Phát biểu khai mạc khóa học, ông Trần Đức Mậu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài – cho biết, đối với cộng đồng gồm gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc cũng như củng cố tình cảm gắn bó với quê hương đất nước.
Ông Mậu khẳng định việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những trọng tâm công tác hàng đầu của Ủy ban, cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được các cơ quan và tổ chức liên quan quan tâm.
Tuy nhiên, thời gian qua, do các yếu tố chủ quan và cả khách quan nên việc dạy và học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau ở các địa bàn.
Báo cáo về công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ở một số nước, tiếng Việt được dạy chính thức trong nhà trường như một ngoại ngữ.
Ví dụ, tại Australia, tiếng Việt được công nhận như một ngoại ngữ giảng dạy ở cấp tiểu học, trung học và đại học. Ở Pháp, tiếng Việt được Bộ Giáo dục Pháp công nhận như một ngoại ngữ trong kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh vào đại học.
Nhưng, ở một số nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, con em kiều bào lại chỉ được học tiếng Việt trong các lớp học hè hay ngoài giờ do các Hội đoàn người Việt đứng ra tổ chức.
Khóa tập huấn kéo dài từ ngày 7 đến ngày 21/8/2016 được tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và phổ biến giáo trình dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, năm nay là năm có đông giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham dự khóa tập huấn nhất từ trước đến nay, với tổng cộng 12 đoàn.