Muốn đi vì chán Tết
Chỉ với yêu cầu: hãy liệt kê những lý do mà bạn thích hoặc không thích Tết, đội điều tra xã hội học của ĐH KHXH&NV đã thu hoạch ngoài ý muốn vì những danh sách “chán” dài dặc, thậm chí chiếm đa số.
Có người vì chứng kiến thế hệ bà và mẹ mình “sụt mấy cân thịt” để lo cỗ bàn, chúc tụng mà phản cảm với Tết. Có người chán vì cung cách đón Tết kiểu cũ với những lễ nghi phức tạp và không mấy thoải mái đã khiến cho “Tết cũ” mất dần hương vị quyến rũ. Cộng vào đó, tình hình các bến xe “thất thủ” kéo dài vào dịp nghỉ Tết khiến cho niềm vui về quê biến hẳn thành ác mộng.
Cộng đồng FA (độc thân) còn sợ Tết hơn. Vì đi đâu họ cũng phải trả lời một câu hỏi lặp đi lặp lại: “có người yêu chưa, bao giờ cưới? Đừng kén quá lại kẹn hom” v.v… Phạm Quỳnh Anh (32 tuổi, Công ty Coca-cola Việt Nam, nổi tiếng trong cộng đồng phượt) kể, ba năm liên tiếp cô phải trốn sang nước ngoài để chối bỏ những câu nói dối kiểu như: sang năm cưới, sắp có người yêu… Trước và sau Quỳnh Anh từng có rất nhiều nhóm FA chỉ tụ nhau vào dịp Tết để lên kế hoạch đi… lánh đời. Hầu bao rủng rỉnh thì ra nước ngoài. Tiền lương vừa phải cũng có thể phượt trong nước hoặc loanh quanh khu vực Đông Nam Á. Có người tổng kết: thời đại vé máy bay rẻ hơn vé tàu, khách sạn chỉ thu phí bảo dưỡng mà không đi du lịch thì quá phí đời!
Với những người bận rộn và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, dịp nghỉ Tết kéo dài cũng là lý do để họ xách va li đi tận hưởng cuộc sống, nhân tiện trốn tránh những thăm hỏi ồn ào với “toàn những cỗ bàn độc hại”.
Trong hầu hết những trường hợp ấy, một mình một ba lô hoặc là cùng với một nhóm chiến hữu, đi trải nghiệm một vùng đất mới là lựa chọn nhiều thú vị hơn hẳn ở nhà đối mặt với… Tết. Năm ngoái, từng có một cô dâu mới, vì quá mệt mỏi với Tết quê “làm cỗ và tiếp khách từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối” đã nhất quyết chọn đi du lịch với lý do “công việc đột xuất”. Câu chuyện của cô dâu đã “xúi giục” không ít bà nội trợ muốn “đình công” vào dịp Tết. Một trang web của các mẹ bỉm sữa năm ngoái thông báo, số đại lý vé máy bay đăng ký bán trực tuyến và tour Tết đột ngột tăng gấp ba mà mọi người vẫn phải xếp hàng chờ.
Lựa chọn ích kỷ?
Cùng với sự khuếch trương rộng rãi cho xu hướng “Tết đi”, những ý kiến trái chiều bắt đầu làm hoang mang cộng đồng mạng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Ngày Tết mà bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu”. Vô số người trẻ thuộc đội đi đã mở màn cuộc phản pháo kéo dài hàng tháng trời để phản bác quan điểm của Trần Đăng Khoa. Các ý kiến tập trung rằng việc đi trốn Tết chẳng có gì sai cả, lựa chọn này không đồng nghĩa với bất hiếu, rằng ý kiến trên là phiến diện và có phần quy chụp khi lôi tình cảm gia đình ra để nói trong trường hợp này.
“Phe Trần Đăng Khoa” dẫn câu nói ngắn gọn của Nguyễn Diệp Linh: “Không hiểu các bạn phân bua cái gì, một năm có hẳn 358 ngày để đi chơi trừ 7 ngày Tết ra” để đáp lại những ý kiến “thích là nhích”.
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch phản đối đội đi khá quyết liệt: “Thế hệ trẻ, tạm gọi là thế hệ “thiên niên kỷ” đại diện cho thế hệ dịch chuyển, thế hệ hội nhập toàn cầu, nơi chúng ta xoá nhoà ranh giới quốc gia, trở thành công dân của thế giới ảo và phẳng.
Tôn chỉ của thế giới đó là trải nghiệm và đam mê, chia sẻ về những cung đường lạ, chia sẻ về những điểm đến tuyệt vời, khuyến khích người ta xách balo lên và đi, nhưng để đi, người trẻ chỉ biết cắm đầu về phía trước mà không hề nhận ra bản thân đã qua rất nhiều giá trị khác của cuộc đời. Những chuyến đi, tôi gọi là vị kỷ”.
