Đây là Dự án luật quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, đồng thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, 3 đặc khu kinh tế được Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh.
Trải qua hơn 25 năm phát triển, mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta tuy đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước nhưng cũng đang dần bộc lộ các hạn chế. Trong khi đó, xu thế trên thế giới hiện nay là chủ động tạo dựng “sân chơi mới”, chủ động kiến tạo, phát triển thông qua việc thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới. Nước ta cũng phải bắt kịp xu thế đó bằng việc chủ động xây dựng mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, với môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để cạnh tranh và hợp tác phát triển.
Theo đó, nguyên tắc xây dựng các chính sách đặc thù về kinh tế - xã hội gắn liền với lợi thế và định hướng phát triển của các đặc khu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, chính sách ưu đãi đặc biệt và có lợi thế cạnh tranh, so sánh với các nước trong khu vực cũng như với các địa phương trong phạm vi cả nước để thu hút đầu tư, tăng trưởng vào đặc khu. Theo đó, cần rà soát, đánh giá kỹ hệ thống cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư đối với từng ngành, nghề, quy mô vốn đầu tư trong các luật chuyên ngành về thuế, đất đai và đầu tư, tài chính, ngân hàng... để xác định các cơ chế, chính sách có tính chất ưu đãi, ưu tiên đặc biệt hơn so với hiện hành sẽ được quy định đầy đủ, chi tiết trong luật; những cơ chế, chính sách phù hợp, áp dụng chung cho các đơn vị này thì quy định áp dụng tương tự.
Theo đánh giá của đại diện Văn phòng Chính phủ, 3 đặc khu này có diện tích nhỏ nên tránh dàn trải tất cả các ngành, nghề mà chỉ nên chọn một vài lĩnh vực cùng các chính sách ưu đãi mà các địa bàn này thực sự cần. Cùng với hệ thống chính sách ưu đãi hấp dẫn, cần phải có thêm các chính sách khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính và kinh doanh các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển, bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Còn đại diện Viện KSNDTC cho rằng, cần cân nhắc lợi ích lâu dài, bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích công với các nhà đầu tư, tuyệt đối tránh quy định chính sách chỉ đem lại lợi ích cho một số đối tượng, tạo sự bất bình đẳng, không công bằng giữa các nhà đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhận định, việc xây dựng các đặc khu kinh tế và hoàn thiện pháp luật để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện các vấn đề của các đơn vị này cần phải được sự đồng lòng quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự tham mưu và đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Do chủ yếu học tập kinh nghiệm của nước ngoài nên việc tiến hành phải vừa mạnh dạn, vừa thận trọng, từng bước thử nghiệm, không quá cầu toàn để không làm chậm lại các cơ hội thu hút đầu tư, sau một thời gian tổng kết, đánh giá để tiến tới hoàn thiện và mở rộng đến các khu vực khác có các điều kiện, khả năng phù hợp.