“Đẳng cấp”… say 7 ngày, 7 đêm
Chưa đầy một tiếng đồng hồ ngồi xe từ TP Lai Châu, chúng tôi đã đến nhà anh Vàng A Chỉnh (41 tuổi), Trưởng bản Sin Suối Hồ. Thấy khách đến, Trưởng bản Chỉnh vui vẻ bảo vợ là chị Sùng Thị Ke (39 tuổi) pha trà thảo quả mời chúng tôi. Trò chuyện với anh chúng tôi được biết, vợ chồng anh chị đều là người dân tộc Mông, đến nay đã có 3 người con, 2 trai và 1 gái. Năm 2001, anh chính thức nối nghiệp bố làm Trưởng bản.
Trước đây khoảng 10 năm, khi ấy ai lên bản cũng đều gặp cảnh vài người đàn ông, có khi cả phụ nữ trong tình trạng “lâng khâng” thậm chí là say bí tỉ. Vào nhà người dân thì dù giàu, dù nghèo, dù gia sản có khi chẳng có gì để gọi là dư giả nhưng hầu như trong nhà nào cũng không thiếu rượu.
Ngày ấy rượu không chỉ là một men say mà còn được cánh đệ tử lưu linh cho là tình cảm, là đẳng cấp, là sự rộng rãi hào sảng của sự chất phác miền sơn cước. Mặt khác, do sinh sống ở vùng núi cao, mùa hè thì sương phủ còn mùa đông đôi khi có cả tuyết rơi, cái rét thấu xương mà bếp lửa đôi khi không đủ ấm nên rượu là một “công cụ” tốt để giữ ấm cái bụng. Bởi vậy, không chỉ người lớn mới uống rượu mà trẻ con cũng được “nhập môn”, làm quen với rượu từ khá sớm. Không chỉ đàn ông uống rượu mà cả cánh chị em cũng được xếp vào hàng tửu lượng “có số”.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh kể lại, người nghiện rượu mà không có rượu uống thì chân tay nó buồn bực, cầm con dao không chặt, vung cái cuốc không lên, mắt hoa, chân run. Họ phải có rượu mới lấy lại được khí thế. Với họ, rượu còn quan trọng hơn cơm ăn, nước uống nên có nhiều người dù nhà sắp phải đối mặt với cảnh đứt bữa nhưng vẫn không tiếc tay đổ ngô vào nấu rượu.
Thời ấy, có những nhà bếp cơm nguội lạnh nhưng bếp nấu rượu lúc nào cũng đượm hồng. Có những người uống rượu đến thâu đêm suốt sáng, có người uống quanh năm và nấu rượu từ lúc tra hạt ngô xuống đất đến khi thu ngô về lại lấy ngô mới cho vào nấu rượu. Kỷ lục say của bản cũng đã được xác lập, đó là anh Sùng A Chớ say tới 7 ngày, 7 đêm.
Trong suốt 7 ngày đêm đó, mỗi khi tỉnh dậy anh không cần ăn, chỉ uống chút nước, và sau đó lại làm vài bát rượu rồi say cho đến ngày thứ 8 mới tỉnh hẳn. Mà nhà Chớ thì cũng chẳng khấm khá, căn nhà xiêu vẹo chả khác nào cái dáng đi của anh lúc đủ rượu, lâng lâng. Trong nhà tài sản không có gì nhiều nhưng can, chai thì nhìn quanh chỗ nào cũng có.
Chớ làm quen rồi làm bạn với rượu từ năm 13 - 14 tuổi và rồi làm đệ tử của lưu linh lúc nào không hay. Có lúc muốn bổ được nhát cuốc phải có “lệ phí” là hớp rượu nó mới “bốc”, muốn vác được bao ngô cho vững cũng phải có bát rượu cầm hơi thế nên lúc ấy với Chớ cơm chả thiết nhưng rượu nhất quyết phải có. Và để có rượu thì phải có ngô nên có năm, mấy bao ngô mà Chớ cũng “quy thành giọt” hết, vì thế gia đình đã nghèo lại thêm túng khó.
