Mới là “ý tưởng” đã vội thu hồi đất
Dự án Cụm công nghiệp cơ khí chế tạo Tân Quy được UBND thành phố ra văn bản số 4214/UBND-CNN ngày 15/7/2005 triển khai địa điểm xây dựng với quy mô 300 hecta tại xã Hòa Phú và xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Đến ngày 03/8/2005, UBND TP có văn bản số 419/UBND-CNN xác định lại quy mô lên tới 343,1782 hecta thuộc xã Bình Mỹ và xã Hòa Phú, huyện Củ Chi.
Ngày 11/6/2007, UBND Củ Chi lập “Phương án tổng thể số 1292/PATT” và ngày 22/12/2009 thì lập “Phương án chi tiết” về giải phóng mặt bằng, được Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký quyết định số 46538/QĐ-UBND phê duyệt ngày 31/12/2009. Về giá đất để tính bồi thường thì dựa vào Công văn số 2565/UBND-ĐT ngày 4/5/22007 quy định về giá đất để tính bồi thường của 07 dự án trên địa bàn Củ Chi, trong đó có dự án Cụm công nghiệp Tân Quy. Theo đó, giá đất ở được bồi thường từ giao động từ 600.000 đồng/m2 đến 1.135.000 đồng/m2; đất nông nghiệp từ 204.000 đồng/m2 đến 354.000 đồng/m2.
Trong năm 2009, UBND huyện Củ Chi đã ban hành hàng loạt các quyết định thu hồi đất của người dân. Tuy nhiên, những vi phạm của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi chỉ được phát hiện khi người dân khởi kiện ra tòa án và khiếu nại quyết liệt lên cấp trên.
Bản án số 468/2013/HC-PT ngày 08/4/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh |
Bản án phúc thẩm số 468/2013/HC-PT ngày 08/4/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Trọng Đạt tuyên hủy Quyết định thu hồi đất số 5289/QĐ-UBND ngày 27/1/2009 của UBND huyện Củ Chi về việc thu hồi đất của ông để phục vụ cho dự án Cụm công nghiệp Tân Quy. Đây là vụ án điển hình cho chứng minh cho sự sai phạm.
Bản án nêu rõ, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Củ Chi xác nhận không có quyết định phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Tân Quy nhưng theo Công văn số 7903/UBND-CNN ngày 16/11/2007 của UBND thành phố đã thể hiện Cụm công nghiệp Tân Quy được đổi tên thành Khu công nghiệp Đông Nam. Hội đồng xét xử xét việc đổi tên này không phải bằng một quyết định cá biệt của UBND Thành phố mà bằng văn bản theo đề xuất của Ban quan lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố. Như vậy, dự án Cụm công nghiệp Tân Quy mới chỉ là ý tưởng đề án chưa được thông qua theo đúng quy định của Luật đất đai.
Hội đồng xét xử cũng nhận thấy quyết định thu hồi đất không căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và thành lập Cụm công nghiệp Tân Quy của UBND Thành phố là chưa có cở sở pháp lý cho việc thu hồi đất. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Trọng Đạt, tuyên hủy quyết định số 5289/QĐ-UBND ngày 27/2/2009 của UBND huyện Củ Chi.
Từ bản án nêu trên, cho thấy cái sai của UBND huyện Củ Chi đã quá rõ ràng. Thế nhưng, việc UBND huyện Củ Chi có nghiêm túc thi hành án hay không lại là chuyện khác. Khi mà, hàng loạt các quyết định thu hồi đất sai trái vẫn tồn tại, tiếp tục “đè” lên đầu, lên cổ người dân bị thu hồi đất suốt 10 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Huệ (đại diện 14 hộ dân bị thu hồi đất) bức xúc cho biết, thay vì khởi kiện ra tòa như ông Nguyễn Trọng Đạt, chúng tôi khiếu nại đến Chủ tịch UBND thành phố mong được xem xét thấu tình, đạt lý. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, cái mà chúng tôi nhận là những văn bản “đôn đốc giải quyết đơn khiếu nại” của Văn phòng Tiếp công dân thành phố, rồi “giấy báo tin” của Thanh tra Thành phố bảo quay ngược về Văn phòng Tiếp công dân thành phố để biết tiến độ xử lý, còn văn bản giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố đến nay vẫn “bặt vô âm tín” trong sự chờ đợi mỏi mòn.
Mập mờ ranh quy hoạch
Ngoài việc ban hành các quyết định thu hồi đất không đúng quy định pháp luật, các hộ dân còn khiếu nại gay gắt việc UBND thành phố duyệt nhiệm vụ quy hoạch “một đàng”, duyệt quy hoạch “một nẻo” làm cho vị trí và giới hạn phạm vi quy hoạch của dự án mập mờ, thiếu cơ sở pháp lý.
Tại Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 về duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi và khu dân cư phục vụ công nghiệp xã Bình Mỹ và Hòa Phú huyện Củ Chi có vị trí, giới hạn phạm vi quy hoạch là: Phía Đông giáp khu dân cư hiện hữu và đường Võ Văn Bích; Phía Tây giáp khu dân cư hiện hữu và đường Bến Than; Phía Nam giáp đất nông nghiệp và một phần rạch Bà Bếp; Phía Bắc giáp Tỉnh lộ 8.
