10 vạn quân Minh “sa lầy” ở Tốt Động - Chúc Động
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động luôn là niềm tự hào trong cuộc chiến đấu chống quân Minh. Quân số ít hơn nhưng nghĩa quân Lam Sơn đã khiến tướng Vương Thông nhà Minh ôm hận. Chiến thắng này ghi đậm dấu ấn của tướng tài Lý Triện.
Sử liệu chép lại, Lý Triện là công thần khai quốc nhà Lê sơ, ông quê ở làng Bái Đô, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hiện chưa rõ năm sinh. Ông được ban lấy họ của Lê Lợi (được ban quốc tích). Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lý Triện tham gia hưởng ứng, bên cạnh Lê Lợi từ những ngày chuẩn bị đầu tiên và đóng góp nhiều công lao.
Năm 1420, bấy giờ tướng giặc là Lý Bân và Phương Chính cho quân băng qua đất Quỳ Châu (Nghệ An) vòng đánh lực lượng Lam Sơn đóng ở Mường Thôi. Lý Triện cùng với các tướng đánh cản bước tiến quân Minh, tạo điều kiện cho Lê Lợi bố trí trận địa mai phục.
Năm 1426, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn cho các tướng đem 1 vạn quân chia làm 3 đạo quân luồn sâu vào khu vực bị quân Minh tạm chiếm để dọn đường cho cuộc tấn công sau này. Lý Triện cùng các tướng như Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí chỉ huy đạo quân thứ nhất gồm 3000 binh sĩ có nhiệm vụ bí mật vượt qua đất Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay, tiến xuống uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan (thành Thăng Long) đồng thời sẵn sàng chặn đánh viện binh từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo sang.
Vừa tiến ra Bắc, đạo quân của Lý Triện đã đánh 3 trận lớn, biến đất Ninh Kiều (Hà Tây cũ) thành căn cứ có lợi cho ta. Trước tình thế này, triều đình nhà Minh sai tướng Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu viện. Vì nôn nóng muốn lập công, Vương Thông chia quân thành 3 mũi, dự định cùng đánh vào Ninh Kiều.
Vùng đất Tốt Động - Chúc Động lưu dấu chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn |
Cộng với quân trong thành và các nơi kéo về, Vương Thông có 10 vạn quân, hy vọng sẽ bóp nát đạo quân thứ nhất của Lam Sơn bằng cuộc tấn công ồ ạt, bất ngờ. Nhưng khi quân địch chưa kịp ra tay, quân ta chủ động tấn công vào mũi quân địch ở Thanh Oai khiến địch náo loạn bỏ chạy. Cánh quân thứ 2 cũng sợ hãi bỏ chạy bỏ mặc cánh quân do Vương Thông dẫn đầu đợi ở đất Cổ Sở (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).
Tức giận, Vương Thông tung quân do thám, biết được nơi đóng quân mới của quân lính Lam Sơn ở Cao Bộ (Hà Tây cũ). Vương Thông chia quân làm hai cánh, cánh thứ nhất là chính binh đánh trực diện vào Cao Bộ. Đạo quân thứ hai là kỵ binh có nhiệm vụ bọc hậu đánh từ phía sau. Rất tiếc là Lý Triện bắt được nhiều lính do thám của Vương Thông, khéo léo khai thác đã biết được kế hoạch trên.
Lý Triện cùng các tướng lĩnh “tương kế tựu kế” đánh lại. Một mặt ông cho quân lính bí mật rút khỏi Cao Bộ và bố trí trận địa mai phục ở Tốt Động- Chúc Động. Đây là vùng đồng lầy có địa thế hiểm trở, rất hợp cho việc bố trí mai phục.
Ngày 7/11/1426, Vương Thông hạ lệnh đánh vào Cao Bộ. Khi chính binh của địch rơi vào ổ phục kích, ám hiệu của địch được quân Lam Sơn nổi lên. Khi đó chính binh và kỵ binh của Vương Thông đều nghĩ cánh quân cùng phe tiến quá nhanh mà vội vàng buộc vũ khí lại gấp rút vượt đồng lầy Tốt Động - Chúc Động.
