Mùa hè năm nay do dịch bệnh, hai con chị Phương hầu như ở trong nhà. Không ăn, ngủ thì xem phim, cũng hạn chế ra đường chơi với các bạn. Nhà hàng xóm bên trái, hai vợ chồng kinh doanh nên tiếp xúc nhiều người, chị Phương không dám cho con mình sang chơi… Nhà hàng bên phải thì có con chó dữ, mấy hôm nay báo chí viết nhiều về chuyện chó dữ cắn chết người.
Mối nguy đến với trẻ không chỉ đến từ dịch bệnh. Gần đây liên tục có những vụ án trẻ em bị xâm hại tình dục, nhiều tai nạn thương tâm cho trẻ, như uống phải thuốc trừ sâu, chất độc, bị va chạm bởi dị vật, hay rơi xuống từ những tòa nhà cao tầng...
Mối đe dọa không chỉ đến từ những tai nạn gây đau đớn cho thể xác. Mạng xã hội, một thú giải trí yêu thích của trẻ em thời đại số cũng tiềm ẩn những mối nguy tiêm nhiễm cho trẻ mầm mống độc hại, gây lệch lạc nhận thức, “méo mó” nhân cách. Những kênh video đồi trụy, kinh dị, những game thiếu nhi “xúi bẩy” trẻ tự hủy hoại thân thể, hay dạy trẻ những trò chơi ngông cuồng, ngược đãi động vật nhan nhản trên mạng xã hội.
Không thể để con vùi mình vào màn hình tivi, con vật vờ, ủ ê suốt ngày, chị Phương đành bàn với chồng xin nghỉ, ở nhà chơi với con, dạy con, hướng dẫn các con chơi với nhau. Dù việc mẹ nghỉ ở nhà chơi cùng không thể thay thế việc ra ngoài sinh hoạt hè như mọi năm nhưng cũng hạn chế được phần nào sự tiêu cực tác động lên tinh thần các con.
Có thể thấy qua câu chuyện của chị Phương, việc cha mẹ tự “vẽ” vùng an toàn cho các con rất quan trọng. Cha mẹ không thể tránh trách nhiệm khi để con mê đắm vào các kênh mạng xã hội độc hại, thần tượng những đối tượng “không ra gì”, vấp phải những tai nạn đáng tiếc... Chính sự lơ là, chủ quan, thiếu quan sát, thiếu theo sát con của một số bậc phụ huynh đã đẩy trẻ ra khỏi vòng an toàn của gia đình, lâm vào nhiều mối nguy trong xã hội.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Nga, vòng tròn an toàn cần được cha mẹ thiết lập cho con ngay từ khi con mới chào đời. Đó là những “quy tắc” trong gia đình khi luôn phải có một trong các thành viên trong gia đình để mắt đến đứa trẻ.
“Vùng an toàn còn mở rộng đến mạng xã hội, nếu cha mẹ đủ tỉ mỉ để theo dõi mọi kênh trên mạng xã hội mà con trẻ đang xem, đừng chủ quan vì “đó là kênh thiếu nhi” nên bỏ qua. Và để vùng an toàn trở nên chủ động hơn, không gây quá nhiều áp lực cho cha mẹ thì cần đến những cuộc chuyện trò.
Thường xuyên nói với con, khuyên nhủ và hướng dẫn con những giới hạn an toàn, cái nào nên làm và cái nào không. Những lời trò chuyện thủ thỉ đi kèm với lối sống chuẩn của cha mẹ sẽ thấm sâu vào nhận thức của trẻ, khiến trẻ cũng tự thiết lập vùng an toàn cho chính mình”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh.