Khi nào được BHYT thanh toán 100% chi phí?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014: “Từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”.
Như vậy, sau 5 năm thông tuyến BHYT tuyến huyện, bắt đầu từ 01/01/2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Bởi, chỉ cần có thẻ BHYT, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được KCB và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).
Cụ thể, theo quy định hiện hành, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.
Phân tích rõ hơn về quy định này, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Theo Luật BHYT năm 2014, trước 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Từ thời điểm 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng khi tự đến điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.
“Sự thuận lợi mà chính sách này mang lại tạo điều kiện cho người dân chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, đồng thời cũng là động lực nâng cao chất lượng KCB tại tất cả các tuyến y tế”- ông Phúc chia sẻ.
Khẳng định quy định mới này hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi cho người dân tham gia BHYT trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, song ông Lê Văn Phúc cũng đặc biệt lưu ý: “Không phải trường hợp nào đến KCB tại tuyến tỉnh cũng được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng. Cụ thể, với quy định thông tuyến tỉnh từ năm 2021, quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú. Trường hợp người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh”.
Đảm bảo thông tuyến hiệu quả
Phát biểu tại cuộc họp về chuẩn bị thông tuyến BHYT năm 2021 diễn ra vừa qua tại trụ sở Bộ Y tế, ông Lê Văn Phúc nhận định: Một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng “quá tải” khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.
Theo đó, ông Phúc cho rằng, các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, việc kê thêm giường bệnh có đảm bảo đúng quy định hay không bởi có những bệnh viện kê thêm hàng nghìn giường bệnh (điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An đã kê thêm hơn 2.000 giường bệnh). Bên cạnh đó, các đơn vị phải có giải pháp tránh tình trạng bác sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT.
Còn đối với phương thức thanh toán cho người dân khi thông tuyến BHYT, ông Lê Văn Phúc cho biết: Hiện nay, phương thức thanh toán BHYT theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi thanh toán bằng DRG, tổng ngân sách cho hoạt động khám, chữa bệnh ở bệnh viện sẽ được khống chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh phương thức thanh toán này.
Đồng thời, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức bệnh nhân trong việc KCB ở các bệnh viện tuyến dưới. Giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Đi kèm với đó, bản thân lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng cao nhân lực, vật lực để có thể đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.
Xây dựng tiêu chuẩn nhập viện nội trú
Được biết, để chuẩn bị cho quy trình thông tuyến tỉnh, Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT về việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT.
Theo đó, để tránh tình trạng các bệnh viện tuyến tỉnh chỉ định nội trú “ồ ạt” để tăng nguồn thu, tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Cục Quản lý khám, chữa bệnh khẩn trương ban hành hướng dẫn xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh phổ biến, có tần suất mắc và nhập viện nội trú cao trong các cơ sở KCB, trong đó có hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn nhập viện nội trú tương ứng với mỗi loại bệnh lý. Đồng thời, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng hướng dẫn tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến KCB tại các cơ sở KCB.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về KCB và BHYT. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ KCB tại bệnh viện.
Cùng với đó, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang KCB, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết…
Về phía Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở KCB các tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Tổ chức phổ biến, tập huấn về chính sách, pháp luật về KCB và BHYT; các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KCB và BHYT theo Nghị định 117/2020/NĐ- CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở KCB các tuyến phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường bệnh nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở. Trường hợp tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn so với số giường kế hoạch được phê duyệt để giảm tình trạng nằm ghép, bệnh viện phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.
Mặt khác, khi có tình trạng quá tải, phải chủ động báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp để đề xuất giải pháp phối hợp với các cơ sở KCB khác khi có tình trạng quá tải; thực hiện hình thức chuyển người bệnh về tuyến dưới khi tình trạng bệnh ổn định theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB.