Thay đổi kỳ vọng về điện khí LNG để thực hiện cam kết khí hậu

Xu hướng phát triển LNG tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh: Reuters)
Xu hướng phát triển LNG tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh: Reuters)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong giai đoạn 2020-2021, giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tương đối rẻ nên việc phát triển điện khí LNG được xem là “cầu nối” chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá LNG tăng cao bởi các tác động địa chính trị trên thế giới. Bối cảnh này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh lại kỳ vọng về điện khí LNG trong bức tranh năng lượng chung, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050.

Sức ép của chuyển dịch năng lượng

Trong một báo cáo công bố tháng 6/2022 của Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển (CEED, trụ sở tại Phillipines) đã chỉ ra, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia đang trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện khí LNG lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, khả năng nhập khẩu LNG của Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Thái Lan trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành một trung tâm LNG của châu Á.

Năm 2020 - 2021 chứng kiến một "làn sóng" phát triển điện khí LNG tại Việt Nam. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 2020 - 2021 chứng kiến một "làn sóng" phát triển điện khí LNG tại Việt Nam. (Ảnh: Shutterstock)

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia), CEED tiếp tục nhấn mạnh xu hướng “bùng nổ” phát triển điện khí LNG trong những năm qua tại các nước xuất khẩu LNG như Indonesia, Malaysia, cũng như các nước đang đối mặt sự cạn kiệt nguồn cung từ các mỏ khí địa phương như Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Một báo cáo năm 2021 của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cũng ghi nhận xu hướng này. Cụ thể, “năm 2020 chứng kiến một ‘làn sóng’ các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam”.

Sự quan tâm của giới đầu tư trở nên mạnh mẽ nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này giới hạn sự tăng trưởng của nhiệt điện than và chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG và hạ tầng nhập khẩu và phân phối khí.

Một giải thích khác cho “làn sóng” này là trong giai đoạn 2020 – 2021, giá khí LNG nhập khẩu tương đối rẻ nên việc phát triển điện khí LNG được xem là “cầu nối” để chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo. Điện khí LNG cũng được kỳ vọng trở thành nguồn điện chạy nền thay cho điện than.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay giá LNG tăng cao bởi tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp. Việc đầu tư vào LNG để chạy nền thay cho điện than gặp nhiều trở ngại bởi giá quá cao”, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhận định.

Trong khi đó, bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng châu Á của Văn phòng Friedrich Ebert Stiftung (FES) Việt Nam, đánh giá “thị trường LNG tại Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ”.

Như vậy, để hiện thực hoá những dự báo trước đây như “đạt công suất dự kiến tốp đầu Đông Nam Á” hay “trở thành trung tâm LNG của châu Á” đến nay lại là một vấn đề bỏ ngỏ.

“Việc sửa đổi các bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã thể hiện được sức ép của quá trình chuyển dịch năng lượng trong bức tranh chung của hệ thống điện Việt Nam, cũng như phản ứng của thị trường trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư (đối với điện khí LNG)”, bà Ngô Thị Tố Nhiên cho hay.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE). (Ảnh: NVCC)

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE). (Ảnh: NVCC)

“Với bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào LNG chỉ giúp tăng thêm độ linh hoạt của hệ thống điện. Điều này có nghĩa là vẫn cần bổ sung LNG nhưng công suất chỉ nên đủ để cung cấp vào thời điểm bị sụt giảm điện bởi các nguồn chạy nền, nếu không có nguồn này thì thay thế bằng nguồn khác”, bà Nhiên bổ sung.

Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau 2035

Bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất (theo Tờ trình số 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022 của Bộ Công thương) đã nêu rõ quan điểm về điện khí LNG như sau: Phát triển nguồn điện sử dụng LNG ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau 2035.

Thêm vào đó, các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro sau 10 năm vận hành. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

Theo thống kê của Bộ Công thương, đến hết tháng 9/2022 nước ta đã có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành. Hiện nay còn 12 dự án nhiệt điện than (13.792 MW) đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư/đang triển khai xây dựng, trong đó có 05 dự án đang chuẩn bị đầu tư nhưng có khó khăn trong triển khai và/hoặc thu xếp vốn (6.800MW).

Trong 5 dự án này, có một dự án đủ điều kiện chính thức loại bỏ trong danh mục nhiệt điện than, cho phép chuyển sang sử dụng LNG, đó là dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (công suất 600 MW) tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tóm lại, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã đề xuất giảm 17.000 MW nguồn điện sử dụng khí LNG nhập khẩu so với phương án tháng 3/2021. Dự kiến đến năm 2030, trong kịch bản phụ tải cao sẽ xây dựng 24.500 MW nguồn điện sử dụng khí LNG (tăng 600 MW LNG so với các báo cáo trước đây để bù cho giảm 600 MW nhiệt điện than Công Thanh).

