Chiến công đánh bại 10 vạn quân Minh
Nguyễn Chích (1382-1448), quê thôn Mạc, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Sử sách chép lại, Chích mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Ông tính tình thật thà, hiền lành và rất ít nói, ít cười. Từ nhỏ cậu bé đã được đánh giá có chí lớn.
Năm Nguyễn Chích 25 tuổi, thời cuộc xảy ra biến cố khi nước Đại Ngu của nhà Hồ bị quân nhà Minh đánh chiếm. Một số tài liệu nói Nguyễn Chích căm thù giặc, nổi dậy khởi nghĩa chống quân Minh trong khoảng từ năm 1413 - 1418, xây dựng căn cứ đầu tiên ở Vạn Lộc, sau đó đánh ra các vùng xung quanh huyện Đông Sơn khiến giặc nhiều phen khiếp đảm.
Thắng lợi lớn hơn khi tướng Nguyễn Chích đánh chiếm núi Hoàng và núi Nghiêu xây dựng thành căn cứ lớn ở vùng đất giáp ranh ba huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn. Đội quân của Nguyễn Chích mở rộng vùng chiếm đóng, lấn sang cả vùng phía bắc tỉnh Nghệ An.
Trước sự lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa, quân Minh lo lắng, tìm cách dụ hàng Nguyễn Chích song không thành. Cùng thời điểm này, Lê Lợi xướng lên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phối hợp ăn ý với đội quân của Nguyễn Chích lập thêm nhiều chiến công. Sau đó cảm phục tài năng đức độ của Lê Lợi, tướng Chích đã đem toàn bộ lực lượng về dưới trướng Lê Lợi. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết Đột hữu vệ và tổng đốc chư quân, trực tiếp chỉ huy một đạo quân quan trọng của Lam Sơn.
Trong số các chiến công của Nguyễn Chích phải kể đến trận đánh Ba Lẫm (12/1421), trận Sách Khôi (2/1422) đánh bại 10 vạn quân Minh do tướng Trần Trí dẫn đầu. Nhờ đó được phong chức thiếu úy. Không lâu sau Nguyễn Chích tiếp tục được phong chức Nhập nội thiếu úy là chức võ quan cao cấp nhất lúc bấy giờ.
Nguyễn Chích được đánh giá góp công lớn vào những thắng lợi của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tiêu biểu như vào tháng 10/1424, bộ chỉ huy Lam Sơn tổ chức cuộc họp quân sự quyết định chấm dứt thời kỳ hòa hoãn với quân Minh. Tại đây Nguyễn Chích hiến kế rất xuất sắc.
Theo đó, Nghệ An có thế đất hiểm yếu, đất rộng người đông. Tướng Chích cho rằng cần đánh chiếm bằng được Nghệ An làm chỗ đứng. Sau đó dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà đánh ra Đông Quan ắt dẹp yên thiên hạ. Theo lập luận của Nguyễn Chích, khả năng đánh chiếm Nghệ An khả quan bởi ở đây quân Minh thưa lại yếu. Bản thân ông có nhiều lần qua đây nên nắm rõ địa hình, có thể dẫn quân tiên phong.
Danh tướng Nguyễn Chích |
Từ ý kiến trên, cuối năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn mở cuộc tấn công bất ngờ vào Nghệ An và liên tiếp giành thắng lợi mà Nguyễn Trãi đã đưa vào thơ văn “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/Trận Trà Lân trúc chẻ tro bay”.
Đúng như dự tính, sau khi chiếm xong thành Nghệ An, Lam Sơn xây dựng lại doanh trại làm chỗ đứng rồi đánh tiếp ra vùng Diễn Châu. Mùa thu năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn tiến ra giải phóng đất Thanh Hóa. Từ đây nghĩa quân chiếm giữ cả một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào Nam.
