Lâu nay, hầu như không có hoạt động xúc tiến thương mại nào đáng kể cho thị trường nội địa |
Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng thế nào là “hàng Việt”? Xét từ góc độ vốn đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu sản phẩm do doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư thuộc sở hữu trong nước làm ra thì đó là hàng nội. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cũng có ý kiến tương tự. Theo bà, hàm ý của Bộ Chính trị là nhằm thúc đẩy sử dụng hàng nội và ủng hộ các DN trong nước (tức DN 100% vốn đầu tư Việt Nam).
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nên phân biệt hàng nội trong mối tương quan với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập lậu. Nói cách khác, hàng nội là hàng sản xuất trong nước bất kể vốn đầu tư của ai và ưu tiên dùng hàng nội tức là không dùng hàng nhập lậu.
Theo các chuyên gia, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành hiện thực, không thể hô hào bằng những hoạt động mang tính phong trào mà phải được thực hiện bởi một chiến lược bài bản ở tầm quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường nội địa. Trong đó, vấn đề cơ bản là làm sao tạo điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh của hàng nội, của các DN trong nước.
Còn TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam chia sẻ, trước hết cần có chính sách khuyến khích thị trường nội địa để thu hút, phát triển sản xuất trong nước; thứ hai, bãi bỏ những chính sách hỗ trợ xuất khẩu có tính chất làm méo mó thị trường; thứ ba, Nhà nước nên tập trung nguồn lực cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp, giáo dục, môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông, tất cả những yếu tố này sẽ giúp cho DN Việt Nam nâng cao hơn lực năng cạnh tranh của mình.
Ở một góc độ cụ thể hơn, theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), chìa khóa nằm ở hệ thống phân phối. Vì vậy, cần hỗ trợ nhanh về mặt bằng cho các nhà phân phối, hệ thống siêu thị của Việt Nam. Một biện pháp khác có thể thực hiện ngay là tăng cường hoạt động quản lý thị trường, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ đầu vào (hóa đơn mua hàng và nhãn mác) đối với hàng nhập khẩu, nhất là hàng nhập qua tiểu ngạch. “Nếu làm nghiêm sẽ ngăn được cơn lũ hàng nhập lậu từ nước ngoài đổ về…” - bà Hạnh khẳng định.
“Nhất bên trọng, nhất bên khinh…”
Theo bà Vũ Kim Hạnh, trong suốt một thời gian dài và cho đến cả hiện nay, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên hai chân trụ: khuyến khích thu hút đầu tư và hướng về xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường nội địa - chân trụ thứ ba có vai trò không hề thua kém đối với nền kinh tế thì bị… gạt ra rìa. Hệ quả là mất cân đối nghiêm trọng trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Điển hình là vấn đề xúc tiến thương mại. Lâu nay, hầu như không có hoạt động xúc tiến thương mại nào đáng kể cho thị trường nội địa mà chỉ có xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu lực từ cuối năm 2005 theo Quyết định 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định “được xây dựng theo định hướng về thị trường, ngành hàng xuất khẩu của Chiến lược xuất khẩu thời kỳ 2006 – 2010”.
Mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho chương trình này từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng (ví dụ năm 2009, kinh phí là 172 tỷ đồng) chỉ với mục tiêu nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” (HVNCLC), một sáng kiến độc đáo của Câu lạc bộ HVNCLC dù có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá các thương hiệu, sản phẩm trong nước nhưng do không đáp ứng điều kiện mục tiêu xuất khẩu nên suốt 15 năm qua, chủ yếu là tự thân vận động chứ không nhận được một sự hỗ trợ nào từ ngân sách, chính vì vậy, hiện nay đang bị đuối dần .
Cũng do thị trường nội địa không được quan tâm đúng mức nên trong kế hoạch phân bổ ngân sách cho hạ tầng hàng năm của quốc gia thì các khoản đầu tư cho hạ tầng thương mại đều bị cắt sạch. Tương tự, quy hoạch cơ bản về hệ thống phân phối ở tầm quốc gia hoàn toàn không có và quy hoạch chi tiết lại càng không.
Trong khi đó các tập đoàn đa quốc gia đều rất sát sao với từng khu vực địa lý, bổ nhiệm các “tướng vùng”, có hệ thống định vị để quản lý và chỉ đạo toàn bộ mấy trăm nghìn điểm bán hàng trên toàn cõi Việt Nam. Ngoài ra, ở các đô thị, những mặt bằng “ngon” nhất đều lần lượt bị những nhà phân phối nước ngoài có vốn mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn chiếm lĩnh. Chưa nói, hàng nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc đổ về đang gây khốn đốn cho sản xuất trong nước.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chính sách phát triển kinh tế lưỡng thể, vừa hướng về xuất khẩu, vừa bảo hộ sản xuất trong nước được duy trì trong nhiều năm qua. Một mặt, vì được sự hỗ trợ tối đa để xuất khẩu từ lãi vay, tỷ giá hối đoái, vốn tín dụng đến thuế, mặt bằng… nên trong suốt một thời gian dài DN chỉ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa, đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng tai hại hơn nằm ở chỗ, DN lúc đó sẽ chọn hình thức dễ làm nhất là gia công hàng hóa - một công đoạn ít tạo ra giá trị gia tăng nhất trong chuỗi hàng hóa toàn cầu và chính điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam.