Mỗi tủ sách pháp luật là một thư viện “mini”
Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Cần Thơ, chàng cử nhân trẻ Nguyễn Thanh Xuân không chọn kinh đô phía nam lập nghiệp mà quyết định trở về công tác tại Phòng Tư pháp huyện Lai Vung.
Là người năng nổ, nhiệt tình trong công việc, đối với anh mỗi công việc là một trách nhiệm mà người cán bộ phải chuyên tâm, cố gắng thực hiện một cách nhanh chóng và chất lượng. Từ khi nhận nhiệm vụ, do bản tính ngăn nắp và thận trọng trong quá trình giải quyết công việc, anh đã nghiên cứu, đề xuất sắp xếp quản lý tủ sách pháp luật theo mô hình thư viện nên dễ tra cứu phục vụ cho công tác nghiên cứu các văn bản pháp luật khi cán bộ, công chức có nhu cầu.
Đối với các sổ đăng ký hộ tịch, anh cũng phân chia sắp xếp theo thời gian nên việc tra cứu, trích lục các lĩnh vực hộ tịch khi tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu rất thuận lợi.
Xác định phải có kiến thức chuyên môn sâu mới làm tốt và hoàn thành nhiệm vụ được giao nên dù công việc bận rộn, anh vẫn dành thời gian trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp và cơ quan tư pháp cấp trên để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tư pháp trong tình hình mới.
Đối với anh, công tác nghiên cứu văn bản pháp lý không chỉ phục vụ công tác chuyên môn mà còn nâng cao tầm hiểu biết của mình nên anh luôn ưu tiên cho công việc này. Giải quyết công việc ở cơ quan, về đến nhà anh tích cực nghiên cứu văn bản quy định pháp lý để bồi dưỡng cho bản thân, từ đó trao đổi hỗ trợ công tác chuyên môn với cấp cơ sở.
Anh tâm sự: “Làm công tác tư pháp không hề đơn giản, ngoài năng lực chuyên môn còn đòi hỏi phải có tấm lòng yêu ngành, yêu nghề. Đối với tôi, công tác tư pháp như linh hồn của chính mình và một phần của cuộc sống. Chính niềm đam mê, yêu ngành là động lực thôi thúc tôi ngày càng phát huy hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Nói thêm về những khó khăn trong công việc hiện tại, anh cũng trăn trở: “Làm sao để công tác tuyên truyền pháp luật đến gần với người dân là chuyện trăn trở nhất của tôi vì hiện nay cái “khát” của người dân chính là các quy định pháp luật chưa được truyền tải, chưa được am hiểu. Có những vụ việc đến khi kết thúc mới nhận ra nguyên nhân chính là việc thiếu hiểu biết pháp luật và lúc đó đã muộn. Bởi vậy, tôi luôn muốn tìm tòi, suy nghĩ tìm ra những phương pháp, mô hình thiết thực để làm sao người dân chịu, hiểu và tiếp cận được pháp luật”.
Nghe anh bộc bạch, tâm sự về công việc, tôi cảm nhận được hình như công tác tư pháp đã thấm nhuần vào con người anh, mọi thứ đều xuất phát từ lòng yêu ngành, yêu nghề và đó cũng chính là hình ảnh thường gặp ở những công chức tư pháp tận tuỵ với công việc như anh.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sức trẻ và nhiệt huyết, anh luôn hăng hái đi đầu trong công việc, vừa tu dưỡng, rèn luyện vừa học hỏi, tham khảo sách báo, tài liệu và nghiên cứu sâu các quy định pháp luật để nâng cao trình độ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, ngoài công việc ở đơn vị anh còn tích cực tham gia viết các bài báo, bình luận, phản ánh các vấn đề pháp lý trong hoạt động chuyên môn hay các vấn đề pháp luật có liên quan đến cuộc sống và được đăng tải rất nhiều, trong hơn 08 năm công tác, anh đã có gần 300 bài viết được đăng tải trên các báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành và được khen thưởng trong hoạt động báo chí trên cả nước.
Yêu nghề, nghề sẽ đơm hoa, kết trái
Nói về Phó Trưởng phòng trẻ đầy nhiệt huyết này, ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân là cán bộ lãnh đạo trẻ của huyện nhà, trong công tác qua các năm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhạy bén trong công tác chuyên môn. Khi được giao nhiệm vụ, đồng chí luôn tận tâm với công việc, tham mưu đề xuất nhanh, chính xác với lãnh đạo đơn vị và UBND huyện”.
Với những nỗ lực, dày công nghiên cứu, anh đã có nhiều sáng kiến phục vụ tốt cho đơn vị và hệ thống tư pháp cấp xã như đưa ra mô hình kiểm tra công tác tư pháp đối xứng liền kề tạo điều kiện cho đội ngũ công chức tư pháp cấp xã trao đổi học tập kinh nghiệm của các đơn vị bạn hay sáng kiến tổng hợp thống kê các văn bản pháp lý, hướng dẫn liên quan đến công tác chuyên môn như chứng thực, hộ tịch lưu thành file điện tử dễ dàng tra cứu, áp dụng nên qua nhiều năm, anh đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, nhận Giấy khen của Sở Tư pháp và Bằng khen của UBND tỉnh.
Năm 2014 anh xuất sắc đạt giải nhất và được tặng Giấy khen khi tham gia kỳ kiểm tra kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kiến thức chuyên môn của lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp và lãnh đạo các Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố do Sở Tư pháp Đồng Tháp tổ chức. Vừa qua, tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, anh cũng được nhận Giấy khen từ Sở Tư pháp công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2010 – 2015.
Với tác phong miệng nói, tay làm, luôn tận tuỵ với công việc, gương mẫu trong công tác, anh Nguyễn Thanh Xuân đã tạo được niềm tin yêu của đồng nghiệp, người dân. Chỉ với hơn 08 năm công tác tư pháp, đối với anh, niềm tin, lòng yêu ngành, yêu nghề là động lực cho anh vượt qua mọi khó khăn trong công việc, từ đó luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần lời Bác dạy cán bộ ngành Tư pháp: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành”, “các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”, những cán bộ tư pháp trẻ, tậm tâm với công việc như anh Nguyễn Thanh Xuân đang nỗ lực xây dựng hình ảnh về một ngành Tư pháp thân thiện và chuyên nghiệp.