Tháng 9/1426 cũng với sự tư vấn của Nguyễn Chích, Lê Lợi dẫn đạo quân ra bắc đánh tan quân cứu viện của An Lão, Vương Thông, đẩy quân Minh vào thế phòng thủ ở Đông Quan và các thành vùng Bắc Bộ. Nguyễn Chích được điều ra bắc giữ chức Tổng tri Hồng Châu và Tân Hưng. Đầu năm 1427, ông cùng tướng Bùi Quốc Hưng bao vây thành Tiêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội) và thành Thị Cầu (Bắc Ninh) buộc quân Minh phải mở cửa thành ra hàng.
Tiếp đó Nguyễn Chích được điều về vây mặt phía Nam thành Đông Quan. Xin nói thêm trước đó tại đây các danh tướng Đinh Lễ, Lý Triện tử trận vì quân Minh đánh úp từ trong ra. Còn tướng Đỗ Bí và Nguyễn Xí bị bắt giữ.
Cuối năm 1427 viện binh của Liễu Thăng, Mộc Thạnh sang cứu Vương Thông bị vây ở Đông Quan. Nguyễn Chích cùng các tướng lĩnh chặn đánh viện binh của Liễu Thăng tan tác. Mộc Thạnh nghe tin vội rút quân về nước. Sau khi Lê Lợi lên ngôi, Nguyễn Chích được phong tước Đình Thượng Hầu.
Suốt các thời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và những năm đầu Lê Nhân Tông đều giao tướng Nguyễn Chích trấn giữ biên cương phía Nam. Ông đã hai lần đánh tan quân Chiêm Thành xâm lược. Sau khi mất, Nguyễn Chích được Lê Nhân Tông truy phong Nhập nội Tư không. Đến thời Nguyễn, Vua Gia Long liệt Nguyễn Chích vào bậc công thần khai quốc nhà Lê thứ nhì.
Vị tướng bơi lặn dưới nước như đi bộ trên cạn
Ông chính là Yết Kiêu, tên thật Phạm Hữu Thế (1242-1303) quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc, nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Bố làm nghề chài lưới còn mẹ bán hàng nước ở bến đò. Cuộc sống nghèo khó khiến chàng trai Hữu Thế từ nhỏ đã lặn lội giúp bố mẹ mưu sinh, cậu bé bơi lội rất giỏi.
Ông là một trong 5 tướng tài của Hưng Đạo Vương gồm: Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và Yết Kiêu. Trong các cuộc chiến chống giặc Nguyên- Mông, Yết Kiêu dùng tài bơi lội xâm nhập sâu vào đội hình tàu thuyền của địch đục thủng đánh chìm tàu. Chính ông đã bắt sống tên phù thủy tay sai của địch là Nguyễn Bá Linh.
Sử chép có lần Hưng Đạo Vương ướm hỏi khi phụ thân qua đời có dặn phải lấy được thiên hạ thì cha mới nhắm mắt nơi chín suối. Hưng Đạo Vương hỏi Yết Kiêu thấy thế nào, có nên làm thế không? Yết Kiêu nghe xong thẳng thắn trả lời rằng: “Làm vậy tuy có phú quý nhất thời mà ô danh muôn thuở. Tôi muốn làm quan cho Đại Vương đến lúc già chết chứ không muốn làm quan với ông vua bất trung”. Hưng Đạo Vương hết lời khen ngợi, trọng đãi.
Yết Kiêu nổi tiếng với tài bơi lội dưới nước như đi bộ trên cạn |
Yết Kiêu mất ngày 28 tháng Chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, Vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì, gọi là đền Quát. Khu đền được trung tu khang trang dưới triều Nguyễn, nay trở thành khu di tích cấp Quốc gia. Hội đền Quát diễn ra vào rằm tháng Giêng và tháng Tám âm lịch hàng năm. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta. Ở Hải Dương ngoài đền Quát còn có nhiều đền thờ Yết Kiêu khác nhau.