Thời đó có lúc vào bản tìm người tỉnh khó hơn người say, mà khi say thì tốc độ của đôi tay lớn hơn khối óc nên người ta cãi nhau, thậm chí là đánh nhau. Đầu tiên là đánh vợ, đánh con rồi có khi ngay cả bạn rượu cũng choảng nhau chả tiếc. Trưởng bản Vàng A Chỉnh xác nhận ngay cả bố vợ của Trưởng bản là ông Sùng A Tráng cũng có lúc uống say rồi đánh vợ, chuyện cãi nhau trong bản hầu như ngày nào có người say là lại có…
Nhận thấy tác hại của việc lạm dụng rượu, nghiện rượu, Trưởng bản Vàng A Chỉnh quyết tâm tìm con đường sáng cho bà con đi và việc đầu tiên là bỏ rượu. “Chỉ có bỏ rượu thì mới có nhiều ngô, người mới khỏe khoắn, làm ăn mới khấm khá được. Bỏ được rượu thì chuyện say rượu đánh chửi vợ con, đánh nhau với hàng xóm, bất hòa trong cộng đồng cũng sẽ mất đi” - Trưởng bản Vàng A Chỉnh nhận định. Suy nghĩ của anh được lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã ủng hộ nên anh càng quyết tâm vận động bà con bỏ rượu.
“Muốn nói người khác nghe thì mình, người nhà mình phải làm gương”, nghĩ vậy Trưởng bản đến vận động chính bố vợ mình trước. Nói mãi rồi ông Tráng cũng nghe và quyết tâm bỏ rượu. Lúc này thấy ông Tráng bỏ được rượu, được Trưởng bản tận tình khuyên bảo nhiều người cũng xuôi tai mà giảm dần rồi bỏ hẳn việc uống rượu vặt, uống rượu triền miên, vì thế số người uống rượu, say rượu trong bản cũng giảm đi đáng kể.
Những trường hợp như Sùng A Chớ dần dần thấy mình lạc lõng nên cũng quyết tâm bỏ rượu. Người Mông đã quyết tâm là làm được và họ làm gọn ghẽ thế nên bây giờ ở bản Sin Suối Hồ chuyện rượu chè bê tha đã trở thành quá khứ. Rượu chỉ xuất hiện trong những phong tục, những lễ hội mang nét đẹp văn hóa truyền thống mà ngay cả những lúc đó chuyện quá chén, say xỉn cũng rất hiếm gặp.
Và người Mông trồng lan, làm du lịch
Anh Chỉnh cho hay, trong những lần lên rừng trồng thảo quả, thấy hoa địa lan nở đẹp quá, anh mang về trồng làm cảnh. Chính khí hậu mát mẻ, chất đất tốt ở nơi đây là điều kiện thuận lợi cho địa lan phát triển. Năm 2013, có khách đến chơi, hỏi mua, thấy bán được giá anh quyết định trồng với số lượng lớn và bảo bà con trong bản cùng trồng.
Anh Chỉnh cho biết, thời điểm này, giá bán trên thị trường là 190.000 đồng/bông lan, mỗi chậu địa lan ở đây giá thấp nhất khoảng 2 triệu đồng, còn đắt nhất có giá đến chục triệu đồng. Hàng năm từ tháng 7 đến tháng Giêng, nhiều xe ô tô đến mua cả trăm chậu trở về Sa Pa, Lào Cai và Hà Nội. Chẳng thế mà nhà nhà đều trồng lan, đến nay đã có hơn 90 hộ trồng lan trên tổng số 103 hộ trong bản.
Nhà trồng ít thì vài chục chậu, nhà trồng nhiều đến hàng trăm chậu, riêng nhà anh Chỉnh trồng khoảng 300 chậu lan.Tới cuối năm vừa rồi, gia đình anh đã thu về hơn 100 triệu đồng nhờ bán địa lan. Hoa lan làm ra thu nhập cao mà còn là một thứ chơi độc đáo ở bản vùng cao, thu hút khách du lịch mỗi khi đặt chân đến nơi đây.
Ngoài trồng lan, các hộ dân nơi đây còn trồng lúa, ngô, thảo quả, táo mèo, nuôi trâu, dê và làm du lịch. Cách đây 3 tháng, gia đình anh Chỉnh bán được 20 con dê thu về gần 60 triệu đồng, hiện tại gia đình anh đang nuôi hơn 10 con dê. Tháng 10 năm 2015, bản chính thức được công nhận là bản du lịch cộng đồng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến ngày một đông. Đến nay, cả bản đã có 5 hộ dân tổ chức được mô hình homestay với cơ sở vật chất đảm bảo cho những đoàn khách hàng chục người.
