục văng ra từ miệng của hai đứa trẻ còn hôi mùi sữa, nhưng bố mẹ chúng thì còn coi đó là điều bình thường, chẳng qua chỉ là câu cửa miệng mà thôi.
Bố mẹ cũng bận kết hợp với nhau kiếm tiền nên việc ăn uống, ngủ, nghỉ của chúng luôn tự túc. Đói tự lấy tiền chạy ra chợ, ăn cái gì tùy ý, mua gì tùy thích và muốn chơi gì thì cũng chả ai quản lý. Bởi thế mà chị em nó được sử dụng tiền bạc từ lúc vẫn còn là những đứa trẻ mới nứt mắt.
Và đây cũng chính là gốc rễ của những lối sống lệch lạc mà bản thân Lan khi trải qua rồi cũng chẳng phân biệt nổi đúng hay sai. Tuổi thơ chị em nó là vậy, cứ thế lớn lên như cỏ dại dù bên cạnh cũng đủ bố, đủ mẹ.
Chị lớn hơn Lan 5 tuổi, ngày Lan đi học cũng là lúc chị nó bắt đầu có nhiều sự chú ý từ đám thanh niên trong thị trấn. Chị xinh xắn lắm, dáng cao, da trắng, mắt đen láy. Những đường nét thanh tú được chắt lọc từ cả bố lẫn mẹ hiện hữu trên khuôn mặt khiến ai ai cũng muốn ngắm nhìn chị nó. Khác với Lan, dù được tiếp xúc với đủ loại người từ bé nhưng chị nó có phần ngoan ngoãn, dịu dàng hơn, được khách cho bao nhiêu tiền đều đưa hết cho mẹ cất giữ.
Còn với Lan, cứ ai cho tiền là nó cất riêng mang đi chơi điện tử, mua đồ ăn vặt linh tinh. Lắm hôm thiếu tiền đi chơi nó còn nhón trộm tiền hàng của mẹ dắt lưng. Nhờ có bà chị xinh đẹp nức tiếng, nhiều người đưa rước săn đón mà ở trường Lan nghiễm nhiên có nhiều sự chú ý từ bạn bè xung quanh.
Với Lan, việc đi học như tra tấn, cảm giác bị gò bó trong lớp học với nó như một cực hình, còn thoải mái nhất vẫn là những lúc trong hàng điện tử. Ngay từ bé, không ai uốn nắn chỉ bảo nên Lan đã ngỗ ngược, nghich ngợm. Nó luôn là đứa đầu têu ra những trò bậy bạ, trốn học, đánh nhau trong trường. Những trò nghịch của nó khiến cả đám con trai cũng chào thua, bởi thế mà bạn bè trong lớp hay gọi nó là Lan “đàn ông”.
Cú ngã đầu đời
Ở cái tuổi mới lớn đang định hình tính cách lại thiếu đi sự chỉ bảo của người lớn lên Lan cứ tự do sống theo cái cách mà tâm hồn non nớt của nó tự nhìn thấy và cảm nhận được. Có tiền, ăn nói bậy bạ học được từ đám khách thích đánh nhau nên chẳng mấy chốc nó nổi tiếng cá biệt ở trường.
Đám bạn cùng trang lứa tôn nó làm đàn chị, đại ca. Để thể hiện bản lĩnh của một đàn chị, phải làm những thứ khác người mà bọn trẻ như nó không dám làm, Lan bắt đầu phì phèo thuốc lá, tụ tập hàng quán cùng nhóm lớn tuổi trong trường sát phạt ba cây, rồi cả lô đề cờ bạc đủ loại.
Cứ thế, ở cái thị trấn nhỏ bé ấy, có trò gì là nó biết chơi trò đó, nơi nào tụ tập là có mặt nó. Chẳng cần biết tốt xấu ra sao, Lan cứ thế du nhập tất cả thói hư, tật xấu vào trong nhân cách đang còn non nớt của nó.
Lan giống cha, dáng cao, chân dài, dù không xinh bằng chị nhưng cũng đủ làm cho đám thanh niên thị trấn đang tụ tập cũng chả thể rời mắt mỗi khi nó đi qua. Được bà chị xinh đẹp chỉ bảo cho các ăn mặc, tóc tai nên nó cũng ra dáng một thiếu nữ mới lớn sành điệu, có nhan sắc. Từ lúc tụ tập cùng đám thanh niên nghịch ngợm hơn tuổi, cá biệt trong trường, Lan trốn nhà nhiều hơn.
Thời điểm đó, ở thị trấn rộ lên hai quán nhạc sống Quán Vườn và Tuổi trẻ, cứ tối tối là đám thanh niên thị trấn khắp nơi đổ về đây chơi bời hát hò. Thường những thanh niên mới lớn này lui tới đây theo từng nhóm, từng khu phố, nghe nhạc thì ít mà tìm cách thể hiện cái cách chơi bời khác người của chúng là chính.
Việc đánh bạc vào cầu khiến bố mẹ nó đang làm ăn vào cầu, bố mua được căn nhà mới khang trang trong thị trấn. Chị em nó cũng lớn dần lên nhờ những đồng tiền đó. Chị em nó vẫn hàng ngày ngồi làm ăng-ten trông nhà cho bố hành nghề. Lan vẫn cứ trốn học, tụ tập cùng đám thanh niên bất hảo, đua xe, đánh nhau, phá làng, phá xóm. Gia đình nó chẳng ai biết rằng, tiền bạc đổ vào nhà nó đang dẫn theo nhiều sự chú ý của chính quyền sở tại.
“Đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma”, ngày mẹ sinh em trai út trong bệnh viện, cũng là ngày sới bạc của bố nó bị công an triệt phá. Khi đó, hai chị em nó đang ở viện trông mẹ, nhận tin báo chạy về thì căn nhà đã bị công an vây kín. Những người mặc cảnh phục bẻ quặt tay bố nó ra đằng sau, áp tải lên xe thùng đưa đi cùng đám khách đánh bạc.
Chị em nó chỉ biết đứng đó nhìn nhau. Bố vào tù, mẹ thì sinh nở, chị em nó thay nhau chạy đi chạy lại giữa bệnh viện và trụ sở công an, chăm mẹ và tiếp tế cho bố. Với hai tiền án liên quan tới cờ bạc từ trước, lần này bố lĩnh án 5 năm tù cho nhiều tội danh liên quan tới cờ bạc. Căn nhà mới mua phải bán đi để lấy tiền lo cho bố và một phần còn lại trả tiền viện phí cho mẹ và để dành sinh hoạt.
Bốn mẹ con nó lại kéo nhau về căn nhà khung tre, cót ép ở chân cầu Chanh sinh sống. Trông chờ vào hàng nước trước cửa nhà để mưu sinh. Vốn quen sống trong sự đầy đủ, giờ bốn miệng ăn trong nhà đều dựa hết vào hàng quán nên sự kham khổ bữa đói, bữa no tất cả trông vào gánh hàng buôn bán đồ khô tại chợ Rừng của mẹ nó.
Vốn chẳng ai kèm cặp, lúc này bố lại đi tù, chị em nó tới trường đều bắt gặp những ánh mắt ái ngại, coi thường, xa lánh từ bạn bè. Bản tính của Lan vốn ngỗ ngược, thích dùng nắm đấm, gậy gộc để giải quyết mọi vấn đề mà nó cho là chướng mắt.
Rồi trong một lần đánh bạn cùng lớp gãy tay, nó bị đuổi học khi chưa kịp hết lớp 8. Từ ngày bị đuổi học, Lan ở hẳn nhà bán nước cho mẹ ra chợ buôn bán. Lúc bấy giờ, ở Lan hiện diện một nhân cách ngỗ ngược bất cần, thích chửi bậy, thích đánh nhau và cầm đầu một nhóm trẻ nghịch ngợm quanh khu vực chân cầu.
Ảnh minh họa |
Vào mùa hè năm đó, đang lúc buồn chán thì Lan gặp Tú, một thanh niên quê gốc tại mảnh đất này nhưng đã chuyển lên thành phố Hà Nội từ lâu. Ngày cấp một, Tú học cùng chị gái nó, chơi với nhau thân thiết nên cứ mỗi dịp về quê thăm họ hàng, Tú lại qua nhà nó chơi, không quên mang theo rất nhiều quà bánh từ thành phố. Khi đang chới với ở tuổi mới lớn phải gánh chịu đủ thứ bi ai ở đời, bố tù lại bị đuổi học và sự nghèo khó đổ ập xuống gia đình nó thì Tú xuất hiện. Tuổi dậy thì, nhiều sự thay đổi trong tâm hồn và cơ thể cho Lan cái cảm giác mới lạ về tình yêu, về người khác giới.
Trước vẻ đẹp trai, ga lăng thành thị kèm cái cách nói chuyện nhỏ nhẹ đi vào lòng người của bạn chị, Lan xiêu lòng, yêu thầm, nhớ trộm. Đó là mối tình đầu của Lan, mối tình này cho đến bây giờ với nó vẫn luôn là một kỉ niệm, một ký ức khó quên và chẳng thiếu thù hận trong đó. Thật ra Tú thích chị nó, tới nhà chơi và cũng như bao người đàn ông khác, muốn nhìn ngắm, tán tỉnh, làm những việc để lấy lòng bà chị xinh đẹp của nó. Lan thích Tú và chủ động tìm cách gần gũi, tán tỉnh bạn của bà chị mình.
Làm cái việc ngược đời “cọc đi tìm trâu”, cứ thế, từ lúc gặp cho đến lúc yêu chỉ mất 3 ngày, ngày thứ 4, nó chủ động rủ trai trốn nhà đi biển Bãi Cháy chơi và ngay đêm đó, Lan đã trao luôn đời con gái cho chàng trai thành thị chẳng cần suy nghĩ. Chúng yêu nhau, làm cái việc vợ chồng cho đến hết tháng hè, quấn quýt bên nhau như đôi sam biển thêm 2 tuần nữa rồi giải tán.
Cái gì đến nhanh thì đi cũng chẳng tồn tại được mấy chốc. Hết kì nghỉ hè, người yêu lại về thành phố xa tít sinh sống, ăn học. Khi đi cũng để lại những lời “thề non, hẹn biển”, chờ đợi đủ loại, nhưng từ đó bặt vô âm tín, mất tích không dấu vết. Tình yêu bọ xít đầu đời của nó là thế, cũng đầy đủ nhớ mong, kỷ niệm hẹn hò, cũng đi tìm và yêu, và sau đó dần biến thành thù hận trong trái tim non nớt của nó...
(Còn nữa)