“Vượt lên chính mình”, băng qua gian khó
Nếu ai đã và đang sinh sống ở Sóc Trăng trên dưới 30 năm thì sẽ cảm nhận được trọn vẹn và đầy đủ sự phát triển và thay đổi không ngừng của địa phương này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay và đột phá đó là chất lượng cuộc sống của người dân tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ngày càng được cải thiện.
Tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ được chia tách từ tỉnh Hậu Giang. Khi mới chia tách, Sóc Trăng gặp khó khăn về mọi mặt. Tuy nhiên, tỉnh đã không ngừng thích ứng và vận dụng những lợi thế vốn có của mình để từng bước phát triển và khẳng định vị thế tỉnh Sóc Trăng như ngày hôm nay. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực ra sức khai thác các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội.
Sóc Trăng có lợi thế về phát triển kinh tế tổng hợp, đặc biệt là giao lưu thương mại quốc tế, phát triển kinh tế biển và ven biển. Tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển giao thông đường thủy nội địa và quốc tế.
Hệ thống giao thông của tỉnh Sóc Trăng hôm nay thông thoáng, sầm uất, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. |
Sau 30 năm tái lập tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân hàng năm 11,8% (giai đoạn 1993 - 2010) và 4,67% (giai đoạn 2011 - 2021). Hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt đều đạt kết quả vượt trội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; tình hình thu hút đầu tư có bước khởi sắc; nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh, nhiều dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, được nhân dân đồng tình, tin tưởng.
Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP - tính theo giá hiện hành) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992. Nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả vượt trội, giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng 20,4 lần so với năm 1992, trong đó giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 18,3 lần, chăn nuôi tăng 28,62 lần và dịch vụ nông nghiệp tăng 60,22 lần.
Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Dựa trên cơ sở những lợi thế, tiềm năng vốn có về biển và điều kiện tự nhiên phù hợp đã phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả 3 vùng sinh thái: nước mặn, lợ, ngọt. Nhờ đó sản xuất thủy sản so với năm 1992 có bước phát triển vượt bậc và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu.
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là hơn 350.642 tấn, tăng 12,87 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 9,21%. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa phát triển mạnh so với thời kỳ đầu khi tái lập tỉnh. Trị giá xuất khẩu hàng hóa năm 2021 là 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992.
Sóc Trăng hướng tới phát triển bền vững
Toàn cảnh thành phố Sóc Trăng khang trang, hiện đại hôm nay. |
Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng được địa phương đặc biệt chú ý. Đời sống người dân khu vực nông thôn, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế và xã hội. Khi tái lập tỉnh năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 36,7%.
Năm 2021, hộ nghèo tỉnh Sóc Trăng còn 5.398 hộ, chiếm tỷ lệ 1,64% (theo chuẩn tiếp cận đa chiều gđ 2016-2020), giảm đáng kể từ khi tái lập tỉnh. Phong trào đền ơn, đáp nghĩa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức phong phú như: Vận động Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức thăm và tặng quà người có công nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ và các ngày lễ lớn, tổ chức các đợt khám, chữa bệnh miễn phí; tổ chức cho người có công tiêu biểu đi tham quan, gặp mặt truyền thống; thực hiện xây mới, sửa chữa 17.217 căn nhà cho người có công, với kinh phí trên 652 tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng hôm nay là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu, cần cù, sáng tạo của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng trong 30 năm qua. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn có những khó khăn thách thức, nhưng những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội sau 30 năm tái lập tỉnh đã đánh dấu một chặng đường phát triển, tiến bộ nhanh chóng của Sóc Trăng.
Mỗi chặng đường đi qua là những bài học kinh nghiệm quí báu, giúp cho Sóc Trăng vững bước đi lên ở những chặng đường tiếp theo. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc làm động lực tạo nên sức mạnh giúp cho Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cùng với cả nước phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hành động quyết liệt, trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, vừa xem trọng tính toàn diện vừa tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển. Giải quyết hài hoà lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội với những bước đi phù hợp, khả thi. Xây dựng, phát triển, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới tích cực trên các lĩnh vực. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường.
Những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025
- Tiếp tục thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế kết hợp với tuyển dụng mới, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; nâng cao chất lượng về chuyên môn, tác phong đạo đức của đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
- Tăng cường đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sớm hoàn thành đưa dự án vào hoạt động. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án mới có tiềm năng như năng lượng, cảng biển, khu logistics, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch...
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất; khuyến khích liên kết sản xuất theo qui mô lớn và chuỗi giá trị; tiếp tục phát huy việc tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.
- Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, hỗ trợ nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
- Kết hợp đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.