Từ giữa tháng 7/2020, nhiều hộ dân sống gần mỏ đá vôi của NMXM Đồng Lâm lo lắng khi phát hiện nhiều điểm sụt lún bất thường tiếp tục nổi lên, “ăn” đến tận nền nhà của dân. Trước đó, các hố sụt lún này chỉ xuất hiện ở đồng ruộng và trong vườn.
Bà Nguyễn Thị Huyên (51 tuổi, thôn Xuân Lộc) lo lắng, các hộ chỉ cách mỏ đá Đồng Lâm khoảng 300m khiến mọi người càng hoang mang, lo lắng về an toàn. Theo bà Huyên, xảy ra các hố sụt lún là ảnh hưởng của việc khai thác đá tại mỏ đá vôi.
Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, việc xuất hiện các điểm và hố sụt lún diễn ra từ năm 2015 và kéo dài đến nay. Hiện toàn xã ghi nhận 90 hố sụt lún, nằm rải rác ở nhiều thôn trên địa bàn, trong đó tập trung đông ở thôn Xuân Lộc.
Nguyên nhân do ảnh hưởng từ quá trình khai thác mỏ đá vôi của NMXM Đồng Lâm. Nhà máy này đã thống nhất phương án san lấp hố sụt lún, tránh nguy hiểm cho người và gia súc; lập dự toán hỗ trợ di dời 17 ngôi mộ kinh phí trên 100 triệu.
Theo ông Lành, năm 2009, Cty CP Xi măng Đồng Lâm được Bộ TN&MT cấp phép khai thác đá vôi tại xã Phong Xuân thời hạn 30 năm. Khoảng năm 2014, mỏ đá được đưa vào khai thác và cũng từ đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc bị ảnh hưởng.
Việc nổ mìn làm cả khu vực rung chuyển, nhiều nhà nền móng yếu nên tường xây nứt toác. Người dân kiến nghị thì được chủ đầu tư hỗ trợ khoảng 15- 16 triệu với nhà nứt nhiều. Tuy nhiên, theo người dân, số tiền này không đủ để mua vật liệu, chứ chưa nói đến các chi phí khác.
Ngoài ra, quá trình nổ mìn khai thác của mỏ làm đất đá từ mỏ văng khắp mặt ruộng khiến những cánh đồng lúa xung quanh không thể canh tác. Hoa màu cũng chết héo do khói thuốc, nhiều khu vực phải bỏ hoang…
Chính quyền vận động 49 hộ chuyển đổi diện tích hơn 6ha sang trồng lạc, ngô và NMXM Đồng Lâm cũng đã hỗ trợ chi phí chuyển đổi cho bà con. Toàn xã có 93 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mỏ đá kiến nghị được di dời để sớm ổn định cuộc sống.
Giữa tháng 7/2020, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đánh giá tác động của việc khai thác mỏ đá nguyên liệu xi măng Đồng Lâm đến đời sống của các hộ gia đình. Đại diện Sở KH&CN cho biết đang nghiên cứu, xây dựng đề tài xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng tránh nguy cơ sụt đất tại khu vực.
Sau khi nghe đại diện Sở và nhóm nghiên cứu đề tài báo cáo sơ bộ kết quả, lãnh đạo tỉnh ghi nhận ý kiến đề xuất của huyện Phong Điền về việc lập đề án di dời các hộ gia đình bị ảnh hưởng đến khu tái định cư mới. Để có giải pháp tổng thể trên tinh thần khách quan, khoa học, UBND tỉnh đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài tiếp tục hoàn thiện, thực hiện các bước tiếp theo của đề tài trong thời gian 3 tháng (đến hết tháng 11/2020).
Trong thời gian chờ hoàn chỉnh đề tài, UBND tỉnh yêu cầu Đồng Lâm tiếp tục có phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng; có biện pháp giảm thiểu rung chấn, bụi và tiếng ồn trong quá trình khai thác và vận chuyển.