Đúng lúc đó, quân mai phục của Lam Sơn nổi lên tấn công khiến quân Vương Thông thua tan tác. Viên chủ tướng này hốt hoảng chạy về thành Đông Quan. Lý Triện được xem là linh hồn trận quyết chiến chiến lược quan trọng này.
Lý Triện sau đó được điều về chỉ huy 14 vệ quân án ngữ cửa Bắc thành Đông Quan, cùng bao vây Vương Thông đang cố thủ trong thành. Ngày 7/2/1427, Vương Thông sai tướng Phương Chính bất ngờ tấn công vào quân của Lý Triện đóng ở vùng Nhật Tảo, mé Tây của Hồ Tây ngày nay. Lý Triện đã anh dũng hy sinh trong cuộc tấn công bất thình này, còn tướng Đỗ Bí bị giặc bắt.
Lý Triện ngã xuống khi cuộc đấu tranh cận kề ngày chiến thắng. Sau này Vua Lê Thái Tổ đã phong chức cao, tặng nhiều ruộng đất cho gia đình Lý Triện. Năm 1428, Vua Lê truy tặng Lý Triện hàm nhập nội Tư mã.
Vị tướng trải qua 100 trận đánh lớn nhỏ
Đó là Nhập nội đại Tư mã Lê Văn An, ôngquê ở Mục Sơn (nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Hiện tại, vẫn chưa rõ Lê Văn An sinh vào năm nào, chỉ biết rằng ông đến Lam Sơn với Lê Lợi trước khi Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (tức trước năm 1416) và lúc ấy, con trai ông cũng là một thanh niên khỏe mạnh, được Lê Lợi thu nhận, cho tham gia lực lượng nghĩa binh Lam Sơn.
Sinh thời, Lê Văn An là bậc dũng tướng đa mưu, từng “trải hơn một trăm trận lớn nhỏ” nên rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Nghiệp cầm quân của ông thể hiện ở trận Khả Lưu và trận Tân Bình - Thuận Hóa (năm 1424). Cuối năm 1424, trên cơ sở chấp thuận và tán đồng mạnh mẽ đối với kế hoạch của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn ồ ạt tấn công vào Nghệ An.
Tại Nghệ An, một trong những trận đánh quan trọng nhất của nghĩa quân Lam Sơn chính là trận Khả Lưu. Lê Văn An vinh dự được tham gia chỉ huy trận đánh quan trọng này. Trận Khả Lưu là một trong những trận đánh lớn,buộc quân Minh lâm vào thế bị dồn ép để rồi mất khả năng cứu nguy cho nhau.
Kể từ đây, tương quan thế và lực giữa đôi bên nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Lam Sơn. Đây là trận được Lam Sơn thực lục mô tả khá tỉ mỉ. Trong trận này Lê Văn An vừa là tướng chỉ huy, cũng là người đã lập công lớn. “Ông xông lên trước, hãm thế trận của giặc và đánh lui chúng.
Thành Xương Giang gắn liền với tài thao lược của tướng Lê Văn An |
Sau thắng lợi ở Khả Lưu, Lê Lợi cho quân vây hãm thành Nghệ An. Bấy giờ, để đề phòng tướng giặc có thể từ vùng Tân Bình và Thuận Hóa bất ngờ đem quân ra ứng cứu, Lê Lợi liền sai các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ, đem hơn một ngàn bộ binh cùng với thớt voi, ồ ạt tấn công vào phía Nam. Lực lượng này xuất trận chưa được bao lâu thì Lê Lợi sai Lê Văn An, Lê Ngân, Lý Triện và Lê Bôi lãnh hơn 70 chiến thuyền, tiến gấp theo để tiếp ứng.
Sự phối hợp nhịp nhàng và mãnh liệt của quân thủy bộ Lam Sơn đã khiến cho giặc rất hốt hoảng. Chỉ trong một thời gian ngắn toàn bộ vùng Tân Bình và Thuận Hóa đã được Lam Sơn giải phóng. Trong chiến công chung rất vang dội này Lê Văn An là một trong những tướng lĩnh có công lớn.