Nói về tài năng của Yết Kiêu, tương truyền năm 15 tuổi vào buổi sáng tinh mơ, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước. Chàng trai thấy hai con trâu một đen, một trắng húc nhau chí mạng. Vốn có sức khỏe phi thường, Hữu Thế hạ thùng gánh nước, dùng đòn gánh can ngăn đôi trâu. Trâu trắng trúng đòn ngã lăn ra, tan thành ánh nắng mờ ảo rồi biến mất.
Hữu Thế tìm thấy ở chỗ trâu đứng hai chiếc lông, cầm ngắm thấy máu bừng lên mặt. Ông lao xuống nước, nước rẽ đôi, sau đó nuốt hai chiếc lông vào bụng. Từ đó thân thể Yết Kiêu cường tráng, trí lực phi thường, đặc biệt có tài bơi lội dưới nước như đi trên bờ.
Đêm đó Yết Kiêu đem chuyện kể với mẹ, người mẹ nghe xong bảo đó là chuyện đại cát. Lạ hơn rằng hai mẹ con Yết Kiêu cùng mơ một giấc mơ đó là họ được đón đôi trai thanh, gái lịch. Khi họ vào nhà Yết Kiêu nền đất, vách nứa lập tức biến thành tòa lâu đài, trời không trăng vẫn rực sáng. Ở gốc xoan có con trâu trắng.
Bấy giờ Hữu Thế dụi mắt bảo mẹ đúng là con trâu trắng gặp lúc sáng. Lập tức chàng trai và cô gái bảo “Ta là Ngưu Lang và Chức Nữ, nay dịp Ngâu chúng ta gặp nhau”. Mẹ Yết Kiêu hỏi lại thế bà đang ở đâu thì Ngưu Lang nói lúc sáng đi tìm trâu gặp con trai bà. Yết Kiêu không làm hại trâu nên muốn mời hai mẹ con lên trời chơi trả ơn. Trong giấc mơ, Ngưu Lang và Chức Nữ nói Yết Kiêu sau này sẽ nổi danh thiên hạ.
Theo các sử gia, thực ra đây là cách lý giải tài bơi lội của Yết Kiêu, tuy nhiên người đời muốn làm tăng thêm tính phi thường của viên tướng này nên mượn cốt truyện có phần hư cấu. Ngụ ý muốn nói tài bơi lội của Yết Kiêu do thần linh ban tặng.
Nhờ công lao to lớn trong cuộc chống Nguyên - Mông lần 2 và lần 3 nên Yết Kiêu được Vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất Đô soái thủy quân. Sử chép, trong một lần đánh trận ở Nội Bàng (Chũ, Bắc Giang), Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân trên sông Lục Nam. Quân giặc đang thế hăng, áp đảo, thủy quân ta tan rã.
Khi đó Hưng Đạo Vương định rút quân theo lối chân núi thì tướng Dã Tượng nói “Yết Kiêu không thấy Đại Vương nhất định không dời thuyền”. Hưng Đạo Vương nghe theo đến Bãi Tân thì chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn đó, chờ đón bằng được Đại Vương. Quân địch đuổi theo nhưng không kịp, Hưng Đạo Vương rút về Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ ở Bắc Giang.
Nhiệm vụ của Yết Kiêu là đục thuyền địch trong đêm. Khi đêm xuống, Yết Kiêu vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục trên 20 lỗ, đục xong lỗ nào phải dùng giẻ cuộn tròn đút nút lại. Những cuộn giẻ được nối với nhau bởi một sợi dây. Một đêm, Yết Kiêu đục khoảng 30 thuyền. Đến gần sáng, Yết Kiêu kéo dây khiến hàng chục tàu thuyền bị đắm rồi bơi về căn cứ an toàn.
Sử chép có lần bị vây bắt ở bờ sông, Yết Kiêu nấp vào bụi bị quân địch đâm trúng đùi nhưng cắn răng không hề kêu la. Khi địch rút gươm, ông dùng tay lau vết máu để tránh bị phát hiện.
(Còn tiếp)