Với kinh nghiệm 14 năm sống ở Đàng Ngoài, Giám mục người Ý Giovanni Filippo de Marini (1608-1682) cảm nhận được khá sâu sắc không khí Tết Việt ở Đàng Ngoài.
“Phiên chợ miễn thuế”
Ông cho biết, 15 ngày trước Tết Nguyên đán, việc mua sắm diễn ra tấp nập, bởi “có phiên chợ miễn thuế (foire franche) mở khắp trong xứ, ai cũng được phép đem hàng tốt hạng nhất ra bày bán”.
Các phiên chợ này thu hút các lái buôn kéo đến với hi vọng bán được nhiều hàng, đây là dịp để dân gian từ quý tộc cho tới kẻ nghèo đều muốn mua sắm, trang hoàng cho gia đình trong dịp năm mới, thế nên “vì suốt năm không có phiên chợ nào đẹp và lắm tiền như thế nên cuộc tụ hội của dân chúng (đông) quá sức tưởng tượng”.
Biết bao nhiều điều không hay cũng được xếp lại để đón một năm mới yên bình. Vẫn theo lời de Marini, người dân Việt “có lệ khi năm hết tết đến, là dàn xếp cho xong những chuyện xích mích của người nọ đối với người kia và đến giảng hòa với kẻ thù địch trước ngày Nguyên đán, hứa với nhau sẽ thành đôi bạn chân thật”.
Trong khi ấy, chốn công đường 15 ngày trước Tết không ai được kiện cáo nhau, công sở đóng cửa, nếu có việc cấp thiết hoặc ai gây tội đại ác thì “các quan thẩm phán xét đoán qua loa kết tội rất nặng rồi đuổi nguyên bị đi để cố sang năm mới không còn việc gì phải xem xét giải quyết nữa”; “ấn tín các sở đã đem khóa cất một nơi”.
Alexandre de Rhodes (1591-1660) trong Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) cho biết, người Việt không khất nợ quá năm trừ khi quá túng thiếu nên cuối năm việc nợ nần phải giải quyết xong, vì “họ sợ chủ nợ ngày mồng Một Tết đến đòi nợ”, và nếu thế sẽ rất tai hại, là điềm gở cả năm.
Lạ lùng... “cây nêu”
Chiều 30 Tết, theo Alexandre de Rhodes, cây nêu được trồng trước nhà “trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc”. Ông cho rằng đó là tiền dành cho cha mẹ đã mất của chủ nhà cần chi dùng nơi thế giới bên kia. Còn Giovanni Filippo de Marini sát thực hơn khi biết đây là thứ ngăn không cho ma quỷ vào nhà gieo tai vạ.
Đồng thời, nơi đầu cột cửa người Việt “vẽ chi chít lên chung quanh đấy những con mèo”, cùng những hình thù dữ tợn để dọa ma. Alexandre de Rhodes cho hay trong ba bốn ngày cuối năm nhiều ông già, bà cả “đến trú trong các chùa chiền” và chỉ về nhà vào ngày mồng Một Tết vì sợ tà ma hãm hại.
Trong ngày Tết Nguyên đán, sau giao thừa “không ai được phép đóng cửa”, bởi quan niệm ông bà ông vải sẽ về. Thậm chí, họ còn chuẩn bị giường chiếu hoặc trải chiếu lên sàn nhà cùng với đôi dép vì “cho rằng các cụ đi đường mệt lắm và cần phải nghỉ ngơi chút ít”, một tục mà nay ta không còn thấy. Duy việc thêm hai cây mía ngày Tết đã được ghi nhận thế kỷ XVII “để ông bà có thiếu sức thì dùng để chống mà đi”.
Một số kiêng kỵ dịp Tết cũng được thực hiện và nay còn thấy duy trì, đó là việc “không quét nhà, dù nhà bẩn thỉu và đầy rác rưởi”. Và để giữ được sự vui vẻ suốt năm, theo de Marini ba ngày Tết “không ai nổi giận, nói nặng lời hay làm phiền lòng ai vì sợ rằng chính mình sẽ bị giông”.
Để tạo nên những điều tốt đẹp, theo ghi nhận của de Marini, mọi người gắng làm điều lành, ai cũng đi lễ chùa. Phục sức của phụ nữ ngày Tết cũng rất ư chau chuốt, như Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao ghi “đàn bà ăn mặc rất đẹp, tai đeo “hoa” rất đắt và rất quý; cổ đeo nhiều chuỗi ngọc trai rất xinh; tay đeo vòng bằng vàng trá hay san hô”.
Chơi tết
Đối với cộng đồng làng, sẽ cử ra 8 người coi sóc việc đình đám thật chu tất, không thiếu sót thứ gì với thành hoàng làng. Nhận định này cũng có sự tương đồng trong cảm nhận của Jean Baptiste Tavernier (1605-1689) qua Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài khi ông chép “cứ đến ngày đầu năm, họ cúng tết lễ vật rất long trọng tôn vinh những người có nhiều công trọng, có tâm và tỏ ra dũng cảm”. Ý Jean Baptiste Tavernier đề cập ở đấy, chính là nói về các thành hoàng của dân Việt.
Tục mừng tuổi, lì xì Tết đã thành nếp. Trong đó “bọn trai trẻ thì suốt đêm đi chơi, nhảy hát chẳng sợ hãi gì cả, vào mọi nhà chúc mừng năm mới để lấy thưởng”. Còn đối với việc quà cáp, đã được Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao lưu ý.
Theo đó quan lại tùy theo phẩm trật mà vào dịp Tết “gửi phẩm vật quý giá về dâng vua… Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế người dưới biếu người mà mình nhận là người đứng ngay hàng trên mình”.
Tết cũng là dịp vui Xuân, giải trí. Nhiều trò chơi, lễ hội được tổ chức với nhiều cách thức đa dạng: “có kẻ thử sức đánh vật, có kẻ thách đi mau chạy nhanh”; “cũng có kẻ đấu thương, bắn súng, nạp thuốc không, có kẻ múa gươm, tre mộc”…
Hoặc phụ nữ thì thi vo gạo, vừa đi vừa nấu nấu cơm khéo và nhanh (nay vẫn còn nhiều nơi kế thừa). Một trò chơi de Marini cho rằng nhiều người thích, ấy là trò đánh đu. Dẫu còn đôi chỗ chưa chính xác, nhưng nhận xét về Tết Việt đất Đàng Ngoài của người phương Tây, kể cũng khá tinh tế.../.