Theo báo cáo, tổng thể dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc chia thành 3 loại hình gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng (gồm các dự án thành phần: Đường Bắc Sơn kéo dài, Đường trục nối ĐT 261 đến khu vực Đền Gàn, Hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ);
Dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách (gồm các dự án thành phần Khu du lịch Hồ Núi Cốc) do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Một phần dự án là đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước là Dự án Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.
Tại buổi làm việc, doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, đại diện các sở, ngành, địa phương đã báo cáo nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Cụ thể, đối với Dự án Đường Bắc Sơn kéo dài, dài 9,5km: Hiện đơn vị thi công đã đắp nền được 6,3km, dự kiến sẽ hoàn thành mặt đường trong tháng 9/2019. Tuy nhiên, một số vị trí chưa giải phóng được mặt bằng do một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường.
Đối với Dự án cổng vào Khu Du lịch đã hoàn thành kết cấu, tuy nhiên báo cáo cho biết đang chậm tiến độ so với kế hoạch.
Đối với Dự án xây dựng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Đền Gàn) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần; hiện UBND huyện Đại Từ đã bàn giao mặt bằng 7,95 ha; phần diện tích còn lại thuộc địa bàn huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên đã có quyết định thu hồi đất.
Đối với Dự án Đường nối từ đường tỉnh ĐT 261 đến Đền Gàn, chiều dài 4,2 km hiện đã hoàn thiện phần nền đường.
Đối với các dự án tuyến đường ven Hồ Núi Cốc, doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị UBND tỉnh sớm giao các ngành liên quan xác định cốt nước hồ để có căn cứ thiết kế cốt công trình giao thông quanh hồ.
Riêng Dự án Khu dịch vụ đón tiếp, Khu dịch vụ du lịch và Khu làng văn hóa các dân tộc với quy mô quy hoạch trên 1.300 ha, do dự án có quy mô diện tích đất lớn, trong đó có đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhà đầu tư cho biết đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát vị trí ranh giới cụ thể và đề xuất, báo cáo cụ thể với UBND tỉnh trong thời gian tới...
Phát biểu kết luận, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp Xuân Trường cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo cam kết tại buổi làm việc.
Đối với Dự án xây dựng Cổng Tam quan vào Khu du lịch, đây là công trình có kiến trúc độc đáo, là biểu tượng của mảnh đất xứ trà Thái Nguyên, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND Thành phố Thái Nguyên giữ mối liên hệ để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành trước ngày 30/8/2019.
Đối với Dự án Đường Bắc Sơn kéo dài, giao thành phố Thái Nguyên giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác GPMB phục vụ dự án, bàn giao diện tích đất còn lại cho nhà đầu tư triển khai dự án trong tháng 6/2019.
Còn đối với Dự án Đường ven hồ, Chủ tịch tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ động tham vấn các cơ quan có thẩm quyền để tham mưu UBND tỉnh xem xét đưa ra cơ chế, hình thức đầu tư và triển khai các dự án theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các hạng mục cần điều chỉnh thiết kế, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Liên quan đến “siêu” dự án Hồ Núi Cốc nói trên của “đại gia” Xuân Trường, hồi tháng 3/2018 có nhiều luồng thông tin cho rằng đại dự án này đang dừng thi công. Tuy nhiên, ngay sau đó lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã bác bỏ thông tin này.
Được biết, tỷ phú Xuân Trường – chủ đầu tư dự án tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình.
Không chỉ dự án Hồ Núi Cốc, nhiều dự án tâm linh của tỷ phú Xuân Trường làm chủ đầu tư đã, đang và có kế hoạch xây dựng đều có số vốn đầu tư rất lớn dao động từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng, chiếm diện tích đất mỗi dự án hàng nghìn ha như Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc…
Mới đây doanh nghiệp này còn gây xôn xao với đề xuất xây dựng siêu dự án tâm linh Chùa Hương với số vốn nhiều nghìn tỷ đồng.