Ưu tiên hàng đầu là tính mạng, sức khoẻ của người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, khi thiên tai xảy ra, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân, tiếp đó là các yêu cầu về bảo vệ tài sản, công trình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
“Tuy nhiên, để thích ứng hiệu quả với thiên tai, phải kết hợp đồng thời nhiều giải pháp, trong đó tính tới các giải pháp khoa học, lâu dài như công tác quy hoạch, phân bố dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của BĐKH, đầu tư phát triển hạ tầng…”, Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng cũng nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài mà Việt Nam ưu tiên triển khai thực hiện trên cơ sở chia sẻ và vận dụng nhiều kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có đặc điểm tương đồng.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi cam kết Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai một cách hiệu quả và thuận lợi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, có các giải pháp để Việt Nam có thể ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và BĐKH”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cần đầu tư nhiều hơn vào công tác cảnh báo
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam – dẫn các báo cáo cho biết, Việt Nam hiện xếp thứ 7 trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới.
Trong 2 thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết và gây ra thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, tương tự nhiều nước khác, Việt Nam cũng đang đối mặt với rủi ro thiên tai và nguy cơ dễ bị tổn thương cao do phát triển đô thị thiếu quy hoạch, sử dụng đất chưa hợp lý và suy thoái môi trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định dù đã cố gắng rất lớn nhưng công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam đến thời điểm này là chưa đủ, từ tiềm lực kinh tế cho tới tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tập trung nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng… ông Cường cũng nhấn mạnh tới việc đầu tư vào công tác cảnh báo nhiều hơn, chương trình ứng phó với thiên tai của các cơ quan cũng cần thể hiện sát thực tiễn hơn, quyết liệt hơn.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng các đại biểu quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Phát động ủng hộ đồng bào vùng mưa lũ
Nhằm chia sẻ những mất mát của người dân bị ảnh hưởng bởi các trận mưa lũ vừa diễn ra, chiều 13/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng đã dự lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Cùng ngày, Ban Dân vận Trung ương và Công đoàn Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt và sạt lở đất.
Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, chung tay cùng đồng bào cả nước hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chủ tịch nước đã dành mỗi người ít nhất một ngày lương để ủng hộ, góp phần giúp đỡ nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm khắc phục hậu quả thiên tai, dần khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Toàn bộ số tiền quyên góp, ủng hộ sẽ được chuyển tới tận tay những gia đình bị thiệt hại do mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, giúp đồng bào từng bước vượt qua khó khăn – Đông Quang.