Có hay không việc “Cầm đèn chạy trước ô tô”
Trong đơn thư kêu cứu khẩn cấp, ông Chu Quang Đại (SN 1967, thôn Mộc Hoàn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) nêu rõ, gia đình chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn. Tôi đã khai hoang phục hóa đất ở cầu vượt Phương Bản xây dựng nhà cấp 4 để ở và thờ cúng Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng và 2 Liệt sỹ được 8 năm. Ngoài ra, ở đây có hơn 20 hộ đã xây dựng nhà sinh sống lâu năm, các hộ đều san lấp xây nhà để ở và trồng hoa màu, chăn nuôi con lợn, gà…
“Việc UBND huyện, UBND xã ra quyết định cưỡng chế. Đặc biệt, việc cắt điện, không có nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, gây thiệt hại đáng kể. Nhất là, nhiều gia đình thuộc diện chính sách, có trẻ nhỏ 2 tháng tuổi thì thật bất công. Điều này đi ngược lại hoàn toàn so với chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khiến chúng tôi rất bức xúc”. - ông Đại cho biết thêm.
Cũng theo ông Đại cho biết, tất cả các hộ gia đình đang sinh sống, sản xuất yên ổn, bỗng dưng nhận được thông báo số 02 ngày 11/1/2016 của UBND xã An Thượng về việc vi phạm xây dựng.
Người dân bức xúc phản ánh việc cắt điện - Ảnh: Xuân Hồng |
Thấy thông báo này không hợp lý, người dân đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng kêu cứu, phản ánh việc diện tích đất các hộ dân đang sinh sống không nằm trong diện tích đường gom, không vi phạm xây dựng tại khu vực này.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 669/UBND-TTXD chuyển đơn đến UBND TP. Hà Nội để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo đó, văn phòng UBND TP.Hà Nội có văn bản số 1102/VP-XDGT nêu rõ ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì phối hợp với UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị liên quan giải quyết theo quy định và có văn bản trả lời các hộ dân.
Trên cơ sở đó, ngày 7/3 Ban quản lý Dự án giao thông 3 (Sở GTVT Hà Nội) cùng các đơn vị Ban QL Dự án ĐTXD mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã An Thượng, Công ty CP Quản lý&Đầu tư xây dựng đường bộ Hà Nội, cùng một số hộ dân đã có buổi kiểm tra thực tế tại hiện trường nhằm xác định kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực đường gom.
Tuy nhiên, khi các hộ dân chưa nhận được kết luận thông báo của tổ công tác thì ngày 16/3, ông Nguyễn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ký văn bản số 960/UBND-TTXD gửi Công ty Điện lực Hoài Đức yêu cầu ngừng cấp điện các hộ tại đây. Ngày 14/1, ông Nguyễn Chí Lương – Chủ tịch UBND xã An Thượng đã ký quyết định 16/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, buộc ông Đại cùng các hộ dân phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.
Trao đổi với PV, đại diện các hộ dân cho rằng, người dân luôn chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước. “Việc UBND huyện, UBND xã ra quyết định cưỡng chế. Đặc biệt, việc cắt điện, không có nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, gây thiệt hại đáng kể. Nhất là, nhiều gia đình thuộc diện chính sách, có trẻ nhỏ thì thật bất công. Điều này đi ngược lại hoàn toàn so với chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khiến chúng tôi rất bức xúc”, ông Đại nói.
Cần làm rõ những bất cập
Ngày 5/5, trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Chí Lương – Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã An Thượng, cho biết: “Phần diện tích gầm cầu Phương Bản (từ Km 13 đến Km 13+500) là nguồn gốc đất nông nghiệp đã được thu hồi giao cho Nhà nước quản lý. Trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và C.ty Cổ phần Giao thông HN, Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng Hòa Lạc, bây giờ giao cho đơn vị nào quản lý thì chúng tôi không rõ(!?). Nay đường làm xong sử dụng phần diện tích đất còn lại như thế nào UBND TP. Hà Nội cần cho ý kiến để giải quyết”.
Đánh giá về việc bất cập trong công tác quản lý đất đai tại cầu Phương Bản, ông Lương nói: “Tính chất sự việc là phức tạp, chúng tôi nhiều lần kiểm tra phát hiện sai phạm. Nhưng để giải quyết không thể vội vàng, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền xã buông lỏng quản lý “đất vàng” sau khi làm đường, xã “cầm đèn chạy trước ô tô”. Trên thực tế, theo đúng văn bản chỉ đạo 1102/VP-XDGT, thì UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội, không giao đất cho chúng tôi, chúng tôi chỉ phối kết hợp chứ không quản lý. Để xảy ra sai phạm thì phải xử lý Sở GTVT Hà Nội và Ban quản lý dự án chứ không phải chúng tôi”.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng - Ảnh: Xuân Hồng. |
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về việc, UBND huyện Hoài Đức ra văn bản 960/UBND-TTXD yêu cầu Công ty Điện lực cắt điện của các hộ dân gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất thì đúng hay sai?, ông Lương cho biết: “Tôi có ra văn bản đâu mà biết! cái này tôi không bình luận!”.
Cùng ngày, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, người trực tiếp ký văn bản 960/UBND-TTXD yêu cầu Công ty Điện lực Hoài Đức cắt điện hộ dân để làm rõ sự việc thì ông Anh lấy lý do bận và giao cho đồng chí Đội trưởng Đội Thanh tra huyện trả lời, cung cấp tài liệu liên quan cho phóng viên. Tuy nhiên, đồng chí này cũng từ chối làm việc và yêu cầu phóng viên để lại Giấy giới thiệu sẽ phản hồi sau.
Trước những bức xúc của người dân, thiết nghĩ UBND TP. Hà Nội cần sớm làm rõ những bất cập về công tác quản lý đất đai tại xã An Thượng, xử lý nghiêm những sai phạm nếu có, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, không để nơi đây trở thành một điểm nóng về đất đai, mất an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội.