Sự việc bắt đầu khi ngày 16/11/2018, gia đình chị Hờ Thị Tùng (SN 1993, ngụ bản Huổi Lóng, xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên) phát hiện con mình mất tích sau khi đi làm nương. Trong ba ngày hàng trăm người ngày đêm đốt đuốc đi tìm, phát hiện thi thể chị Tùng ở con suối Nậm Mức. Nghi phạm được xác định là Vàng A Tỉnh (SN 1988), ở sát nhà nạn nhân.
Với hồ sơ thu thập ban đầu gồm Sơ đồ hiện trường, Biên bản hiện trường, Bản ảnh, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh khám nghiệm hiện trường, Biên bản và Bản ảnh khám nghiệm tử thi… được thực hiện vào ngày 18 và 19/11/2018, Cơ quan CSĐT Công an Điện Biên nhận định đây là vụ án mạng nên ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người”.
Một bộ tài liệu quan trọng khác liên quan đến xem xét dấu vết trên thân thể bị can, thực hiện vào ngày 18/11/2018 cho thấy tay chân bị can có hàng chục vết xước đã khô mà chưa được làm rõ cơ chế hình thành.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Công an Điện Biên ra Quyết định số 58 ngày 1/12/2018 chuyển từ tội danh “Giết người” sang tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Ngày 22/5/2019, TAND huyện Mường Chà xử phiên sơ thẩm, tuyên Tỉnh phạm các tội “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” và “Xâm phạm thi thể...”, tổng hình phạt 5 năm tù. Theo người thân nạn nhân, quá trình điều tra, buộc tội, xét xử vụ án này có dấu hiệu sai sót nghiêm trọng.
Thương tích kinh hoàng
Theo lời khai của ông Hờ Chồng Ly (SN 1973, bố nạn nhân) và một số nhân chứng, sáng 16/11/2018 chị Tùng đi phát nương cây chít. Các nhân chứng Vàng Thị Pàng, Sình Thị Khoa, Hờ Thị Co có mặt gần hiện trường nghe thấy tiếng dao phát nương, sau đó là nghe tiếng la hét, kêu cứu của người phụ nữ. Nhưng vì địa hình dốc và một lúc sau không thấy tiếng kêu nữa nên các nhân chứng không đến.
Về hiện trường, những người đi tìm khẳng định có vết cỏ cây bị rạp xuống, nghi ngờ do kéo xác vượt qua đường bê tông (rộng khoảng 2,5m) để vứt xuống thác nước suối Nậm Mức. Về vật chứng, tìm thấy một đoạn gậy một đầu bị giập vỡ, dính tóc, cho thấy có sự tác động mạnh của con người. Nhưng những tình tiết này ngay từ đầu không được coi trọng và điều tra kỹ, xem xét.
Đối với cái chết của nạn nhân, bản Kết luận giám định pháp y về tử thi số 67/GD- PC09 ngày 4/12/2018 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Điện Biên cho rằng: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết nghĩ nhiều đến chết do ngạt cơ học”. Trong khi đó, vẫn bản Kết luận giám định pháp y này nêu: “Mi mắt phải bầm tím, tụ máu có vết rách da kích thước (5x 0.6cm), bờ mép nham nhở. Hai mắt nổ. Tổn thương da và cơ trán do vật cứng va đập vùng trán với lực mạnh gây nên”.
Như thế, phải có sự vật lộn xảy ra giữa bị hại và hung thủ, có sự tác động mạnh và từ vật cứng của hung thủ gây ra các vết thương như vậy dẫn đến cái chết, chứ khó có thể hình thành do cú ngã gây ra được như lời bị cáo khai.
Kết luận còn nêu tiếp: “ Cổ vùng giữa hõm ức có vết bầm tím, tụ máu…, lưỡi nằm ngoài cung răng 2cm”. Người chết trong tình trạng như vậy, phải chăng bị đánh đập bóp cổ cho đến chết mới vứt xuống nước? Như vậy, vụ việc có dấu hiệu của tội “Giết người”.
