Không có tiền xây nhà đúng quy chuẩn
Sạt lở ở ĐBSCL đang là vấn đề nóng gây nhức nhối trong xã hội. Vấn đề này luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã có những biện pháp hỗ trợ, di dời kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở, hướng đến đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn trăn trở không muốn di dời.
Vừa qua, trên địa bàn ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền từ 10 – 20m và kéo dài khoảng 600m làm 36 hộ dân bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã có chính sách di dời đối với một số hộ bị ảnh hưởng nghiêm trong lên khu cụm dân cư ổn định sinh sống. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây cho biết, vì gặp khó khăn về kinh tế, không có tiền di dời, cất nhà và lo lắng về vấn đề việc làm khi lên sinh sống tại khu cụm dân cư nên ngần ngại chưa di dời.
Ông Bùi Thanh Ân (người dân bị ảnh hưởng sạt lở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành) đã được bố trí nền trên khu cụm dân cư nhưng ông vẫn ở lại căn nhà cũ tại nơi sạt lở mặc dù nhà đã sạt lở phía sau. Ông Ân giãi bày: “Khi lên khu cụm dân cư là phải xây nhà đúng quy chuẩn, chỉ được xây nhà tường, không được dựng nhà cây, lợp lá. Vì vậy việc di dời và cất nhà rất khó khăn, tốn kém. Căn nhà này trước đây xây hơn trăm triệu, chỉ ở mới có 4 năm, bây giờ lại phải di dời cất lại thì thật sự không có tiền để cất”.
Vốn sinh sống chủ yếu bằng nghề sửa điện tử nên ông Ân lo lắng khi vào trong khu cụm dân cư sẽ rất vắng và ế ẩm, khó đảm bảo được cuộc sống mưu sinh.
Ông Ân trước hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng. |
Nan giải vấn đề việc làm
Tương tự, bà Dương Thị Đừng (người dân bị ảnh hưởng sạt lở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành) cho biết, bà vẫn sinh sống ở khu vực sạt lở. “Để di dời và cất nhà tường thì ít gì cũng phải tốn hàng trăm triệu”, bà Đừng cho biết.
Trước kia khi nhà bị sạt lở phía sau, nhưng trên khu cụm dân cư không có nền nên bà đã bỏ ra gần 70 triệu kéo nhà từ phía sau ra phía trước để ở. Bây giờ không có tiền để di dời và xây nhà mới, đồng thời vào trong đó cũng không có việc làm.
“Ở đây tôi bán quán nước, con tôi sửa xe, vá xe. Mỗi ngày 2 mẹ con cũng kiếm được trăm mấy, hai trăm ngàn. Trước cửa nhà, mình làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Có bữa nhà không có cá, con tôi đem chài xuống chài cá ăn, khỏi cần mua. Khi vào ở trong khu cụm dân cư thì bất cứ thứ gì cũng phải mua, từ trái cà, trái ớt, nước sinh hoạt..., bất tiện đủ thứ. Ở thì cũng được nhưng không biết làm gì để sống. Vì vậy hiện tại vẫn ở đây, tới đâu hay tới đó”, bà Đừng cho biết.
Trăn trở trên không phải của riêng người dân ở ấp Bình Hòa (Đông Tháp) mà là nỗi niềm chung của người dân bị ảnh hưởng sạt lở khu vực ĐBSCL. Khi những căn nhà kiên cố phải gầy dựng cả đời người bị nhấn chìm xuống sông trong nháy mắt, cuộc sống của họ đối diện bao nỗi lo...
Trao đổi với PV PLVN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành bày tỏ sự thấu hiểu đối với người dân. Tuy nhiên, cũng theo bà Bích, trên địa bàn xã có Khu cụm công nghiệp Bình Thành, từ đó sẽ phần nào giải quyết việc làm cho bà con. “Đối với những người trẻ, còn sức khỏe lao động thì sẽ vận động vào làm trong Khu cụm công nghiệp. Còn đối với những người không làm được trong cụm công nghiệp thì xã sẽ tập trung hướng dẫn dạy nghề, góp phần đảm bảo cuộc sống”, bà Bích nói.