Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Các ĐB cho rằng Chính phủ cần bổ sung thêm các số liệu để chứng minh những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015; đồng thời đánh giá sâu sắc hơn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn trước.
Theo ĐB Bùi Sĩ Lợi (Đoàn Thanh Hóa), mục tiêu đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội (QH) chưa hoàn thành. ĐB cho rằng nguyên nhân của việc không hoàn thành được mục tiêu đề ra là do quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, chậm chuyển biến; huy động nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng không cao và thiếu bền vững.
Cũng đến từ Đoàn Thanh Hóa, ĐB Đoàn Ngọc Dung cho rằng trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu vừa qua, QH tới đây phải xác định tái cơ cấu chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều dọc sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tức tăng năng suất lao động, phát triển khoa học công nghệ. Còn ĐB Đoàn Hậu Giang Đặng Thế Vinh đề nghị trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới. Theo đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung phân loại các doanh nghiệp. “Nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả thì dứt khoát phải xử lý” – Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn tái cơ cấu lấy từ đâu?
Trong buổi thảo luận, nhiều ĐB cũng tỏ ra băn khoăn trước việc huy động nguồn lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trình bày về kế hoạch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trước QH hôm 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực dự kiến cho hoạt động này khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế.
Ông Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu sẽ huy động từ đâu khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cũng cho rằng trong bối cảnh cân đối thu, chi chưa bảo đảm, mỗi năm vẫn bội chi 5%, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được, Chính phủ sẽ rất khó huy động được nguồn lực lớn như trên.
Cũng lo ngại không đủ nguồn lực bảo đảm thực hiện tại cơ cấu, ĐB Lê Minh Thông (Đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh lập kế hoạch tái cơ cấu phải tính đến tính khả thi của kế hoạch.
Chiều cùng ngày, khi thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đa số các ĐB thống nhất cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP và hiện đang có ý kiến đề nghị nới mức trần này để tăng vốn đầu tư cho tăng trưởng. “Chính phủ cương quyết đề nghị giữ nguyên trần nợ công. Vì trần nợ công chỉ là một chuyện nhưng tỷ lệ trả nợ mới quan trọng. Năm ngoái nghĩa vụ trả nợ chiếm khoảng 27,5% thu ngân sách, trong khi giới hạn an toàn chỉ 25%. Nếu tỷ lệ trả nợ khoảng 15% thì có thể nới trần lên được. Trong năm 2016, 2017 có thể trần nợ công bị vượt lên một chút do tăng trưởng kinh tế thấp xuống. Nhưng dứt khoát phải kéo nợ công xuống dưới 65% GDP” - ông nói.
Cho rằng mức công của chúng ta hiện đã ở mức cao và nếu tiếp tục nâng lên là không hợp lý, nền kinh tế sẽ không bền vững, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) đề nghị căn cứ vào tình hình thực tế ở nước ta, nợ công trên GDP tốt nhất ở mức 60%. Nợ Chính phủ hiện ở mức 50,3% GDP đã là báo động đỏ, tiếp tục đưa lên 55% là không phù hợp, không lành mạnh về điều hành tài chính trong 5 năm tới.
Bàn về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị xem xét kỹ hơn các dự án đầu tư công lãng phí giai đoạn 2011- 2015 và chỉ rõ lỗi của tình trạng này thuộc về khâu nào để tránh tình trạng tương tự trong các dự án sẽ thực hiện tới đây. Còn ĐB Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) mong muốn Chính phủ đề ra những mục tiêu, định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cấp thiết cần phải đầu tư trong giai đoạn tới.