Cụ thể, có 11 dự án với tổng công suất 17.900 MW đã được phê duyệt và bổ sung trong QHĐ7 điều chỉnh, QHĐ8 bổ sung 5 dự án sử dụng khí LNG với tổng công suất 6.600 MW tại khu vực miền bắc. Bao gồm: Thái Bình (1500MW), Nghi Sơn (1500MW), Quỳnh Lập (1500 MW), Quảng Trạch II (1500 MW), Công Thanh (600MW).

Thay đổi kỳ vọng để giảm phát thải

Theo một báo cáo mới đây của tổ chức Carbon Tracker (trụ sở tại London, Anh) đánh giá, xu hướng tăng cường đầu tư vào thị trường LNG toàn cầu hiện không được xem là “quyết định khôn ngoan”. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã cung cấp minh chứng cho thấy nguồn cung cấp khí đốt có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế vào bất cứ lúc nào.

Chuyển dịch năng lượng là một trong những mối quan tâm lớn nhất tại COP27. (Ảnh: UNFCCC)

Chuyển dịch năng lượng là một trong những mối quan tâm lớn nhất tại COP27. (Ảnh: UNFCCC)

Mặc dù có những sức ép nhất định từ quá trình chuyển dịch năng lượng, nhưng rủi ro còn lớn hơn khi các quốc gia tăng cường phụ thuộc vào điện khí trong thời điểm này.

Theo đó, nhiều nhà máy điện khí quy mô lớn sắp được xây mới tại Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa sớm khi chưa hết vòng đời vận hành. Trong khi đó, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” của các quốc gia cũng khó thể đạt được.

CAT ước tính, có thể thiệt hại tới 70 tỷ USD nếu dự báo trên xảy ra khi các quốc gia cố gắng xây dựng thêm các nhà máy điện khí và cơ sở hạ tầng đi kèm trong bối cảnh thị trường khí đốt biến động bất ổn và khó lường.

Đồng tình, bà Ngô Thị Tố Nhiên cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam sẽ không thể xây mới thêm một nhà máy LNG nào bởi biến động của thị trường quá lớn.

“Khi xây dựng một nhà máy LNG đòi hỏi phải có cảng và các cơ sở hạ tầng khác, chứ không chỉ riêng có nhà máy là được. Không giống như than, cảng than có thể xây dựng cạnh nhà máy điện than; nhà máy điện khí LNG thường không được xây dựng cạnh cảng LNG bởi liên quan đến vấn đề cháy nổ.

Như vậy, cần tính toán xây dựng nhiều nhà máy cùng chung một cảng LNG thì mới tiết kiệm được cơ sở hạ tầng, chứ không thể với mỗi một nhà máy lại xây dựng một cảng đi kèm được. Để làm được điều đó cần có một kế hoạch tổng thể nhưng lại cần rất nhiều điều kiện kèm theo.”, bà Nhiên phân tích.

Đi kèm với những rủi ro kinh tế là các rủi ro khí hậu

Tại Hội nghị COP27, ông Bill Hare, CEO của Viện nghiên cứu Phân tích khí hậu – một trong hai tổ chức thành lập nên Công cụ theo dõi hành động khí hậu (CAT – Climate Action Tracker), đánh giá: “Chúng ta đang chứng kiến một sự thúc đẩy mở rộng năng lực sản xuất và nhập khẩu khí hoá thạch LNG trên toàn thế giới, ở châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, châu Á và Úc, hiện tượng này có thể đẩy lượng khí thải toàn cầu vượt quá mức nguy hiểm”.

Khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. (Ảnh: NASA)

Khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. (Ảnh: NASA)

Đại diện của CAT cho biết, các dự án điện khí LNG mới đang nằm trong kế hoạch của các quốc gia có thể phát thải nốt 10% ngân sách carbon còn lại của thế giới, khiến nhiệt độ toàn cầu có thể vượt ngưỡng 1,5 độ C. Nguy cơ này cũng đến từ dự án khai thác LNG mới tại Canada và khả năng nhập khẩu LNG lớn từ Đức và Việt Nam.

Để giảm thiểu các rủi ro khí hậu và rủi ro từ thị trường LNG, việc quay trở lại tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo trong bức tranh năng lượng quốc gia được xem là giải pháp tất yếu.

Tổ chức Carbon Tracker đánh giá, cơ hội cho năng lượng tái tạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam là rất lớn và có khả năng cạnh tranh về chi phí so với khí đốt. Theo đó, các dự án phát triển năng lượng mặt trời và điện gió trên bờ mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đã rẻ hơn hoặc sẽ trở nên rẻ hơn so với các dự án LNG vào năm 2025.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã tuyên bố không nên đầu tư thêm các mỏ dầu và mỏ khí mới nếu thế giới muốn đạt mục tiêu 1,5C. Hiện tại, thế giới đang nóng hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Còn theo dự báo của CAT, căn cứ tính toán trên mục tiêu cắt giảm khí thải của các quốc gia trong thập kỷ này, trái đất có thể nóng lên tới 2,4 độ C. Trong trường hợp các quốc gia thực thi đúng cam kết đã công bố, bao gồm các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050, thì con số này có thể giảm xuống 1,8 độ C.

Trái đất nóng lên vượt quá 1,5 độ C sẽ khiến khí hậu khắc nghiệt hơn những gì chúng ta đã trải qua từ trước đến nay như cháy rừng, lũ lụt, nước biển dâng, băng tan, suy giảm hệ sinh thái… Theo đó, nguồn chính sách và đầu tư sẽ phải lớn hơn rất nhiều để khắc phục thiệt hại và mất mát, và chuyển dịch sang năng lượng xanh.

Đền bù mất mát và thiệt hại là kết quả nổi bật nhất tại COP27

27 Quyết định đã được phê duyệt tại COP27, quan trọng nhất là Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh (Sharm el-Sheikh Implementation Plan). Trong đó, thoả thuận cuối cùng và đáng chú ý nhất là việc các nước nhất trí thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” (Loss and Damage Fund). Đây là lần đầu tiên thỏa thuận về các gói đền bù của các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ cho các quốc gia đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu được đưa vào chương trình nghị sự của COP.

Quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, từ nhà cửa và cầu cống bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa, các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Việc nước nào chi trả và nước nào được hưởng lợi sẽ làm nóng các cuộc thảo luận tại COP28.

Đọc thêm

Tết xanh - tiết kiệm và bảo vệ môi trường

Trào lưu Tết Nguyên đán thân thiện môi trường, từ trang trí, ẩm thực đến lối sống, đang được đón nhận ở nhiều quốc gia. (Ảnh: Kevin Malik/Cold Tea Collective)
(PLVN) - Từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, xu hướng Tết xanh không chỉ là cách tiết kiệm mà còn là biểu hiện của trách nhiệm với thiên nhiên và thế hệ tương lai. Đây là cơ hội để mỗi quốc gia, mỗi gia đình nhìn lại cách tổ chức Tết của mình và tìm cách cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Nhiệt độ Hà Nội và cả nước hôm nay - 12/1

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, hôm nay, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn chịu tác động của không khí lạnh, trời rét đậm, rét hại; nhiệt độ thấp nhất tại Bắc Bộ có nơi dưới 3 độ C; riêng Hà Nội nhiệt độ thấp nhất 9 độ C.

Kỳ vĩ cảnh băng tuyết phủ trắng đỉnh Lảo Thẩn

Kỳ vĩ cảnh băng tuyết phủ trắng đỉnh Lảo Thẩn
(PLVN) - Đỉnh núi Lảo Thẩn, xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) chiều nay, 11/1, xuất hiện băng tuyết phủ kín núi rừng và cây cỏ, tạo nên cảnh quan kỳ vĩ thu hút sự chú ý của du khách và người yêu thích khám phá...

Nhiệt độ Hà Nội và cả nước hôm nay - 11/1

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày 11/1, miền Bắc trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất có nơi dưới 3 độ C. Nhiệt độ ở Hà Nội dao động trong khoảng 9-18 độ C...

Phân loại rác tại nguồn - 'khó chồng khó' mùa cận Tết

Phân loại rác tại nguồn không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường. (Ảnh: Chinhphu.vn)
(PLVN) - Phân loại rác tại nguồn là yêu cầu bắt buộc từ ngày 1/1/2025 theo Luật Bảo vệ môi trường, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai vẫn còn nhiều trở ngại lớn, đặc biệt khi bước vào dịp lễ hội cận Tết với lượng rác thải tăng đột biến.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2023: Đề xuất tăng đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn

Thu gom vỏ thuốc BVTV tại một cánh đồng ở Long An. (Ảnh: Trần Mừng)
(PLVN) -Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề “Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp”. Báo cáo được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hai năm một lần với từng chủ đề riêng, như môi trường không khí, môi trường nước, chất thải...

Xử lý tận gốc vấn nạn ô nhiễm

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở một số đô thị lớn, từ Hà Nội đến TP HCM, ngày càng nhức nhối trong những năm gần đây. Đã là ô nhiễm, ai cũng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Thời tiết ngày 7/1: Bắc Bộ có sương mù nhẹ, ngày nắng

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai, 7/1, khu vực Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội sáng sớm có sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, trời rét; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông; cảnh báo mưa dông trên biển.

Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero: Hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Net Zero là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều đối tượng và sự quyết tâm của toàn xã hội. Thực hiện thành công Chương trình không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và bảo vệ môi trường trong tương lai…