Để nhấn mạnh, Nguyễn Ngọc Thạch còn viện dẫn những ví dụ “phượt xấu xí” khi người ta muốn đi bằng mọi giá: “Trên những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch đó đây, dạng bài viết đi nước này nước nọ với số tiền ít ỏi luôn được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất. Mặt tích cực của điều này, cho thấy việc khát khao được đi của một bộ phận giới trẻ, nhưng tiêu cực lại là khi văn hoá lùn được phô bày nơi xứ người.
Thói manh mún, gian ngoa của người Việt được đem giới thiệu khắp nơi mà người bày ra lại vỗ ngực tự hào, vui vẻ rằng đó là trí khôn của ta đây. Những chuyện đi lén tàu điện, cách trốn vé qua cổng khu tham quan, cách lấy đồ dùng leo núi của cửa hàng dùng xong rồi đem trả hoàn tiền để gọi là tiết kiệm chi phí, được rỉ tai nhau, được truyền đi như một thứ dịch bệnh của lối tư duy bần cùng, manh mún.
Hay gần đây, có tranh cãi về chuyến đi năm nước với số tiền chưa đầy bảy triệu bạc. Lí lẽ biện minh cho việc này là mục đích của mỗi người mỗi khác. Ừ thì đúng là nên tôn trọng quyền được đi của mỗi người, nhưng đi sang nước người ta, ăn bờ ngủ bụi, tuyệt nhiên đầu óc chỉ chăm chăm đến việc làm sao để đừng tốn tiền, không thấy nhắc đến một kỷ niệm, một trải nghiệm gì về văn hoá, về con người.
Chuyến đi như vậy, là lời xúc phạm dành cho nền văn hoá của một quốc gia bạn ghé thăm.
Không đủ tiền cho chi phí cơ bản, đừng đi, vì đất nước người ta đủ ăn mày rồi, không cần mình qua góp mặt đâu”.
Tết về nhà
Cuối năm nay, từ khóa áp đảo của các công dân toàn cầu lại là “đội về”.
Các ý kiến ủng hộ Tết đoàn viên từ người nổi tiếng đến dân thường đều được share tơi tới. Nhiều người tỉnh táo phân tích đây chẳng qua chỉ là chiến dịch của một hãng giầy. Để vận động cho chiến dịch này, họ sáng tạo cả slogan và MV hướng đến đối tượng dịch chuyển đích là những người trẻ.
Song, vượt qua các chiến dịch truyền thông, “đội về” có những lý do cho lựa chọn của mình.
Phượt Tết một mình đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người trẻ.
Nguyễn Quỳnh Hương chia sẻ: “Tết năm nào em cũng đi chơi, có khi đi du lịch, nhưng mà phải sau 3 ngày Tết. Em tâm niệm: giờ khắc giao thừa là dành cho gia đình, ngày Tết là của gia đình. Hơn 20 năm nay em vẫn ghi nhớ và thực hiện điều đó”.
Nick Nya Phan cảm nhận: “Chỉ có những người xa quê, năm về nhà đếm được trên đầu ngón tay mới trân quý giây phút thiêng liêng bên gia đình người thân trong những ngày Tết. Vác balo lên đường đâu phải hay ho như những gì người ta phô bày, khoảnh khắc giao thừa bạn sẽ thấm cái cảnh bơ vơ nơi đất khách. Đừng tưởng bở”!
Nhà văn Phan Ý Yên cũng chọn “đội về” vì: Chúng ta vốn dĩ vẫn luôn là những đứa trẻ chẳng thể nào trưởng thành. Luôn cố tìm cách để tự do. Để ra đi. Để cho mình cái quyền được ích kỷ dựa trên tình cảm vô bờ bến của gia đình. Chúng ta cứ mải miết bận rộn, viện cớ bận rộn để ra đi. Vì chúng ta biết, cho dù thế nào vẫn luôn có người chờ đợi và tha thứ, bao dung cho chúng ta vô điều kiện. Chỉ là chúng ta quên mất, những người đó, họ chẳng thể nào mãi mãi ở bên cạnh mà thôi. Và rồi, tôi hay bạn sẽ đến lúc chẳng thể ngăn mình thốt lên hai chữ “giá mà”!
Tôi không phản đối việc người trẻ xách túi lên và đi, khám phá những cung đường mới, cảm xúc mới. Nhưng bất cứ chuyện gì cũng vậy. Cho dù là bạn yêu hay không yêu một ai đó. Hãy lựa chọn thời điểm để quyết định đi. Nhất là khi tôi tin bạn hiểu rõ rằng, gia đình vốn dĩ là điều mà càng lớn chúng ta càng có ít thời gian để vun đắp nhưng luôn thừa thời gian để hối tiếc về sau”.