Cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân
Nguyễn Bặc (SN 924-979, quê Hoa Lư, châu Đại Hoàng tức tỉnh Ninh Bình ngày nay), là công thần khai quốc, Tể tướng dưới triều nhà Đinh. Sử chép Nguyễn Bặc là con ông Nguyễn Huy và bà Lê Thị Lược. Bố mẹ sinh ra Nguyễn Bặc lúc đã gần 50 tuổi. Lớn lên Nguyễn Bặc văn võ đều tinh thông. Ông có ba anh em gồm Nguyễn Bặc, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục đều là những tướng giỏi của Đinh Bộ Lĩnh.
Thuở nhỏ Nguyễn Bặc đã kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, sau đó cùng Bộ Lĩnh chinh chiến khắp nơi dẹp loạn. Nguyễn Bặc đã giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp loạn 12 sứ quân giữa thế kỷ X.
Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, phong Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, giao trông coi việc nội chính triều đình. Năm 979 Đinh Bộ Lĩnh và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại. Viên quan tên Đỗ Thích bị nghi ngờ chủ mưu đã bỏ trốn, về sau bị bắt giữ, xử trảm. Nguyễn Bặc cùng các đại thần tôn con nhỏ của Vua Đinh là Đinh Toàn lên ngôi, tức Đinh Phế Đế, mẹ Phế Đế là Dương Vân Nga trở thành Thái hậu.
Đánh giá về tài thao lược của ông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Bặc là một đại tướng tài ba. Trong công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, ông đã có công đánh tan 2 sứ quân mạnh nhất là Nguyễn Siêu và Đỗ Cảnh Thạc. Đầu tiên ông hiến kế cho Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa lập chỗ đứng chân tại Hoa Lư hiểm trở. Ông khuyên Đinh Bộ Lĩnh bao vây dụ hàng Ngô Nhật Khánh, một sứ quân yếu. Cũng chính Nguyễn Bặc cho quân luồn vào doanh trại Nguyễn Siêu để đốt phá, kết hợp với chủ lực tấn công từ bên ngoài, khiến đối phương hoảng loạn, Nguyễn Siêu phải chạy trốn để thoát thân.
Đối với sứ quân của Đỗ Cảnh Thạc có thành cao, hào sâu, lại trí dũng, mưu lược, Nguyễn Bặc hiến kế “điệu hổ ly sơn”, kéo chủ lực họ Đỗ ra rồi đánh úp thành. Họ Đỗ mắc mưu, cung thành đồn trại bị đốt phá tan tành.
Quên thân bảo vệ nhà Đinh
Theo sách “Khâm định việt sử thông giám cương mục”, Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế. Nhưng lúc đó Dương Thái hậu tư thông với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, cho Lê Hoàn làm Phó Vương nắm quyền chỉ huy quân đội, chuyên quyền, tự do ra vào cung cấm.
Thấy vậy, Nguyễn Bặc lo lắng bàn với các tướng khởi binh chia làm hai mũi tiến đánh Lê Hoàn. Trước khi Đinh Điền và Nguyễn Bặc cất quân, Thái hậu đã hay tin, bèn đến báo với Lê Hoàn rằng: “Bọn Nguyễn Bặc dấy quân làm loạn, gây kinh động cả nước nhà ta mà vua thì còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc cứu nạn, vậy, các ông nên sớm liệu, chớ để tai họa về sau”.
Lê Hoàn nói: “Thần ở chức Phó Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào cũng quyết đảm đương trách nhiệm”. Nói rồi, ông chuẩn bị quân ngũ, đánh nhau với Đinh Điền và Nguyễn Bặc ở Tây Đô. Lê Hoàn người Ái Châu (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), đóng đô ở Hoa Lư, vì thế sử gọi vùng Ái Châu là Tây Đô.
Hai bên đánh nhau, quân của Đinh Điền, Nguyễn Bặc thua chạy. Đinh Điền tử trận còn Nguyễn Bặc bị bắt đem về kinh sư. Lê Hoàn kể tội Nguyễn Bặc rằng: “Tiên đế gặp nạn, lòng người và thần nhân đều căm giận và hổ thẹn. Ngươi là bề tôi mà nhân lúc tang tóc bối rối để dấy quân bội nghĩa, vậy thì phận làm tôi để ở đâu?”, sau đó sai quân đem ra chém đầu, khi đó ông mới 56 tuổi.
Đinh Điền và Nguyễn Bặc bị giết khiến quân của Phạm Hạp cũng tự mất hết khí thế, bỏ chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đem quân đuổi theo, bắt được Phạm Hạp đem về kinh sư. Lê Hoàn sau đó với sự hậu thuẫn của Dương Thái hậu đã phế Đinh Toàn làm vệ vương như cũ, giành lấy ngai vàng lập ra nhà Tiền Lê, lấy hiệu Vua Lê Đại Hành. Một số nhà nghiên cứu nói rằng Nguyễn Bặc là người khí tiết, chắc chắn khi bị Lê Hoàn kể tội phải có ít nhiều lời bày tỏ chính nghĩa nhưng không thấy sử sách chép lại, có thể do bỏ sót vô tình hay có chủ ý.
Sử ghi con Nguyễn Bặc là Nguyễn Đê làm quan dưới thời Tiền Lê và tham gia cùng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi sau khi Lê Ngọa Triều chết. Một số tài liệu ghi trong số con cháu của ông có cả các danh tướng như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Trãi. Con cháu Nguyễn Đê di cư vào Thanh Hóa sinh ra nhiều chi họ, trong đó có Nguyễn Kim - ông tổ của các Chúa Nguyễn.
Ngày nay ở Ninh Bình còn rất nhiều đền thờ Nguyễn Bặc và Đinh Điền phản ảnh tình cảm dân lành dành cho các ông. Lăng Nguyễn Bặc táng ở thôn Vĩnh Ninh, làng Đại Hữu, Gia Viễn, Ninh Bình. Lăng được trùng tu gần nhất vào năm 1989. Trong dân gian, đền thờ Nguyễn Bặc được lập ở nhiều nơi, trong đó đền chính là từ đường Nguyễn Tộc tại thôn Vĩnh Ninh, Gia Viễn, Ninh Bình.
Tại đền thờ Vua Đinh ở Hoa Lư dựng từ thế kỷ XI có đến ba tòa, tòa ở giữa thờ tứ trụ triều đình gồm Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
Tại kinh thành Huế, Vua Minh Mạng cho xây miếu thờ các vị vua và danh tướng qua các triều đại, trong đó có Nguyễn Bặc. Năm Đinh Dậu 1917, tướng Nguyễn Bặc được Vua Khải Định sắc phong là Hộ quốc Tướng công Trác võ Thượng đẳng phúc thần.
Hàng năm, đến 15/10 âm lịch là ngày mất của Nguyễn Bặc, những hậu duệ của Định Quốc Công - Tiền tổ Khai quốc công thần triều Đinh đều tề tựu về thôn Vĩnh Ninh, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn để làm lễ dâng hương trước mộ Nguyễn Bặc. Sau lễ dâng hương tại Ninh Bình, nhiều đại biểu đã về dâng hương tại quê hương họ Nguyễn ở làng Gia Miều, Hà Trung, Thanh Hoá.
(Còn tiếp)