3 nhóm vi phạm
Hiện trạng nghệ sĩ nhận tiền để quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá lố về các sản phẩm thực phẩm chức năng đã diễn ra nhiều năm nay, bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Nhiều nghệ sĩ đã đối mặt với các án phạt từ cơ quan chức năng. Nhưng dường như điều này vẫn chưa đủ sức răn đe hoàn toàn với một bộ phận nghệ sĩ.
Một số nghệ sĩ vẫn tiếp tục quảng cáo cho các dòng sản phẩm với thông tin chưa được kiểm chứng. Có người từng bị phạt, từng xin lỗi khán giả, nay tiếp tục tham gia quảng cáo cho các sản phẩm giảm béo, trị đau xương khớp... phát trên mạng. Một nữ diễn viên trẻ còn bị khán giả phát hiện đã phẫu thuật thẩm mỹ để có vòng eo thon, nhưng lại quảng cáo cho một “liệu trình giảm béo”.
Đặc biệt, để “né” xử phạt từ cơ quan chức năng, nhiều người nổi tiếng đã biến nội dung quảng cáo thành hình thức “trải nghiệm cá nhân” và “chia sẻ thông tin bổ ích cho công chúng”. Một số nghệ sĩ nhận quảng cáo “lậu” từ các cơ sở kinh doanh, không xác lập các hợp đồng quảng cáo, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm.
Tại Hội thảo triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới diễn ra tại TP HCM vào đầu tháng 7/2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã nêu phân tích về 3 nhóm vi phạm trong quảng cáo do người nổi tiếng tham gia hiện nay.
Nhóm thứ nhất là những nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thứ hai, quảng cáo sản phẩm chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, hoặc đã được cấp phép nhưng quảng cáo không đúng nội dung được cho phép. Nhóm thứ 3 là những nghệ sĩ quảng cáo tiếp tay cho sản phẩm, “thổi phồng” chất lượng sản phẩm để nhận tiền từ các nhãn hàng, từ những người có ý đồ xấu.
Xây dựng quy trình xử lý vi phạm
Cũng tại Hội thảo trên, ông Lê Quang Tự Do cho biết, để mạnh tay chấn chỉnh thực trạng trên, Bộ TT&TT đang phối hợp Bộ VH,TT&DL xây dựng quy trình xử lý các hành vi vi phạm của nghệ sĩ nếu vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử. Theo đó, hình ảnh của nghệ sĩ quảng cáo sai phạm sẽ bị hạn chế trên báo, đài và các nền tảng truyền thông đại chúng. Những quy định xử lý nghệ sĩ quảng cáo vi phạm sẽ được triển khai vào quý IV/2023.
Mới đây, Bộ VH,TT&DL cũng đã có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong Dự thảo có đề xuất quy định, hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng hoặc những người có tài khoản mạng xã hội có số lượng đăng ký, theo dõi lớn, tức người có tầm ảnh hưởng phải bảo đảm các yêu cầu như phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Cạnh đó, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, còn không ít quy định đã được ban hành nhằm xử lý hành vi quảng cáo tràn lan, sai sự thật của người nổi tiếng. Hy vọng những nỗ lực trên của các cơ quan chức năng sẽ sớm quản lý được tình trạng nghệ sĩ lợi dụng hình ảnh, tên tuổi bản thân để quảng cáo sản phẩm trái quy định, sai sự thật, gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần và tiền bạc cho người tiêu dùng.