Cách tuyên truyền đặc biệt
Mới đây, mạng xã hội “dậy sóng” bởi màn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh về tuyên truyền phòng chống virus Corona đầy sáng tạo của thầy giáo Nguyễn Cao Bằng (SN 1983, giáo viên trường tiểu học Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).
Bằng những câu từ vô cùng da diết và gần gũi, thầy Bằng khéo léo đưa ra cách tránh dịch bệnh như: “Trước tiên là không đi lại, du lịch chốn đông người; Khi khó thở sốt hắt hơi, cần kịp thời đi y tế; Phải vệ sinh sạch sẽ, xát khuẩn với xà bông, các dung dịch sát khuẩn thông thường; Mở cửa ra cho thông thoáng; Tránh tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp cận phải khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, khi ho che kín miệng; Ngoài ra nên ăn chín, uống sôi…”.
Cuối bài hát, thầy giáo 8X bày tỏ: “Mong dịch bệnh sớm dập tắt ngay, để mọi người bệnh được khỏe lại ngay, bệnh dịch dập xong an toàn cho cuộc sống, để thế giới bình yên, để cuộc sống yên bình”.
Chia sẻ về đoạn video gói gọn những biểu hiện của dịch bệnh corona và cách phòng tránh, thầy giáo trẻ cho biết đã viết trong vòng chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Những thông tin đề cập trong bài hát được thầy tìm hiểu kỹ trên các bài báo chính thống.
“Dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) thì ai cũng biết, tuy nhiên cách phòng tránh và triệu chứng thì không phải ai cũng hiểu đầy đủ. Thông qua bài hát này tôi muốn truyền tải một cách ngắn gọn và dễ gần nhất cho người nghe, nhất là các em học sinh và bậc phụ huynh”, thầy Bằng cho biết.
Chọn hình thức dân ca ví, giặm nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh để truyền tải nội dung, thầy Bằng lý giải hy vọng cách tuyên truyền mới lạ, có yếu tố giải trí này đến được đông đảo người dân. Và đúng như mục đích ban đầu của thầy Bằng, đoạn video nhanh chóng được nhiều người biết đến với những bình luận thích thú, khen ngợi sự sáng tạo kịp thời của thầy giáo trẻ.
“Thật sự khi nghe bài hát của thầy, em cảm thấy khá thích thú. Những cách phòng tránh dịch bệnh này đều được thầy đề cập đầy đủ với phần minh họa hài hước. Thông qua bài hát của thầy, em càng có ý thức hơn về dịch bệnh nguy hiểm này. Mấy hôm nay dù không đến trường nhưng qua cách thể hiện của thầy Bằng đăng lên mạng xã hội, chúng em như được giáo dục thêm về cách phòng tránh dịch bệnh”, một học sinh thường xuyên theo dõi trang facebook cá nhân của thầy bằng cho biết.
Đam mê đặc biệt với dân ca ví, giặm
Là giáo viên tiểu học nhưng thầy giáo Nguyễn Cao Bằng lại có niềm đam mê đặc biệt với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Dù sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật ở xã Thái Sơn, huyện Đô Lương song anh Bằng sớm thể hiện năng khiếu về dân ca ví, giặm. Bằng việc học lỏm cách hát qua băng đĩa, Bằng nhanh chóng thuộc nhiều bài hát đặc trưng của thể loại dân ca này miền Trung đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.
Có năng khiếu bẩm sinh cộng với sự tự tin, yêu văn nghệ, Nguyễn Cao Bằng đã tích cực tham gia "sân chơi" ví, giặm do hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức. Điều may mắn với chàng thanh niên trẻ là gia đình hoàn toàn ủng hộ đam mê ấy.
Tốt nghiệp cấp 3, Bằng chọn thi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và đạt kết quả nhưng mong đợi. Tốt nghiệp, Nguyễn Cao Bằng từng có thời gian 7 năm công tác ở trường Trung học cơ sở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương. Sau đó, thầy giáo Bằng chuyển về công tác ở trường Tiểu học Hiến Sơn, đồng thời làm Tổng phụ trách đội của trường. Năm 2019, thầy Nguyễn Cao Bằng tham dự kỳ thi Giáo viên – Tổng phụ trách đội cấp tỉnh và đạt thủ khoa. Với thành tích trên, thầy giáo trẻ đã vinh dự được Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An tặng bằng khen.
Thầy Bằng luôn năng nổ và sôi nổi trong hoạt động của nhà trường |
Trước đó trong các năm 2013, 2014, 2015, thầy giáo trẻ đều giành được những thành quả đáng ngưỡng mộ tại các cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc về hát dân ca. Trong đó, năm 2013, thầy Nguyễn Cao Bằng đã giành giải diễn viên trình diễn xuất sắc tổ chức tại Hà Tĩnh. Một năm sau, thầy giáo ấy lại đạt giải A liên hoan dân ca nghệ tỉnh 2014 với tiết mục: Một lòng đợi bạn. Đến năm 2015, khi tham gia liên hoan dân ca Việt nam, thầy Bằng đã đạt giải A cùng câu lạc bộ Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương.
Với năng khiếu hát dân ca ví, giặm, thầy giáo trẻ đã làm theo cách của mình để phần nào đó góp phần tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Theo thầy, cách làm này không chỉ làm mới, phong phú thêm nội dung của di sản văn hóa phi vật thể mà còn góp phần tích cực và nâng cao hiệu quả trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân.
Trước đó, thầy Bằng cũng đã sáng tác bài hát “Tình người qua chiếc khẩu trang” nhằm phê phán các nhà thuốc, đại lý vật tư y tế…lợi dụng thời điểm dịch bệnh bùng phát để nâng giá, trục lợi, bài hát hát cũng đã chiếm được tình cảm từ số đông người dùng mạng.