Án lệ thời kỳ miền Nam cộng hòa
Theo các tài liệu, thời kỳ trước năm 1975, tiền lệ pháp tại miền Nam nước ta khi đó đã được coi là một nguồn trong lĩnh vực dân sự. Bộ Tư pháp thời kỳ đó đã xuất bản án lệ theo định kỳ 3 tháng. Các ấn phẩm sẽ thường đăng tải những trích dẫn về quan điểm hay định hướng xét xử trong các bản án của Tối cao Pháp viện, Tòa Hành chính, Tòa Thượng thẩm... Những bản án này là một trong những căn cứ pháp lý để xét xử cho các tranh chấp tương tự về sau.
Vốn chịu ảnh hưởng lớn của luật pháp châu Âu, đặc biệt là pháp luật dân sự, do đó chế độ thời đó cũng rất quan tâm việc xây dựng án lệ. Bộ Dân luật do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành theo Sắc luật số 028 TT/SLU ngày 20/12/1972, đã có quy định liên quan đến yêu cầu áp dụng án lệ trong xét xử.
Cụ thể, tại Thiên mở đầu, Điều 8 có ghi: “Thẩm phán nào không chịu xét xử vì lẽ luật không định hay luật tối nghĩa, thiếu sót, sẽ có thể bị truy tố về tội bất khẳng thụ lý”.
Tương tự, Điều 9 quy định: “Gặp trường hợp không có điều luật nào có thể dẫn dụng, thẩm phán sẽ quyết định theo tục lệ; nếu không có tục lệ, sẽ theo công bằng và lẽ phải mà xét xử và phải chú trọng đến ý định của các đương sự”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, sở dĩ pháp luật của chế độ cũ trước đây có được án lệ là nhờ ở Tòa Thượng thẩm và Tòa Phá án. Đây là những cơ quan kiểm soát lại các bản án của các Tòa án cấp dưới. Qua đó, việc giải thích và áp dụng pháp luật luôn có sự thống nhất, được Tòa Phá án bảo đảm. Lâu dần hệ thống các Tòa án sẽ hướng theo các án lệ mà Tòa Phá án đưa ra.
Án lệ thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội
Trong giai đoạn miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, để thống nhất việc xử phạt một số loại tội phạm, ngày 19/1/1955, Thông tư số 442/TTg đã được ban hành về việc xử lý một số tội phạm, Thông tư nêu rõ: “...Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường."
Tuy nhiên án lệ thời ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các Toà án trừng trị một số tội phạm thông thường.
Theo nội dung án lệ: "1. Trộm cắp: phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. - Cướp đường hay trộm có tổ chức, có bạo lực có dùng vũ khí để doạ nạt thì phạt tù từ 3 đến 10 năm. - Cướp của mà có giết người có thể phạt đến tử hình. 2. Lừa gạt, bội tín: phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
3. Đánh bị thương: phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. - Đánh bị thương có tổ chức hoặc gây thành cố tật hay chết người có thể phạt đến 20 năm. - Cố ý giết người: phạt tù từ 5 đến 20 năm: nếu có trường hợp giảm nhẹ thì có thể hạ xuống đến 1 năm; giết có dự mưu có thể phạt đến tử hình.”
4. Không cẩn thận hay không theo luật đi đường mà gây tai nạn làm người khác bị thương sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm, nếu gây tai nạn làm chết người có thể bị phạt tù đến 10 năm."
Ngoài ra đối với những tội tương tự với những tội ở trên đây, các Toà án có thể phạt theo như những tội ở trên. Thông tư cũng hướng dẫn, trong khi xét xử, các Toà án cần phải thận trọng, không được máy móc và cũng không nên quá linh động để làm sai lạc tinh thần chính sách pháp luật của Nhà nước, mà phải tuỳ nơi tuỳ lúc có chủ trương trừng phạt cho đúng trong phạm vi đã quy định trên đây”.
Như nội dung trong kỳ trước về lịch sử án lệ tại Việt Nam, từ sau năm 1975 đến trước năm 2006, khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức trong các sách, báo pháp lý mà chỉ được bàn luận mang tính chất nghiên cứu học thuật, là một nguồn để các tòa án tham khảo khi xét xử.
Phải đến năm 2005, với sự ra đời của Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp, khái niệm án lệ tiếp tục được sử dụng chính thức như sau: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Việc nghiên cứu và tiến tới sử dụng án lệ, nhằm tạo sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật để xét xử, bảo đảm sự thống nhất của các bản án, quyết định của Tòa án. Việc áp dụng án lệ sẽ góp phần công khai và phổ biến rộng rãi các bản án và quyết định của Tòa án các cấp để mọi người cùng biết, tham khảo và đánh giá chất lượng phán quyết của Tòa án.
(Đón đọc kỳ 3: Vận dụng án lệ ở nước ta khác thế giới ra sao?)