Nửa năm mới có thể quen số mới
Theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kể từ 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành phố sẽ có sự thay đổi lớn. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, mã vùng chỉ thay đổi từ 1 số lên 2 số (4 và 8 thành 24 và 28). Một số tỉnh thành khác lại thay đổi mã vùng từ 2 số lên 3 số như (Hải Phòng từ 31 lên 225, Quảng Ninh từ 33 thành 203…).
Tuy nhiên, rất nhiều địa phương lại thay đổi hoàn toàn mã vùng. Đơn cửa như Đà Nẵng từ 511 đổi thành 236, Cà Mau từ 780 đổi thành 290…Bốn địa phương có mã vùng không đổi là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang.
Quanh việc thay đổi đầu số này có khá nhiều ý kiến trái chiều. Đương nhiên là Bộ TT&TT- cơ quan ban hành Thông tư - cho rằng việc quy hoạch này nhằm đạt nhiều mục tiêu, như sử dụng lâu dài; phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Và tất nhiên, khi thay đổi mã vùng sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp và người sử dụng.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp và người dân lại đang méo mặt vì quy định có tính đột ngột này. Bởi thay đổi mã vùng có nghĩa là các doanh nghiệp phải thay đổi tất cả các giấy tờ, tài liệu liên quan, thiệt hại là điều họ không tránh khỏi. Từ hóa đơn, danh thiếp cho đến biển quảng cáo, các bao bì…đều phải in lại hoặc hủy bỏ.
Anh Lê Anh Tú, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh và lắp đặt trang thiết bị nội thất trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) than thở: “Tháng trước chúng tôi vừa in khoảng 5.000 bao bì, trên 10.000 tài liệu maketting, định để dùng tới quý II năm sau. Nhưng tình hình này chắc chúng tôi phải mất một khoản tiền lớn nữa để chỉnh sửa lại thông tin. Một số khác không sửa được thì đành làm giấy vụn”.
Thay đổi mã vùng, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn bước đầu (Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Không như các doanh nghiệp, nhiều người dân lại có một nỗi lo rất đời thường- lo không nhớ được mã vùng. “Trước đây, chỉ thêm mỗi số 3 sau số của mã vùng mà tôi còn lúc nhớ lúc quên, phải mất nửa năm mới có thể quen. Bây giờ nhà nước lại thay đổi lớn quá, có tỉnh lại thay toàn bộ số mã vùng, một số địa phương thì số mới còn khó nhớ hơn cả số cũ (như Đà Nẵng từ 511 thành 236). Với người già như chúng tôi thì lẫn lộn là cái chắc. Lâu nay chúng ta vẫn đang dùng các đầu số như hiện tại mà có ai bị ảnh hưởng gì đâu, có thấy người dân và doanh nghiệp nào kêu ca đâu? Sao lại phải thay đổi để vừa tốn kém lại vừa gây bất tiện cho dân”- bác Lương Thị Toàn (xóm Đông Quang, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phân trần.
Thiệt hại không nhỏ
Trở lại vấn đề thiệt hại do phải thay đổi mã vùng. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, để chủ động trong việc kinh doanh, họ phải in bao bì sản phẩm, tờ rơi và hoá đơn… trước đó hàng năm trời. Do vậy, trước khi ban hành một quy định hoặc một chính sách có liên quan, các cơ quan chức năng cần phải tính toán đến lợi ích cũng như thiệt hại mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt khi phải thực hiện quy định (chính sách) đó.
Ít ra cơ quan ban hành văn bản phải cho các doanh nghiệp thời gian chủ động nắm bắt thông tin, phải có một độ trễ nhất định (có thể là một năm) để họ chuẩn bị và chủ động phương án kinh doanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thông tư 22 được Bộ TT&TT ký ngày 22/12/2014 mà ngày có hiệu lực là 1/3/2015. Nghĩa là chỉ hơn hai tháng sau ngày ký, các quy định tại Thông tư sẽ được áp dụng vào thực tế, không cần biết đối tượng áp dụng gặp khó khăn ra sao.
Đó là chưa kể tới trường hợp thông tin chắc gì đã được công bố rộng rãi ngay lập tức. Bởi dù được ký ngày 22/12/2014, nhưng phải một tuần sau, nội dung của Thông tư 22 mới được các cơ quan báo chí đề cập đến, và cũng đến lúc này người dân và các doanh nghiệp mới cập nhật được thông tin.
Nhìn nhận dưới khía cạnh pháp lý, nhiều luật sư phân tích, theo quy định của pháp luật dân sự, nếu những thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng thì đối tượng gây ra thiệt hại đó không phải bồi thường.
Vậy trong trường hợp này, những quy định tại Thông tư 22 của Bộ TT&TT có được coi là sự kiện bất khả kháng hay không? Nếu cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng thì các doanh nghiệp bị thiệt hại không có cơ sở kiện bồi thường. Ngược lại, nếu không phải thì liệu cơ quan ban hành văn bản có gánh vác trách nhiệm này?
Rõ ràng, có rất nhiều thiệt hại phát sinh cho các doanh nghiệp sau khi Thông tư 22 có hiệu lực. Trong hơn 500.000 doanh nghiệp trên cả nước, những hệ lụy do thay đổi mã vùng điện thoại là không hề nhỏ. Chính vì vậy, điều mà các doanh nghiệp băn khoăn hơn cả là những thiệt hại mà họ sẽ gánh chịu phải quy trách nhiệm cho ai?
PLVN sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các luật sư, chuyên gia về vấn đề này./.