Từ nhỏ, Bách đã ốm yếu, có tật vẹo cổ, teo cơ hai chân. Chứng teo cơ của em chuyển sang giai đoạn nặng hơn, rồi Bách đã không thể bước đi trên đôi chân của mình. Từ đó, gần như ông Lê Văn Hồng, bố Bách là người đồng hành, giúp đỡ em trong mọi việc. Bách được bố cõng đến trường trong suốt 12 năm học. Bệnh tật nhưng em luôn cố gắng vượt qua chính mình để không thua kém bạn bè.
“Trong suốt 12 năm trời, bố mẹ đã rất khổ sở vì em. Mọi tiền của, vật chất có giá trị trong nhà, bố đều đem bán để lấy tiền đưa em đi điều trị nhưng bệnh vẫn không khỏi. Vậy nên, em phải cố gắng học tập thật giỏi để không làm bố mẹ phải xấu hổ với mọi người, làng xóm về em” - Lê Xuân Bách tâm sự.
Ông Lê Xuân Hồng chia sẻ, vợ chồng ông đã cố gắng hết sức để đưa Bách đi chữa trị, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu và cho biết bệnh này không mổ được. “Chúng tôi đề nghị bác sĩ tư vấn để kéo dài cơ chân ra giúp cháu đi lại được bình thường nhưng bác sĩ nói bệnh này chỉ có thể khắc phục dần, bây giờ cắt cơ là hủy hoại cả đôi chân” - ông Hồng cho biết. Nhiều lần đưa con đến viện rồi chở đèo con về trong thất vọng, nhưng người đàn ông này vẫn không hề bỏ cuộc.
Sau 12 năm học, ôn thi, năm 2012 Bách chuẩn bị cùng bố lên Hà Nội thi đại học. Tuy nhiên, khi biết cha mẹ đã dồn hết tài sản cho mình chữa bệnh, khó đảm đương được cùng lúc việc học hành của hai anh em, Bách quyết định rút hồ sơ thi, dành tiền cho anh trai ruột là Lê Quốc Nam (sinh năm 1990) theo học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội.
“Năm 2012, thấy bố mẹ chật vật chạy tiền cho anh trai đang theo học đại học năm thứ 2 nên em đã quyết định rút hồ sơ đăng ký dự thi, cùng bố mẹ tích góp, dành dụm tiền gửi ra cho anh ăn học mỗi tháng. Năm nay anh em đã tốt nghiệp và đi làm tự nuôi bản thân nên em quyết định tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ của mình” - Bách bày tỏ.
Nhắc đến Bách, bạn bè, thầy cô và lối xóm luôn tự hào về một tấm gương đầy nghị lực, niềm tin, kiến thức và lòng nhân hậu. “Em muốn góp phần làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về người khuyết tật. Em tuy tật nguyền về thân thể nhưng luôn cố gắng để mình không bị tật nguyền về kiến thức so với các bạn cùng trang lứa”. Nói câu này, Bách cười nhẹ tênh, nụ cười như liều thuốc dường như làm giãn nếp nhăn trên khuôn mặt người cha hết lòng vì con.
Bố Bách kể, nhiều đêm thức giấc thấy con đang miệt mài ngồi học, ông thương con thắt gan thắt ruột. Vợ chồng ông chỉ biết khuyến khích, động viên con cố gắng.
Tôi tin rằng với ý chí và nghị lực đáng khâm phục, giảng đường đại học sẽ rộng cửa với Lê Xuân Bách…