Dư luận đang hết sức quan tâm, chờ đợi sự quyết tâm xử lý triệt để của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động băm dăm trái pháp luật này, đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi để xẩy ra tình trạng sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép tràn lan trên địa bàn gây bức xúc trong dư luận.
Có xử lý triệt để, trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 10/5, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ngày 11/5 UBND tỉnh sẽ họp bàn về vấn đề xử lý gỗ dăm không phép, trái phép xẩy ra trên địa bàn tỉnh như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Được biết ông Nguyễn Đức Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ trì họp cùng lãnh đạo các sở: Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các huyện, BQL khu kinh tế Nghi Sơn để bàn thảo về thực trạng và phương pháp xử lý các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép đã đang gây nhức nhối trên địa bàn tỉnh. Quan điểm là xử lý kiên quyết, dứt điểm theo đúng tinh thần pháp luật, công khai minh bạch đối với vấn đề này
Trả lời câu hỏi về việc trách nhiệm thuộc về ai khi tình trạng các xưởng sản xuất gỗ dăm hoạt động trái pháp luật liên tục được xây dựng và hoạt động trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định là trách nhiệm trước tiền thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn. Như việc để xẩy ra tình trạng sản xuất gỗ dăm trái phép, không phép trong khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, trách nhiệm trước tiên thuộc UBND huyện Tĩnh Gia là đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 10/5, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Tuấn Anh- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa là đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kiểm tra, báo cáo, đề xuất xử lý nạn gộ dăm không phép, trái phép cho rằng kết quả kiểm tra Sở KH&ĐT đã hoàn tất và sẽ báo cáo đầy đủ lãnh đạo UBND tỉnh vào buổi họp sáng ngày 11/5. Vị Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thanh Hóa thừa nhận nạn tồn tại các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép như hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang để lại nhiều vấn đề nhức nhối, hệ lụy.
Về vấn đề tại sao trong báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở KH&ĐT không đề xuất việc xem xét trách nhiệm đối với UBND huyện Tĩnh Gia, BQL khu kinh tế Nghi Sơn khi để tình trạng băm dăm không phép, trái phép xẩy ra tràn lan trên địa bàn, ông Hoàng Tuấn Anh- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng đơn vị chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, báo cáo lại UBND tỉnh, xử lý như thế nào lãnh đạo UBND tỉnh sẽ quyết, mọi việc sẽ được đưa ra ở hội thảo về việc này vào sáng 11/5 ở cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì.
Bên trong mỏ đá Trường Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) là một cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép vừa được xây dựng và đi vào sản xuất. |
Cũng vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ngày 10/5 trao đổi với phóng viên và cho rằng việc xử lý, cưỡng chế các cơ sở vi phạm cần được xem xét, xem vi phạm đến đâu, như thế nào để xử lý. Hiện tại chưa có phương án cưỡng chế đối với các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép, hoạt động trái pháp luật. Trước đó, như đã thông tin, khi được hỏi về trách nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia gây nghi ngờ trong dư luận khi cho rằng: “Cái đó đi mà hỏi BQL khu kinh tế, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân”.
Huyện Tĩnh Gia vẫn im lặng?
Trong khi một loạt các nhà máy sản xuất gỗ dăm không phép, trái pháp luật mọc như “nấm” tại huyện Tĩnh Gia và ngay cả trong khu kinh tế Nghi Sơn và nhiều huyện khác của tỉnh Thanh Hóa đã được Sở KH&ĐT Thanh Hóa chỉ mặt, điểm tên chưa được cưỡng chế xử lý và vẫn đang hoạt động công khai, khi cơ quan hữu trách tại tỉnh Thanh Hóa vẫn đùn đẩy trách nhiệm, thì tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia vẫn tiếp tục “mọc thêm” cơ sở băm dăm không phép như là một sự thách thức pháp luật, thách thức năng lực quản lý của chính quyền dịa phương ở đây.
Chiều ngày 10/5 phóng viên đã vào trong khu vực mỏ đá Trường Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) của Cty cổ phần 471 và ghi nhận bên trong mỏ đá này có một cơ sở băm dăm không phép vừa xây dựng, lắp đặt dây chuyền xong và đã hoạt động băm dăm. Khi thấy xe chúng tôi vào trong mỏ đá, đến gần khu vực xưởng băm dăm không phép, những người ở xưởng đổ dồn những cái nhìn nảy lửa, đầy đề phòng với chúng tôi.
Chiều cùng ngày, làm việc với phóng viên ông Đỗ Thế Thống- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) thừa nhận với phóng viên đó là cơ sở băm dăm không phép của ông Trương Thế Chất (người xã Trường Lâm). Theo ông Thống thì cuối tháng 4, UBND xã đã phát hiện sự việc này và thành lập tổ công tác đến kiểm tra, yêu cầu đình chỉ xây dựng và xử phạt hành chính, thẩm quyền xử phạt của xã chỉ đến mức 5 triệu đồng.
“Chúng tôi đang bận chuẩn bị cho công tác bầu cử nên không biết là họ đã hoàn thiện và đi vào sản xuất”- ông Đỗ Thế Thống- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm (Tĩnh Gia) nói. Theo ông Thống thì UBND xã đã có báo cáo vụ việc này với UBND huyện Tĩnh Gia. “Tôi đã điện thoại báo cáo vụ việc cho anh Hồ Đình Tùng”- Phó Chủ tịch UBND huyện về việc này”- ông Thống nói.
Tuy nhiên theo ông Thống thì đến nay chưa nhận được chỉ đạo của UBND huyện Tĩnh Gia về xử lý xưởng gỗ dăm trái phép này. Ông Thống thông tin rằng cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép trên thuê đất của mỏ đá Trường Lâm và một hộ dân tên là Quang để làm xưởng. “Ông Quang là người được UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất để phục vụ mục đích sản xuất chăn nuôi, nay cho thuê lại, sử dụng sai mục đích nếu không khắc phục chúng tôi sẽ thu hồi. Chúng tôi có thể đề nghị với mỏ đá Trường Lâm hoặc đơn vị ga tàu hỏa là những đơn vị có thể đã cấp điện để cơ sở này sản xuát dừng việc cấp điện cho hoạt động vi phạm pháp luật này”- Chủ tịch UBND xã Trường Lâm khẳng định.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết là trách nhiệm của địa phương là đã để tự phát là đã vi phạm quy hoạch chế biến gỗ số 2728 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 31/10/2012. Trước tiên trách nhiệm thuộc UBND cấp huyện và các sở ban ngành và UBND tỉnh. Bộ NN&PTNT không phải cái gì cũng xử lý được Bộ chỉ có hướng dẫn, phê duyệt quy hoạch đó. UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, còn UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Còn các xưởng gỗ dăm, nếu vi phạm về mặt chế biến gỗ thì phải xử lý theo luật, tùy theo mức độ, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng./.