Giãn, giảm thuế, phí… gần 200 nghìn tỷ/năm
Ngay từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo nhiệm vụ thu, chi NSNN, rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Đặc biệt, Bộ đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho DN, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, thu NSNN đạt hơn 1.038 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán. “Kết quả này là nhờ nỗ lực phấn đấu quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tài chính và sự nỗ lực của các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN”, Bộ trưởng biểu dương.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, thu ngân sách tăng trưởng cũng nhờ chính sách hỗ trợ đã đi vào cuộc sống. “Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn”, lời Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ DN. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng.
Tăng cường “lắng nghe” cơ sở
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn”. |
Để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra cho năm 2024, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Tài chính tập trung tháo gỡ về thể chế, chính sách pháp luật tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN đề ra, bảo đảm nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán, chi hỗ trợ người dân, DN.
Trong công tác xây dựng pháp luật, người đứng đầu ngành Tài chính đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị theo thẩm quyền được giao, liên tục rà soát các luật, nghị định, thông tư, với các vấn đề còn vướng mắc, bất hợp lý, còn chồng chéo để sửa đổi quy định cho phù hợp, đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Ông lưu ý, cần phải tập trung gỡ vướng từ cơ sở. Các tổng cục, đơn vị chức năng cần cử người xuống cơ sở để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, từ đó đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định cho phù hợp thực tiễn. “Thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng nêu rõ.
Để phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN được giao, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành vào cuộc, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công (nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài...).
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài,...
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm bảo đảm thị trường tài chính phát triển minh bạch, hiệu quả, thu hút các nguồn lực cho phát triển.