Tuy nhiên, ngày 29/12/2009 ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch UBND thành phố ký Quyết định số 5945/QĐ-UBND về duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi và khu dân phục vụ công nghiệp xã Bình Mỹ và Hòa Phủ lại có vị trí, giới hạn phạm vi quy hoạch mang nội dung khác với quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch, cụ thể: Phía Đông giáp tỉnh lộ 9; Phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu và Tỉnh lộ 8; Phía Tây giáp đường Bến Than; Phía Nam giáp đất nông nghiệp và rạch Bà Bếp.
Khu đất mới bị cưỡng chế thu hồi |
Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết, theo Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 thì nhà, đất của gia đình ông và các hộ dân thuộc khu dân cư hiện hữu nằm dọc theo mặt tiền Tỉnh lộ 9 (nay là đường Hà Duy Phiên, phía Đông của dự án) không bị ảnh hưởng bởi dự án. Nếu triển khai theo Quyết định số 5945/QĐ-UBND thì nhà gia đình ông và khu dân cư sẽ bị “xóa sổ” để dành khu đất “vàng” có vị trí giáp đường tỉnh lộ 9 cho dự án.
Việc UBND thành phố ra quyết định số 5945/QĐ-UBND không căn cứ vào quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch số 3343/QĐ-UBND là trái với khoản 2, Điều 23 Nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng quy định việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thì phải căn cứ vào nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được phê duyệt.
Sai đã rõ, thế nhưng ngày 29/01/2010, UBND thành phố vẫn căn cứ vào Quyết định số 5945/QĐ-UBND để ban hành Quyết định số 510/QĐ-UBND thành lập Khu công nghiệp Đông Nam, thành phố Hồ Chí Minh, chủ đầu tư lúc này là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG.
Đính chính quyết định hay cố tình làm sai?
Sau vụ UBND huyện Củ Chi thua kiện vì ban hành quyết định thu hồi đất trái pháp luật, các hộ dân tưởng rằng công lý sẽ được thực thi, yên tâm lo làm ăn, buôn bán. Bất ngờ, trong tháng 9 và 10/2018, các hộ dân một phen hoang mang, lo sợ khi phải chứng kiến cảnh Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi chỉ đạo, tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của hộ ông Bành Phước và hộ ông Nguyễn Văn Nhựt và không biết khi nào thì đến lượt mình.
Như vậy, thay vì phải thu hồi, hủy bỏ các quyết định thu hồi đất trái pháp luật đã ban hành từ năm 2009 thì UBND huyện Củ Chi lại “tái sử dụng” bằng cách điều chỉnh cụm từ “đầu tư xây dựng cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy” thành “Dự án đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi” để làm căn cứ cưỡng chế thu hồi đất của dân giao cho Chủ đầu tư.
Thực tế, ngày 27/9/2018 UBND huyện Củ Chi ra Quyết định số 10936/QĐ-UBND đính chính Quyết định số 14504/QĐ-UBND ngày 10/11/2008 của UBND huyện Củ Chi về việc thu hồi đất bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Tân Quy đối với ông Nguyễn Văn Nhựt. Quyết định điều chỉnh cụm từ “đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy” thành “Dự án đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi”, còn các nội dung khác vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Sau khi “điều chỉnh”, UBND huyện Củ Chi làm căn cứ để ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông Nhựt và bồi thường với cái giá có từ hơn 10 năm trước.
Khu công nghiệp Đông Nam, phần lớn đất vẫn còn bỏ trống, cỏ mọc um tùm |
Tuy nhiên, việc “đính chính” tên gọi của dự án chỉ thể hiện thái độ coi thường pháp luật chứ không đảm bảo được giá trị pháp lý. Bởi ngay từ đầu, các quyết định thu hồi đất đã không căn cứ vào quyết định phê duyệt dự án và thành lập Cụm công nghiệp cơ khí Tân Quy của UBND thành phố là chưa có cơ sở pháp lý để thu hồi. Dù có “đính chính” thành “Dự án đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi” càng không đúng, bởi đến ngày 29/1/2010 UBND thành phố mới thành lập Khu Công nghiệp Đông Nam, trong khi quyết định thu hồi đất đã ban hành trước đó một năm và có nhiều sai phạm!
Người dân ở đây cho biết, nếu chính quyền muốn thu hồi đất, chúng tôi rất sẵn lòng, nhưng UBND huyện Củ Chi phải làm đúng theo trình tự, quy định của Luật đất đai. Phần diện tích đất nào không ảnh hưởng của dự án thì phải bỏ ra, không được thâu tóm; phần nào bị ảnh hưởng dự án thì phải ban hành các quyết định thu hồi đất, bồi thường đất đúng trình tự, quy định hiện nay.
Tiếc rằng, đến nay vẫn tìm cách lương lẹo để “biến” quyết định sai thành quyết định đúng nhằm giữ nguyên thời điểm ban hành vào năm 2009 để thu hồi đất và bồi thường cho chúng tôi với giá rẻ mạt. Do đã khiếu nại kéo dài nhiều năm nhưng Chủ tịch UBND thành phố chưa giải quyết, trong đơn khiếu nại, các hộ dân đề nghị cơ quan Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án và làm rõ “nhóm lợi ích” nào hưởng lợi từ những việc làm sai trái nêu trên.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.