Mối quan hệ giữa người và tự nhiên giới
Trong sách Linh khu viết: con người tương ứng với Trời và Đất, đây là đại biểu cho tự nhiên giới tương ứng. Khi sự biến hóa của tự nhiên dưới ảnh hưởng đến thân thể con người thì thân thể con người tất nhiên có sự phản ứng với nhau.
Lý luận về quan hệ giữa người với tự nhiên, sách Tố vấn cũng ghi: trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết nhân sự thì có thể tồn tại được lâu dài. Trong thiên Âm Dương hứng tượng đại luận có nói, điều dưỡng thân thể mà không theo vào lẽ tự nhiên thì bệnh tật sẽ phát sinh, điều đó càng thể hiện sự coi trọng về mối quan hệ giữa người với tự nhiên.
Khi bàn về quan hệ giữa người với tự nhiên giới trước, tiên cần phải nói đến hiện tượng của tự nhiên giới và sự biến hóa của hiện tượng ấy. Về điểm này, trong sách y học cổ xưa dạy: Trái đất ở vào giữa khoảng không, không tựa vào đâu mà nhờ vào sức của đại trí trong vũ trụ nâng đỡ. Tất cả sự vật trong Trời - Đất không lúc nào là không vận động và biến hóa. Theo quy luật biến hóa thì khí Trời luôn luôn giáng xuống, khí Đất thì luôn luôn đưa lên, một khí ở trên một khí ở dưới hấp dẫn lẫn nhau, một khí đưa lên một khí đưa xuống tác dụng lẫn nhau.
Đồng thời, có động tất có tĩnh, một bên động một bên tĩnh cũng có thể ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh ra sự biến hóa. Khí Trời giáng xuống thì sẽ thấu xuống Đất, khí Đất đưa lên thì sẽ bốc lên Trời, vì Trời - Đất có tác dụng trên dưới hút nhau, một khí đưa lên một khí giáng xuống làm nhân quả lẫn nhau mà sinh ra biến hóa.
Sách Tố vấn dạy rằng khi động tĩnh hút nhau, trên dưới ảnh hưởng lẫn nhau, Âm Dương xen lẫn phối hợp với nhau thì sinh ra sự biến hóa, chính vì khí Âm Dương của thiên địa không phải là yên tĩnh mà là trên dưới lên xuống vận động không ngừng cho nên mới sinh ra sự biến hóa, có biến hóa mới có thể sinh ra vạn vật.
Khi khí Trời đưa xuống, khí Đất bốc lên, sự phối hợp giữa khí đưa lên và khí đưa xuống gọi là “khí giao”, con người sinh tồn ở trong khoảng “khí giao” này, hay nói cách khác người ta sinh hoạt trong sự vận động biến hóa của khí Âm Dương trong Trời - Đất.
Sự biến hóa của khí Âm Dương trong Trời - Đất không phải là trừu tượng mà dựa trên cơ sở vật chất và quy luật của vũ trụ mà người xưa quy định Trời là Phong, Nhiệt, Thấp, Táo, Hàn; còn Đất là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, cho nên Trời là “khí” còn Đất là “hình” hai thứ đó cảm ứng với nhau mà hóa sinh ra vạn vật.
Lại nói Hàn, Thử, Táo, Thấp, Phong, Hỏa là Âm Dương của Trời, ứng với 6 khí Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy là Âm Dương của Đất, sự biến hóa Sinh, Trưởng, Hóa, Thu, Tàng tương ứng với thứ khí ấy. Điều đó có nghĩa rằng, trong tình trạng hình với khí cảm ứng lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mà phát sinh ra sự biến hóa, từ sự biến hóa mà phát sinh ra vạn vật. Sau khi vạn vật sản sinh, mọi thứ sẽ trải qua một quá trình phát triển là Sinh, Trưởng, Hóa, Thu, Tàng.
Sự chuyển biến trong quá trình ấy luôn luôn tương quan với sự biến hóa của Âm - Dương, Trời - Đất. Từ đó có thể hiểu được sự biến hóa của tự nhiên giới và sự biến hóa phát sinh phát triển của vạn vật là không tách rời với sự biến hóa mâu thuẫn thống nhất của Âm Dương.
Nói tóm lại sự sinh tồn và phát triển của sinh vật đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh khách quan, con người cũng không nằm ngoài cái quy luật ấy, người với tự nhiên luôn có sẵn quan hệ mật thiết không thể tách rời.
Lý luận về y học cổ truyền dạy rằng, trong khoảng Trời - Đất có đầy đủ vạn vật, không có gì quý bằng con người, mọi người nhờ vào sinh khí của Trời - Đất và tinh khí của đồ ăn thức uống mà sinh tồn theo vào quy luật Sinh, Trưởng, Hóa, Thu, Tàng. Cứ theo bốn mùa trưởng thành, phát triển.