“Thời điểm du khách đến đông nhất là vào mùa hè, trung bình mỗi ngày đón gần 100 lượt du khách, mỗi du khách ở lại, mình chỉ thu 80.000 đồng/ đêm thôi”, anh Chỉnh phấn khởi nói. Chỉ tính riêng khoản thu nhập từ nuôi dê, trồng thảo quả, táo mèo và làm du lịch, gia đình anh Chỉnh hàng năm đã thu về gần 100 triệu đồng, cộng thêm khoản thu nhập từ bán địa lan, từ đầu năm đến nay gia đình anh thu nhập lên đến hơn 200 triệu đồng. Đây là con số đáng mơ ước của một hộ gia đình ở vùng cao Tây Bắc.
Ông Giàng A Vư, Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết: thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 đạt 11 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2014. Trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người của bản Sin Suối Hồ là cao nhất trên tổng số 11 bản trong xã. Chỉ sau 1 năm nhân giống địa lan, năm 2013 bản có từ 39 hộ nghèo (208 khẩu) đến năm 2014 xuống còn 28 hộ (169 khẩu).
Dẫn chúng tôi đi thăm thác Trái Tim, anh Vàng A Chỉnh chia sẻ: “Khi có khách du lịch đến bản, ban đầu chúng tôi có phần lạ lẫm, nhưng khi đã gặp, đã quen thì dân bản rất vui và phấn khởi vì bản mình được nhiều người yêu thích. Được cán bộ làm du lịch và chính quyền xã tuyên truyền, vận động chúng tôi thấy phát triển du lịch là một cơ hội mới để Sin Suối Hồ phát triển hơn nữa, không chỉ về kinh tế mà văn hóa truyền thống của người Mông cũng sẽ được lưu giữ”.
Sin Suối Hồ có thể gữ chân khách du lịch từ 1 đến 4 ngày thông qua tổ chức các hoạt động như: thăm bản, tìm hiểu kiến trúc nhà ở, tìm hiểu phong tục tập quán; hành trình cho khách đi bộ chinh phục thác Trái Tim, thăm khu rừng nguyên sinh; tổ chức xem biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao (như kéo co, đẩy gậy, bán nỏ…) thưởng thức ẩm thực, sinh hoạt cùng với người dân; tham quan chợ phiên (sáng thứ Bảy); leo núi chinh phục đỉnh Bạch Mộc Nương Tử chỉ cách Trung tâm xã Sin Suối Hồ khoảng 20km về phía Đông Bắc (đây là đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam và Đông Nam Á); cho khách du lịch học chăm sóc thảo quả, địa lan và trồng lúa ở ruộng bậc thang; các tour du lịch từ thiện, mạo hiểm...
Anh Chang A Chinh, một người dân bản cho biết: “Mình chưa bao giờ được đi du lịch và cũng không biết cách làm du lịch, nhưng cứ lấy tấm lòng chân thành của người Mông, vừa làm, vừa học hỏi thì không có gì là mình không làm được”.
Theo chân Trưởng bản Vàng A Chỉnh đi thăm bản, anh Chỉnh giới thiệu những hộ tiêu biểu mà bản đã vận động và sẵn sàng đón khách, hầu hết các gia đình đều là những hộ kinh tế khá, có nhà cửa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống nhưng khang trang, sạch đẹp.
Họ rất phấn khởi và mong muốn được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ để có thể phục vụ được khách du lịch. Một số người dân đã khá quen với việc đón tiếp khách qua việc dẫn đường, mang đồ cho khách đi tham quan, leo núi, phục vụ khách ăn nghỉ tại gia đình... và chính họ đang trở thành những người đi đầu, tiên phong làm và vận động bà con cùng làm du lịch.
Chia tay Sin Suối Hồ đầy bịn rịn bởi những người Mông hiếu khách và một không gian mờ ảo, sương giăng. Người Mông hôm nay không chỉ giữ được nét nguyên sơ, thuần phác của mình mà dường như họ đã rất khác, những con người chăm chỉ ấy đang bước gần hơn tới cuộc sống văn minh. Và tôi tin họ “không có gì là không làm được”, khi đã có một con đường và những khát vọng...