Trong vụ án còn có dấu hiệu của hành vi “hiếp dâm” khi bị hại chết trong tình trạng không mặc quần như Kết luận giám định pháp y nêu “Tử thi là nữ giới. Phía dưới không có quần”. Trong khi đó Tỉnh khai “nhìn thấy Tùng đứng một mình thì Tùng có mặc quần màu đen may theo kiểu dân tộc”.
Quần của nạn nhân đến nay vẫn chưa tìm ra; bị hại chết trong tình trạng không có quần; áo bị mắc vào cành cây, chưa được làm rõ nguyên nhân. Vậy mà bị cáo khai “mang xác bị hại đi giấu trong tình trạng quần áo ướt sũng do ngã xuống nước, người đã chết cứng”.
“Bản tự khai” bị “bỏ quên”
Một tình tiết rất quan trọng khác, đó là cơ chế hình thành nên 18 vết thương trên thân thể bị cáo Tỉnh, thể hiện qua từng vị trí cụ thể được mô tả bằng Biên bản khám xét dấu vết cùng Bản ảnh chụp lại các vết thương. Chúng được hình thành qua quá trình vật lộn, cưỡng ép bị hại; hay bị rắn cắn, hay trèo cây bị ngã mà vết thương bị cáo nhiều đến như vậy?
Tại phiên xử sơ thẩm, Luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Châu (Văn phòng LS Bảo Châu và cộng sự, Đoàn LS Hà Nội) hỏi điều tra viên Hồ A Tủa (Công an huyện Mường Chà): “Quá trình điều tra xác minh 18 vết xước trên người bị cáo… Bị cáo khai do trèo cây chuối bị ngã tạo nên. Anh có đến hiện trường bị cáo khai bị ngã để xác minh lời khai đó là đúng hay sai không?”. Điều tra viên Hồ A Tủa trả lời: “Tôi có đến đó xem xét và chụp nhiều ảnh, nhưng thấy bị cáo Tỉnh nói đúng nên tôi bỏ số ảnh đó đi rồi...”.
Và HĐXX TAND huyện Mường Chà vẫn cho rằng: “Lời nhận tội của bị cáo hoàn toàn phù hợp với nội dung bản cáo trạng… là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Ngay cả việc ngày 18/11/2018, Tỉnh bỏ trốn vào Trung tâm y tế Mường Chà để “chữa rắn cắn” (thực chất là các vết xước), bị công an bắt giữ, đến tận bốn ngày sau (tức 22/11) mới có Đơn đầu thú, Tòa cũng cho là “thành khẩn khai báo” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Trong vụ án này, cha của nạn nhân còn cung cấp Bản tự khai ghi ngày 15/1/2019 của ông Vàng A Chu (SN 1964, bố bị cáo Vàng A Tỉnh), trong đó cho rằng: “Con trai tôi giết Hờ Thị Tùng là thật sự”. Cùng Bản tự khai là Biên bản thừa nhận (có nội dung “về việc Tỉnh hiếp và giết nạn nhân, mang xác đi giấu kín ở bờ suối Nậm Mức ngày 16/11/2018”) giữa các thành viên hai bên gia đình nạn nhân và bị cáo.
Trong biên bản còn có thỏa thuận bồi thường thiệt hại giữa hai bên. Hỏi bố nạn nhân và ông Vàng A Phình (SN 1965, bố chồng nạn nhân) có cung cấp các văn bản này cho công an không, họ cho rằng “có đưa nhưng công an không nói gì”.
Một chuyên gia pháp lý cho rằng với các tình tiết trên, có thể cho rằng quá trình điều tra xét xử vụ án đã vi phạm tố tụng, làm sai lệch bản chất vụ án, dẫn đến bỏ lọt tội phạm, cần phải điều tra xét xử lại để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.