Điều đó có nghĩa rằng, tự nhiên giới tuy có vạn sự vạn vật nhưng quý báu nhất vẫn là con người, người dựa vào tự nhiên giới để duy trì sinh mạng và tồn tại. Mọi vật cũng thuận theo quy luật tự nhiên của bốn mùa là Sinh, Trưởng, Thu, Tàng để phát triển sinh mạng.
Do đó có thể thấy sinh mạng của người ta tất nhiên là chịu ảnh hưởng của tự nhiên giới, vì thế nghiên cứu y học cần phải đem vấn đề về quan hệ giữa người với tự nhiên dưới đặt thành một trong những vấn đề trọng yếu đầu tiên.
Ảnh hưởng của khí hậu với thân thể con người
Từ cổ xưa, nền y học đã gọi Xuân, Hạ, Thu, Đông là “Tứ thời Lục khí” và xét khí hậu của bốn quý tiết ấy thành mùa Xuân ấm, mùa Hạ nóng, mùa Thu mát, mùa Đông lạnh. Nhưng những thứ khí hậu khác nhau ấy xếp vào tính chất của nó thì trên thực tế chỉ có hai loại là ấm và nóng một loại mát và lạnh.
Dùng Âm Dương mà nói thì loại ấm thuộc Dương, loại mát thuộc Âm. Cũng tức là mùa Xuân mùa Hạ là Dương, mùa Thu mùa Đông là Âm, cho nên quá trình biến hóa của khí hậu bốn mùa là quá trình biến hóa của Âm Dương tiêu trưởng, là quá trình vận động biến hóa phát triển.
Sự thay đổi giữa bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tuy có một quy luật nhất định là Xuân ấm, Hạ nóng, Thu mát, Đông lạnh, nhưng sự biến hóa của ấm lạnh nóng mát có khi không phải là tách riêng ra được, cũng không hoàn toàn là tương ứng với thời tiết, cũng không phải là có thời gian và địa điểm giống nhau.
Người xưa lấy vị trí nước Trung Quốc làm chính giữa mà nhận thức về quy luật biến hóa của khí hậu bình thường trong bốn mùa, ví như quá trình sinh trưởng của thực vật trong một năm thì phần nhiều mùa Xuân bắt đầu nảy mầm, mùa Hạ sinh trưởng tốt, mùa Thu thì dần dần rút lại, mùa Đông thì cành lá tàn rụng.
Trong quá trình sinh trưởng của động vật cũng có thể chia thành mấy giai đoạn như thế, bắt đầu từ trẻ nhỏ đến trưởng thành, đến lớn mạnh, tới sự suy yếu rồi tử vong.
Vì đó là quá trình tất nhiên phải kinh qua trong hoạt động sinh mệnh bình thường của tất cả sinh vật, cho nên người xưa mới đem quá trình ấy xem như một thứ quy luật là Sinh, Trưởng, Hóa, Thu, Tàng.
Thiên tứ khí điều thần đại luận sách Tố vấn nói: sự biến hóa của Âm Dương bốn mùa là nguồn gốc sinh trưởng suy lão tử vong của vạn vật, trái với sự biến hóa ấy thì sẽ sinh ra tai nạn, đúng theo sự biến hóa ấy thì tật bệnh không sinh ra. Người xưa lấy đó để chỉ đạo cho việc phòng bệnh.
Hàn, Nhiệt, Ôn, Lương mới chỉ là sự phân loại về ôn độ theo khía cạnh của khí hậu bốn mùa, trên thực tế ở trong tự nhiên còn có sự biến hóa của các thứ khí hậu khác phức tạp hơn nữa. Để nắm vững sự biến hóa của các thứ khí hậu phức tạp ấy, chúng ta phải tìm ra quy luật biến hóa của nó. Người xưa trải qua sự quan sát lâu dài đã phân tích, quy nạp, tìm ra được nhân tố chủ yếu của khí hậu biến hóa có sáu thứ là Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa.
Khi không khí lưu động là Phong, ôn độ xuống thấp là Hàn, ôn độ lên cao là Nhiệt, thấp độ tăng thêm là Thấp, thấp độ rút xuống là Táo. Trong đó Thử và Nhiệt tiến lên một bậc nữa thì hóa thành Hỏa.
Tuy nhiên, khi Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo trong điều kiện nhất định nào đó đều có thể hóa thành Hỏa. Kỳ thực những thứ ấy đều là sự biến hóa của lực khí trong vũ trụ sinh ra, cho nên gọi chung là Lục khí, bởi vì mỗi khí đều có đặc tính và công dụng riêng.