Sang Hàn Quốc sinh sống đã 8 năm nay, chị Cao Thanh Huyền, 28 tuổi, ở thành phố Daejeon, cho biết Trung thu là dịp lễ lớn và một trong ba dịp lễ quan trọng với người dân nước này, ngoài năm mới và ngày 5/5 Âm lịch.
"Trước hôm Trung thu, mọi người sẽ hội tụ về gia đình bên nội để sáng sớm hôm sau làm lễ cúng tổ tiên", chị Huyền kể với VnExpress và cho hay, hôm qua, chị cùng chồng và hai con gái đã quay về thủ đô Seoul đón Tết Trung thu cùng bố mẹ và các anh chị bên chồng.
Cô dâu Việt cho biết mình nấu được đa số các món ăn truyền thống của Hàn Quốc bởi năm nào cũng tham gia chuẩn bị mâm cúng Trung thu. Việc chuẩn bị và chế biến sơ các nguyên liệu được phụ nữ trong gia đình bắt đầu từ chiều hôm trước.
"Mâm cúng ông bà dịp Trung thu gồm khoảng 20 món, trông rất lớn nhưng thực ra không quá kỳ công", chị nói. "Mâm cúng phải có thịt, cá, rau, hoa quả, rượu, hương và bánh gạo nếp. Tất cả các món đều được bày theo số lẻ. Hoa quả phải gọt đầu chứ không được để nguyên, còn bánh kẹo phải bóc sẵn vỏ".
Món bánh gạo songpyeon truyền thống của Tết Trung thu ở Hàn Quốc. Ảnh:Kocis |
Từ xa xưa, rằm tháng 8 đánh dấu thời điểm người nông dân Hàn Quốc kết thúc vụ thu hoạch nên một món ăn đặc trưng và bắt buộc phải có để dâng lên tổ tiên dịp này là bánh gạo songpyeon. Bánh được làm từ bột gạo nếp và nhân đỗ, đường, lớp vỏ có nhiều màu sắc làm từ màu của rau củ quả.
"Ngày xưa, các gia đình thường tự tay làm bánh nhưng hiện nay, mọi người chọn mua sẵn để tiết kiệm thời gian", chị Huyền cho hay. "Sau lễ thắp hương và vái lạy tổ tiên, cả gia đình chị Huyền cùng dùng cơm và trò chuyện, hỏi thăm nhau và chúc nhau một Trung thu vui vẻ. Một số gia đình còn đi tảo mộ ngay hôm đó hoặc từ trước đó vài tuần".
Điều khiến chị Huyền ấn tượng với Trung thu Hàn Quốc nhất đó là sự giáo dục lòng biết ơn với cội nguồn và các bậc sinh thành. Trước Trung thu, các trường học thường tổ chức cho học sinh làm bánh songpyeon để mang về tặng bố mẹ và trẻ em cũng được bố mẹ chuẩn bị hộ bánh tok, một loại bánh gạo khác, để biếu ông bà.
Kết thúc Trung thu ở nhà nội, gia đình sẽ về thăm bên ngoại. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lấy chồng xa nhà, chị Huyền thường tranh thủ thời gian này để đưa các con đi thăm họ hàng, bạn bè hoặc đến công viên.
Trẻ em chơi một trò chơi truyền thống ở quảng trườngGwanghwamun, Seoul dịp Tết Trung thu. Ảnh: AFP |
"Trung thu ở Hàn Quốc không sôi động, rực rỡ sắc màu như ở Việt Nam", chị Huyền nói. "Thi thoảng mình cũng chạnh lòng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ ở nhà nhưng mình may mắn có gia đình chồng yêu thương và quan tâm. Tết Trung thu đoàn viên ở Hàn Quốc vì thế rất ấm cúng và vui vẻ".