Ngoài ra Lê Văn An cũng là vị tướng chỉ huy cuộc vây hãm và dụ hàng thành Nghệ An. Sau trận thắng ở Tân Bình và Thuận Hóa, Lê Văn An và các tướng được lệnh đem quân tiến gấp ra Nghệ An. Tại đây, kế hoạch tấn công ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa đã được Bộ chỉ huy Lam Sơn thông qua. Kế hoạch này rất táo bạo, bởi lẽ quân địch ở Thanh Hóa mạnh hơn hẳn ở Nghệ An. Và nếu sơ hở trong cuộc vây hãm, đối với thành Nghệ An rất có thể bị quân địch tấn công từ hai hướng là từ trong thành đánh ra và Thanh Hóa đánh vào.
Để ngăn chặn khả năng này, Lê Lợi đã tin cậy cử Lê Văn An ở lại, chỉ huy toàn bộ lực lượng vây hãm thành Nghệ An. Lê Văn An xiết chặt vòng vây, thẳng tay trừng trị những kẻ ngoan cố, cả gan dám đánh lén vào hàng ngũ của ông, đồng thời liên tiếp kêu gọi giặc đầu hàng. Trước tình thế ngày một bức bách, tướng chỉ huy cao cấp của giặc trong thành Nghệ An là Thái Phúc xin hàng. Sự kiện này khiến cho tinh thần của giặc bị khủng hoảng nghiêm trọng, ngược lại làm cho ý chí chiến đấu của Lam Sơn được khích lệ mạnh mẽ.
Dấu ấn của Lê Văn An còn thể hiện trong chiến thắng Xương Giang (năm 1427). Theo đó sau khi Thái Phúc ra đầu hàng, Lê Văn An được lệnh tiến ra Đông Quan. Bấy giờ, Lam Sơn đã thắng trận quyết chiến chiến lược vang dội ở Tốt Động - Chúc Động, đẩy Tổng binh Vương Thông của quân Minh từ vị trí của một viên tướng đi cứu nguy trở thành một kẻ kêu cứu thảm thiết.
Cũng lúc bấy giờ, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh ở Chi Lăng- Xương Giang. Đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ nhất của Lam Sơn được điều động vào trận đánh lịch sử này. Ngoài ra, một bộ phận khác đã được điều lên ải Lê Hoa đánh chặn đạo quân của Mộc Thạnh và một bộ phận khác nữa được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, tiếp tục dụ hàng thành Đông Quan.
Lê Văn An có vinh dự được cùng với tướng Nguyễn Lý đem 3 vạn quân tiếp ứng cho các tướng sĩ Lam Sơn ở trận Chi Lăng- Xương Giang. Ông là một trong những tướng đã lập công to lớn trong trận tập kích vào Xương Giang (tháng 11 năm 1427).
Sử cũ ghi chép:“Vua lại sai ông cùng Lê Lý (tức Nguyễn Lý) đem 3 vạn quân lên hỗ trợ cho tướng Lê Sát làm thế ỷ giốc (thuật ngữ quân sự cổ: nghĩa là trên dưới, sau trước, phải trái và trong ngoài cùng dựa vào nhau). Ông liên tục đánh phá quân của Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng 3 vạn quân địch. Thiên hạ từ đó đại định”.
Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, Lê Văn An được phong là Nhập nội Tư mã, dự triều chính, hàm Suy Trung Bảo Chính công thần. Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc tên công thần, Lê Văn An cũng có tên trong số đó. Cũng năm này, ông được ban tước Đình Hầu, được gia hàm Tân Trị Hiệp Nưu Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu Tư không, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự.
Tháng 2 năm 1434, Lê Văn An được cử làm Tư mã Bắc Đạo và nhờ có công trấn trị ở vùng này, ông được gia phong làm Nhập nội Đại tư mã, Đô Đốc Đồng Tổng quản Bắc Đạo.Tháng 6/1437, tướng Lê Văn An qua đời vì bệnh.
(còn nữa)