Sản phẩm Tết của phụ nữ vào mùa
Những ngày này, hễ xem thời tiết báo có nắng là 3 giờ sáng vợ chồng chị Lê Thị Thu (ngụ thôn Trung Hậu, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã dậy để xay bột, tráng bánh tráng. Nằm trong số khoảng 30 phụ nữ đang làm nghề tráng bánh tráng ở xã, mỗi năm Tết đến làm gấp đôi, nghề giúp gia đình chị Thu có thêm khoản ổn định để sắm sửa tươm tất hơn.
“Quanh năm chịu khó làm tại nhà mấy tiếng đầu giờ sáng xem như kiếm tiền chợ hàng ngày cùng với nguồn từ nghề nông. Trung bình, tôi tráng 10kg gạo/ngày, riêng cuối mùa hè thì tráng nhiều hơn để dự trữ bán Tết. Nếu thời tiết thuận lợi, mùa tháng Chạp, tôi tráng gấp 2 đến 3 lần. Bánh tráng gạo nhúng giòn Phù Mỹ ngày càng được ưa chuộng, dân làm nghề phấn khởi, vất vả không là gì khi bánh làm ra bán chạy”, chị Thu cho biết.
Ở thôn An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) có 2 chị em gái ruột là bà Thái Ủy Cúc (70 tuổi) và bà Thái Ủy Hoa (59 tuổi) bao năm qua miệt mài giữ nghề làm bánh Tết của gia đình. Đây là mùa xuân đầu tiên chị em bà Cúc làm bánh vắng bóng mẹ.
Chị Thu bên lò tráng bánh tại nhà. |
Người mẹ của chị em bà Cúc là cụ Trần Thoại Anh - một trong những người thâm niên lâu nhất trong nghề làm bánh thủ công truyền thống ở xã Nhơn Phúc mới qua đời cách đây hơn 100 ngày, thọ 92 tuổi. Mới Tết năm ngoái, cụ vẫn còn phụ hai con gái làm bánh cho vui.
Không còn “thợ cả”, hai người con gái tuổi đã cao vẫn quyết tâm Tết này không để tiệm bánh nổi tiếng trên đường An Thái 6 của gia đình mình giảm hàng giảm khách. Hiện bên cạnh làm ba mặt hàng bánh bán hàng ngày là bánh ít lá gai, bánh in và bánh lon (lớp ngoài là bột nếp có đường, trong nhân đậu đen, cho vào khuôn hấp nên có tên là bánh lon), chị em bà Cúc còn làm các loại bánh, mứt Tết truyền thống như: xôi đen, mứt các loại đậu, hạt sen...
Chị Vũ cùng chồng chăm sóc vườn hoa chuẩn bị cho vụ Tết. |
“Mấy hôm nay, chúng tôi phải phải tăng cường thêm hai người nhà để làm các loại bánh. Đa số khách quen ở địa phương nên họ muốn bánh làm những ngày gần Tết cho mới và ngon. Do vậy nên những ngày này không khí làm bánh tất bật, vui tươi lắm. Ngày xưa, một mình mẹ tôi làm nuôi năm đứa con khôn lớn, nay nghề đã tới thế hệ thứ ba. Qua bao mùa xuân, hương vị các món bánh không thay đổi nhiều, cả nhà vừa làm vừa hồi ức chuyện gia đình ngày trước, kể chuyện nhà hôm nay, thấy Tết như gần, ấm cúng hơn”, bà Cúc tâm sự.
Xã Nhơn Phúc có hai làng nghề thủ công truyền thống (làng bún, bánh An Thái và làng bánh tráng Mỹ Thạnh) đều làm những sản phẩm được tiêu thụ mạnh ngày Tết nên mỗi năm xuân về lại hối hả không khí lao động, tấp nập cảnh bán mua. Bãi cát ven sông Côn - sân phơi mênh mông lý tưởng bao đời nay của các hộ làm bánh tráng, các loại bún (trứ danh là bún Song Thằn), tất bật cảnh phơi phóng, vận chuyển sản phẩm của nhiều gia đình.
Trao yêu thương, gói ước vọng
Cách nhà vài đám ruộng, khoảnh đất đồi chuyên trồng hoa của vợ chồng chị Trần Thị Anh Vũ và anh Đỗ Kim Toại (ngụ thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) bừng lên sắc vàng của hoa cúc. Cạnh đó, lay ơn cũng mướt xanh, tràn đầy sức sống. Khoảng hơn tuần nay, vợ chồng chị cũng bán dần hoa cúc cho khách có nhu cầu.
Chị Vũ xác nhận, mỗi năm, tại vườn rộng chỉ 400m2, vợ chồng chị chuyên trồng lay ơn vàng và cúc bán Tết. Sau 2,5 tháng, các loại hoa này cho thu nhập hơn hẳn so với trồng hoa màu, kiệu hay laghim trước đó. Khi bán, chị có bạn hàng quen mang xe tới tận nhà mua sỉ nên càng thuận tiện.
“Mảnh đất này là nhỏ nhất trong số đất, ruộng vợ chồng tôi đang canh tác nhưng mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Ngoài trồng hết diện tích để bán Tết, quanh năm vợ chồng tôi còn trồng vạn thọ, cúc cắm bình để bán dịp rằm, mồng một. Mỗi năm, nhờ vụ hoa Tết mà gia đình có nguồn thu kha khá để no ấm đón năm mới”, chị Vũ chia sẻ.
Cũng bận rộn, tỉ mỉ chăm sóc hơn 1000 chậu vạn thọ cùng lay ơn, thạch thảo trong vườn nhà, vợ chồng chị Lê Thị Vinh và anh Đỗ Kim Tiền (ngụ thôn Trà Lương) bảo chỉ thấy thú chứ không mệt. “Đã là nông dân là song hành với vất vả nhưng trồng hoa có cái thú không gì bằng là được tiếp xúc với cái đẹp, cũng lao động nhưng thư thái tinh thần”, anh Tiền lý giải.
Bà Hương với các sản phẩm mang nhãn hiệu mình gầy dựng. |
Chị Vinh tiếp lời chồng: “Quả thật, từ khi chuyển sang trồng hoa năm năm nay, nhất là chọn thế mạnh trồng chủ yếu hoa vạn thọ tuy mức giá thấp, có chừng nhưng “an toàn”. Tết đến, vợ chồng tôi đã bớt nỗi lo, nhất là khoản tiền chuẩn bị để hai chị em Hội, Hòa trở lại trường sau Tết. Nay hai đứa lớn đã ra trường đi làm, tự lập và còn đỡ đần cha mẹ lo hai em ăn học được phần nào. Chúng tôi chỉ cầu sức khỏe, bình an, cuộc sống gia đình chắc chắn ngày thêm sáng tươi, mỗi năm xuân về Tết đến lại vui hơn”.
Bước vào vụ Tết, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ bún, bánh làng nghề truyền thống An Phong (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) càng thêm phấn khởi khi tháng 8/2020, sản phẩm của cơ sở Cô Phương thuộc tổ đạt chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP.
Bà Hà Thị Hương (chủ cơ sở Cô Phương) cho biết, từ khích lệ đạt chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP cộng với kinh nghiệm những mùa Tết gần đây sản phẩm không đủ bán, hai hộ trong tổ đã đầu tư máy móc để sản xuất hiệu quả hơn. Thời điểm này, những mặt hàng, gồm: bánh tráng gạo, bánh tráng mì, bún gạo, bún số 8, hủ tiếu, phở khô đều “cháy” hàng.
“Hưởng ứng việc sản xuất hạn chế sử dụng bì nilông, góp phần bảo vệ môi trường, năm nay cơ sở cho ra mắt bao bì đóng gói bằng túi giấy, hộp giấy với hầu hết sản phẩm (trừ bánh tráng), thích hợp cho việc làm quà Tết và được người mua đón nhận”, bà Hương cho biết.
Ở tuổi trung niên, một mình tái khởi nghiệp (năm 2018) khi chồng đã qua đời, con cái không theo nghề, bằng cách dựa trên cơ sở thế mạnh địa phương, đầu tư mở rộng nghề truyền thống, bà Hương đã gặt hái “quả ngọt”.
Bà khẳng định, một phần lớn là nhờ định hướng, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan giúp bà mạnh dạn chọn hướng đi bài bản, bền vững, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu riêng, đầu tư tham gia sản phẩm OCOP, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nỗ lực quảng bá sản phẩm…
“Trong mùa vui, ấm áp như Tết mà thấy thực phẩm bình dân, truyền thống của địa phương được ưa chuộng, ngoài niềm phấn khởi, người dân làng nghề chúng tôi càng ý thức về trách nhiệm giữ gìn, phát huy chất lượng sản phẩm”, bà Hương trải lòng.
Chị Phạm Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Ngô Mây, cho biết: “Cuối năm 2020, bà Hương đã xây mới căn nhà riêng cho mình khá khang trang hết 500 triệu đồng để rộng rãi hơn cho việc sản xuất, chứa bún, bánh. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ ra riêng cho vợ chồng con gái, lên kế hoạch đầu tư máy móc phát triển nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong vùng”.