Ngày 6/5/2021, vụ án đã được TAND huyện Thọ Xuân đưa ra xét xử sơ thẩm án “Tranh chấp hợp đồng giao khoán” giữa ông Đỗ Đình Chương (SN 1973, trú tại xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và bị đơn là UBND xã Xuân Hòa. Tòa án đã tuyên án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông người nông dân thuê khoán đất bãi bồi.
Ông Chương cho hay, ông khởi kiện UBND xã Xuân Hòa ra tòa để đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng giao khoán ngày 09/07/2007 giữa ông Chương và UBND xã Xuân Hòa là vô hiệu và buộc UBND xã Xuân Hòa bồi thường 6,683 tỷ đồng cho ông Chương. Lý do yêu cầu khởi kiện rất rõ là UBND xã đã cho thuê đất để khai thác cát sỏi, canh tác trong thời hạn 20 năm là không đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa ngày 6/5/2021, ông Chương trình bày: Ngày 9/7/2007 ông Chương ký “hợp đồng giao khoán” với UBND xã Xuân Hòa để sử dụng khu vực bãi bồi Hạ Long và Kim Ốc trong thời hạn 20 năm (từ 01/01/2005 đến 31/12/2024).
Trong hợp đồng này, ông Chương nhận khoán khu vực bãi bồi để cải tạo, khai thác và trồng trọt đất tận dụng. Ranh giới giao khoán được xác định là địa phận thôn Hạ Long tính từ ngõ nhà ông Ban trở xuống và địa phận thôn Kim Ốc đến hết thôn giáp Kim Phúc.
Theo đó, UBND xã Xuân Hòa yêu cầu ông Chương “sử dụng đúng mục đích giao khoán (khai thác cát sỏi và trồng trọt các loại cây màu trên diện tích đất tận dụng); nghiêm cấm sử dụng vào diện tích đã được UBND giao khoán cho các hộ khác; không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Hợp đồng giao khoán này thể hiện, ông Chương phải thanh toán cho UBND xã Xuân Hòa 15 triệu đồng và thanh toán lần bằng tiền mặt. Thời hạn thanh toán náy được quy định “sản khoán quy tiền mặt theo giá thời điểm thu và thu một lần với tổng giá trị khoán 20 năm”.
Trách nhiệm của UBND xã Xuân Hòa là giao cụ thể ranh giới, mặt bằng để ông Chương đầu tư vốn cải tạo sản xuất và khai thác; giám sát đôn đốc thực hiện tốt hợp đồng; thanh lý hợp đồng đơn phương khi người nhận khoán làm ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân, ô nhiễm môi trường.
Về phía ông Chương có trách nhiệm nộp đủ tiền một lần theo quy định của địa phương; tự bỏ vốn và lao động để tổ chức sản xuất và khai thác cát sỏi; chịu trách nhiệm an toàn lao động và thiên tai lụt bão; được phép quản lý, khai thác cát sỏi dọc sông Chu thuộc khu vực nhận giao khoán.
Hợp đồng đã ký như vậy và người thuê khoán đã trả tiền một lần cho cả thời gian 20 năm thuê bãi bồi. Song, do quyền lợi không được đảm bảo như nội dung hợp đồng nên ông Chương khởi kiện đối với UBND xã Xuân Hòa.
Tại tòa, hại đại diện của UBND xã là cán bộ địa chính và kế toán trưởng đều thừa nhận hợp đồng giao khoán này là mẫu của UBND và hai người đã được Chủ tịch UBND xã là ông Trịnh Xuân Vệ giao cho việc ký kết hợp đồng này với ông Chương.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa nêu ý kiến tại tòa. Theo đó, UBND xã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và cho rằng hợp đồng năm 2007 của ông Chương đã bị thay thế bởi các hợp đồng giao khoán đất sản xuất nông nghiệp các năm 2010, năm 2015 và năm 2019.
Theo ông Tuấn, Khoản 5 Điều 67 Luật đất đai 2003 thể hiện thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 5 năm. Từ đó, việc UBND xã nhận thấy việc ký kết Hợp đồng giao khoán năm 2007 không đúng thẩm quyền nên năm 2010 đã ký lại hợp đồng với ông Chương.
Về ý kiến này cảu Chủ tịch xã Xuân Hòa, ông Chương cho biết: "Hợp đồng năm 2007 là hợp đồng khác hoàn toàn với hợp đồng giao khoán đất sản xuất nông nghiệp các năm 2010, 2015 và 2019 mà UBND xã đưa ra. Bởi lẽ, đối với hợp đồng năm 2007 ông được khai thác cát sỏi và tận dụng đất trồng hoa màu. Cho tới thời điệm hiện tại thì UBND xã cũng chưa có thanh lý hợp đồng với ông Chương nên hợp đồng năm 2007 theo ông Chương vẫn còn hiệu lực.
Năm 2010, ông Chương ký kết “hợp đồng giao khoán đất sản xuất nông nghiệp” với UBND xã Xuân Hòa với thời hạn 5 năm với diện tích đất nông nghiệp khác với diện tích có trong hợp đồng năm 2007, mục đích giao khoán của hợp đồng này là sản xuất nông nghiệp. Hợp đồng của các năm 2010, 2015 và 2019 cũng có sự thay đổi về diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại tòa, Luật sư Đặng Văn Cường, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chương cho biết, theo điểm b khoản Điều 56 Luật khoáng sản năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2005 (Luật có hiệu lực thời điểm ký kết Hợp đồng giao khoán) thì UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cho phép cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản.
Do đó, Hợp đồng năm 2007 là vi phạm quy định về thẩm quyền cho phép khai thác cát sỏi nên hợp đồng này vô hiệu do nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015).
Đối chiếu quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, trong vụ việc này, việc xác định lỗi là do UBND xã Xuân Hòa vượt quá thẩm quyền khi cho phép cá nhân khai thác cát sỏi, dẫn đến việc ông Chương đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng để thực hiện nội dung theo Hợp đồng giao khoán. Do đó đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình ông Chương nên ông Chương khởi kiện tuyên hợp đồng vô hiệu là đúng theo quy định của pháp luật, việc đề nghị bồi thường thiệt hại của ông Chương là có cơ sở.
Tuy nhiên, TAND huyện Thọ Xuân đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Chương khiến cho nguyên đơn tiếp tục phải theo kiện tại TAND tỉnh Thanh Hóa.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu